Tổng giám đốc EVN nói về những nguyên nhân gây mất cân đối tài chính trong hai năm
Sáng 2-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo về tình hình, ông Nguyễn Anh Tuấn - tổng giám đốc EVN - cho hay năm 2023 tập đoàn đối diện với "khó khăn kép" từ cả bên trong và bên ngoài, làm ảnh hưởng đến cung ứng điện, giá nguyên liệu sản xuất điện vẫn ở mức cao, đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, tổng công suất nguồn đến cuối năm 2023 là hơn 80.556 MW, trong đó năng lượng tái tạo chiếm 26,9%, tua bin khí và dầu chiếm 10,3%, nhiệt điện than chiếm 33,2% và thủy điện là 28,4%. Nguồn của EVN chiếm 37,3%, TKV và PVN là 10%, còn lại là nhà đầu tư tư nhân và BOT.
Công ty con có lãi nhưng tập đoàn mất cân đối tài chính
“Với cơ cấu nguồn như vậy, ngoài nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo giá thành tương đối ổn định, còn lại trên 43% nguồn điện giá biến đổi theo giá than, giá khí và dầu, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện và giá thành của EVN” - ông Anh Tuấn nói.
Điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 249,779 tỉ kWh, trong đó giảm ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng ở khu vực tiêu dùng, các ngành dịch vụ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư là 87.545 tỉ đồng, đạt 92,3% kế hoạch.
Kết quả, doanh thu tập đoàn đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4%. Không thông tin về mức lỗ/lãi của tập đoàn, song ông Tuấn cho hay lợi nhuận cổ tức tại các công ty cổ phần đạt 8.904 tỉ đồng, trong bối cảnh toàn tập đoàn không đảm bảo cân đối tài chính, cho thấy những điều "rất bất bình thường".
Phân tích rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, ông Tuấn nói bên cạnh những yếu tố khách quan khi hàng loạt khó khăn, có nhiều yếu tố chủ quan cần rút kinh nghiệm. Đó là hạn chế trong điều chỉnh phụ tải, sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu dùng có phụ tải lớn để tăng cường sự chia sẻ với khách hàng.
Thêm nữa là việc huy động nguồn điện và điều tiết các hồ thủy điện, theo ông Tuấn đã có những sự chủ quan, lúng túng nhất định.
Cùng đó là công tác chuẩn bị nhiên liệu than còn hạn chế. Nhiều nhà máy bị sự cố, việc khắc phục sửa chữa còn chậm. Công tác đầu tư, các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm…
Đặc biệt là việc đảm bảo cân bằng tài chính. Theo tổng giám đốc EVN, hiện chỉ có giá thủy điện là nguồn đảm bảo ổn định nhất chiếm 28%, còn năng lượng tái tạo có giá thành cao, với mức giá bình quân cũng tương đương giá thành bán ra.
Còn lại gần 45% sản lượng điện hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường theo nguồn cung cấp. Ông Tuấn cho rằng cơ cấu nguồn như vậy thì giá thành điện chủ yếu từ sử dụng nguồn tài nguyên (bao gồm nước), nên cần truyền thông để khách hàng hiểu, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Giá thành từ nguồn phát chiếm tới 80%, rất khó khăn để điều tiết
Ông phân tích thêm chi phí sản xuất giá thành điện là 2.092,78 đồng/kWh, giá thành bán ra là 1.950 đồng. Tuy vậy, giá thành sản xuất mà chúng ta phải mua điện từ đơn vị EVN và nguồn ngoài là gần 1.620 đồng/kWh, cho thấy tỉ trọng nguồn phát điện chiếm 80% chi phí giá thành.
Tổng giám đốc EVN cho rằng đây là con số bất bình thường, cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát giao động 40-50%, còn lại các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.
“Việc cân đối tài chính của tập đoàn vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết, cố gắng thì đây như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết” - ông Tuấn chia sẻ.
Trong bối cảnh hai năm không cân đối được tài chính, năm 2024 tiếp tục đối mặt một loạt thách thức, ông Tuấn bày bỏ mong muốn sớm có điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện. Về đảm bảo cung ứng điện cũng vướng mắc nguồn bên ngoài chiếm từ 52,7%.
Vì vậy, giải pháp tập trung được lãnh đạo EVN nhấn mạnh đó là việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, nắm bắt phụ tải, chủ động điều tiết từng tháng. Chủ động trong dự báo cung cầu điện, vận hành hệ thống điện an toàn tin cậy, sẵn sàng phương án ứng phó tình huống bất lợi...
Thêm nữa, ông Tuấn nói sẽ tăng cường kiểm tra giám sát trên cơ sở thay đổi và điều chỉnh phân cấp, quản lý nội bộ, nhấn mạnh kiểm tra giám sát.
"Bài học kinh nghiệm đau đớn năm 2023 xuất phát chính từ khâu kiểm tra giám sát, vì vậy chủ tịch bí thư Đảng ủy tập đoàn chỉ đạo quyết liệt và thúc giục hằng ngày, nên việc tăng cường và nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra giám sát thường xuyên là rất cần thiết" - ông Tuấn nói.
( nguồn : Báo Tuổi Trẻ )