TP. Hồ Chí Minh: Nhiều dự án đầu tư lưới điện vướng mắc
Việc xây dựng các trạm biến áp tại TP.HCM đang vướng quy hoạch và đấu giá quyền sử dụng đất - Ảnh: Lê Quân
Theo báo cáo vừa được Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) gửi UBND TP.HCM, hàng loạt dự án đầu tư lưới điện tại TP.HCM gặp vướng mắc nhiều năm chưa được tháo gỡ.
Điển hình như trạm biến áp 220 kV Tân Sơn Nhất, việc điều chỉnh quy hoạch đã kéo dài hơn 6 năm, đến nay Thành phố vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm.
Hoặc dự án trạm biến áp 110 kV Linh Đông sau hơn 3 năm TP.Thủ Đức vẫn chưa xác định được đơn vị nào chịu trách nhiệm trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.
Nhiều dự án khác cũng vướng mắc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết như cụm các dự án điện thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm; trạm biến áp 220 kV Vĩnh Lộc, Đầm Sen…
Nguyên nhân dự án chậm trễ kéo dài, do sự chưa đồng bộ giữa quy hoạch phát triển lưới điện Quốc gia với quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM với các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 của các địa phương (các đồ án quy hoạch tại các địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất theo quy hoạch phát triển điện lực để đầu tư xây dựng các công trình điện).
Khi đầu tư các dự án phát triển lưới điện EVN HCMC phải thực hiện việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu vực liên quan đến các dự án theo quy định. Song việc điều chỉnh rất phức tạp, kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án.
Một vướng mắc khác là việc đấu giá quyền sử dụng đất bố trí cho các công trình xây dựng lưới điện cũng gặp vướng mắc do chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 vì muốn đấu giá được thì phải phê duyệt quy hoạch trước.
Theo trình tự thủ tục, dự kiến thời gian thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất sẽ kéo dài (thường là 1 năm sau khi quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được Thành phố phê duyệt).
Nếu việc làm các thủ tục thuận lợi, thời gian kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành 1 trạm biến áp là 12-18 tháng (trạm 110 kV) và 18 -24 tháng đối với trạm 220 kV. Như vậy nhiều trạm biến áp như Tân Sơn Nhất, Đầm Sen, Thủ Thiêm… chỉ có thể đưa vào vận hành vào cuối năm 2026.
Theo khuyến cáo của đơn vị tự vấn thực hiện Hợp phần 25 (thuộc đồ án Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050) do vướng mắc về đất đai các dự án ngành điện nguy cơ chậm tiến độ. Khi đó mức dự phòng công suất trạm 220 kV của Thành phố đến năm 2025 sẽ rất thấp và đặc biệt ở vùng 3 (trung tâm Thành phố) và vùng 4 (khu vực Nhà Bè, Cần Giờ) không còn có dự phòng.
Với tiến độ xây dựng như hiện nay, EVN HCMC cho rằng việc đảm bảo cung cấp điện cho TP.HCM giai đoạn 2025-2030 sẽ rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh năng lượng, đặc biệt là khu vực trung tâm của Thành phố và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Do đó, EVN HCMC khẩn thiết kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án lưới điện theo Điều 32 Luật Đầu tư hoặc các cơ chế đặc thù để được Thành phố giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Liên quan đến những vướng mắc này, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay việc làm các thủ tục vẫn rất chậm.
( nguồn : Báo Đầu tư )