Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Thời của năng lượng sạch

Thời của năng lượng sạch


Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như chính sách mới về an ninh năng lượng. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Trang trại điện mặt trời nổi khổng lồ, gồm gồm 120.000 tấm pin mặt trời, rộng bằng 45 sân bóng đá ở Singapore. Ảnh: Wonderful Engineering

Biến đổi khí hậu cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra với tần suất ngày một cao hơn khiến nhu cầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tin vui là báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch.

Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như chính sách mới về an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trung hạn nhằm giảm lượng khí thải carbon đòi hỏi đến năm 2030 thế giới phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD, trong đó khoảng 2.000 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ sạch. Trước đó, năm 2023, đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưới điện lần đầu tiên đã vượt số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch. 

Đầu tư vào năng lượng sạch năm nay của Trung Quốc dự tính đạt 675 tỷ USD, trong khi con số này của châu Âu là 370 tỷ USD và Mỹ là 315 tỷ USD. Điện mặt trời (quang điện) thu hút nhiều khoản đầu tư hơn bất kỳ công nghệ sản xuất điện nào khác, dự kiến tăng lên 500 tỷ USD trong năm 2024. Dự báo, đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân để sản xuất điện sẽ gấp 10 lần lượng đầu tư vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

IEA từng kêu gọi thế giới tăng mức đầu tư vào năng lượng tái tạo lên gấp 3 lần vào cuối thập niên này, để ứng phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu và giữ thị trường năng lượng đầy biến động trong tầm kiểm soát. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được nếu các chính phủ nhanh chóng biến cam kết thành hành động.

Việc cải thiện chuỗi cung ứng và giảm chi phí đang thúc đẩy đầu tư vào các dạng năng lượng sạch, như năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt.

Kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt trên toàn cầu tăng trung bình 11%/năm trong khi giá giảm mạnh. IEA cho biết. Riêng năm 2023, công suất tăng thêm gần 510 GW, tức tăng 50% so với mức năm 2022 và là mức tăng nhanh nhất trong 20 năm qua.

Theo đánh giá của IEA, nhiều quốc gia đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, nhờ chi phí giảm mạnh trong thập niên vừa qua và những nỗ lực đổi mới của các chính phủ nhằm xây dựng các hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với lượng khí thải thấp hơn.

Quả thực bức tranh năng lượng toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ với mảng năng lượng xanh ngày càng được mở rộng hơn. Tuy nhiên, IEA cảnh báo sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới.

Đầu tư vào dầu khí toàn cầu dự kiến tăng 7% trong năm 2024, lên 570 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Đông và châu Á. Các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn ít đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo với chỉ khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở những quốc gia này.

IEA nhận định, nhiều quốc gia còn cách xa mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Kết quả phân tích của IEA về chính sách, kế hoạch và ước tính của gần 150 quốc gia trên thế giới cho thấy, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể đạt 8.000 GW trong 6 năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 11.000 GW đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào cuối năm ngoái, nhằm đạt mục tiêu kiềm chế đà tăng nhiệt của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

IEA đánh giá, kế hoạch triển khai của các nước chưa phù hợp với mục tiêu then chốt đã đặt ra tại COP28. Tuy nhiên, chính phủ các nước có nhiều công cụ để tăng tốc trong những tháng tới, thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), vốn là những mục tiêu do mỗi nước đặt ra nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bằng cách thực hiện các mục tiêu đã thống nhất tại COP28, bao gồm tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi mức cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, các quốc gia trên thế giới có cơ hội lớn để đẩy nhanh tiến độ hướng tới một hệ thống năng lượng an toàn và bền vững hơn.

Dù vậy, IEA cũng lưu ý rằng, tiến trình chuyển đổi năng lượng đang đối mặt với những thách thức đặc biệt. Trong đó, nổi bật là thời gian chờ đợi cấp phép dự án kéo dài, đầu tư không đầy đủ vào cơ sở hạ tầng lưới điện và chi phí tài chính cao, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Đối với Việt Nam, là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển.

Việt Nam có đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để sản xuất năng lượng tái tạo, với đường bờ biển dài, thời tiết nhiệt đới gió mùa nên nhận được lượng bức xạ nhiệt mặt trời và lượng gió tương đối lớn... Những điều kiện này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng an ninh năng lượng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.


                                                                                                              ( nguồn :  Tạp chí " Người đưa tin " )