Trang trại điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới
Công ty Hà Lan Solar Duck đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới với công suất 5 MW.
Kết hợp với turbine gió, pin quang năng đặt trên mặt nước sẽ giúp tăng sản lượng điện sạch. Ảnh: SolarDuck
Quá trình xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi ngoài khơi 5 megawatt (MW) bắt đầu với các khâu thiết kế, thi công và giới thiệu cơ sở, Interesting Engineering hôm 5/3 đưa tin. Solar Duck, công ty Hà Lan, cung cấp công nghệ cho nhà máy.
SolarDuck bắt tay vào dự án 9,1 triệu USD để xây dự án điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới (OFS). Dự án này sẽ được kết hợp, cấp phép và nằm bên trong trang trại điện gió OranjeWind ở vùng ven biển phía tây Hà Lan. Trước khi công tác xây dựng cơ sở bắt đầu, một liên minh tên Nautical SUNRISE sẽ tiến hành nghiên cứu các thành phần của dự án, đảm bảo độ tin cậy, khả năng hoạt động lâu dài, tính ổn định và năng suất của nhà máy nổi. Tùy theo kết quả nghiên cứu, nhà chức trách sẽ rút ra kế hoạch chi tiết nhằm giải quyết những thách thức và thúc đẩy thương mại hóa dự án.
Ngoài ra, liên minh cũng sẽ tiến hành đánh giá độ bền vững của dự án và cân nhắc yếu tố như tác động tới môi trường và chu kỳ hoạt động đầy đủ. Theo Don Hoogendoorn, giám đốc công nghệ tại SolarDuck, dự án sẽ cho phép công ty hiểu rõ hơn ảnh hưởng về mặt sinh thái và độ an toàn của thiết kế.
Khi các nước tìm cách cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, những giải pháp năng lượng dựa vào điện gió và điện mặt trời đang được lắp đặt nhanh chóng. Dù giá điện từ các công nghệ này giảm dần là một dấu hiệu đáng mừng, tỷ lệ chuyển đổi năng lượng thấp vẫn là vấn đề lớn. Cả nhà máy điện gió và điện mặt trời đều cần diện tích đất rộng để khai thác lượng điện lớn nhằm chuyển đổi hiệu quả.
Diện tích đất trên Trái Đất có hạn và được sử dụng cho mục đích đa dạng, từ nhà ở và nông nghiệp tới khu công nghiệp. Do đó, những trang trại điện gió đã chuyển ra ngoài khơi để xây các turbine lớn hơn và khai thác tốc độ gió cao hơn, nhờ vậy sản xuất nhiều điện sạch hơn. Tương tự, trang trại mặt trời cũng cần chuyển ra mặt nước. Bao phủ kênh đào bằng pin quang năng có thể là ý tưởng tốt ở khu vực khan hiếm nước. Nhưng sông hồ chỉ chiếm 0,2% bề mặt hành tinh. Hơn nữa, các dòng sông được dùng cho lưu thông nội địa, vì thế lắp đặt pin mặt trời có thể ảnh hưởng tới hệ thống hiện nay.
Ngược lại, 71% bề mặt hành tinh được bao phủ bởi nước biển, cung cấp cơ hội để xây dựng cơ sở thu thập năng lượng sử dụng ánh sáng Mặt Trời dồi dào. Công ty SolarDuck quan tâm tới lắp đặt trang trại mặt trời ở khu vực gọi là Vành đai Mặt Trời. Khu vực như Caribe, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí Oman, rất giàu ánh nắng nhưng ít gió. Với diện tích đất hạn chế, cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn trở nên quá tốn kém ở những nơi đó. Tuy nhiên, các vùng biển lân cận rất lý tưởng để đặt nhà máy điện nổi ngoài khơi. Điều này sẽ giúp nhiều nước giảm phụ thuộc vào diesel hoặc khí tự nhiên và giảm carbon.
( nguồn : Vnexpress )