Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Số phận hơn 1.000 công trình điện mặt trời mái nhà chưa được định đoạt

Số phận hơn 1.000 công trình điện mặt trời mái nhà chưa được định đoạt


Khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trên cả nước sau 2020, song số phận của các dự án này vẫn chưa được định đoạt khi việc giải quyết mới chỉ dừng lại ở đề xuất.


Nhiều dự án điện mặt trời lắp đặt để tự dùng hết công suất phát cho công trình, nhà máy bên dưới - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều dự án điện mặt trời lắp đặt để tự dùng hết công suất phát cho công trình, nhà máy bên dưới - Ảnh: NGỌC HIỂN

Có 1.030 công trình điện mặt trời lắp nhưng không bán điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật đối với điện mặt trời mái nhà, Việt Nam là quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực nhờ nhiều chính sách khuyến khích, trong đó có giá FIT (giá mua bán điện cố định trong 20 năm).

Tính đến hết 31-12-2021, Việt Nam có 16.360 MW điện mặt trời, hơn 3.987 MW điện gió. Điện từ năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) đã chiếm hơn 26% tổng công suất lắp đặt của hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định giá bán điện của các loại hình năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà chưa sát với tình hình thực tế, dẫn đến hiện tượng đầu tư ồ ạt theo quyết định số 11 và 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Đáng chú ý, theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, sau ngày 31-12-2020 đến cuối tháng 7-2023, còn khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96 MW đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự dùng tại chỗ, không bán điện cho các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất cho phép điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt tính đến nay hoặc trước khi ban hành nghị định (quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà) tiếp tục tồn tại.


Nhiều doanh nghiệp phải lắp điện mặt trời trước áp lực giảm khí thải

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào chiều 7-12, lãnh đạo một doanh nghiệp năng lượng nhận định thực tế trong suốt 3 năm qua, số lượng các dự án điện mặt trời mái nhà từ doanh nghiệp, nhà xưởng đến người dân phát triển lớn. Do đó, con số 1.030 công trình có thể chưa phải là con số tuyệt đối mà trên thực tế có thể lớn hơn nhiều. 

Bộ Công Thương đề xuất cho phép các công trình này tiếp tục tồn tại trước khi ban hành nghị định mới về điện mặt trời mái nhà là hợp lý. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư các dự án điện mặt trời trên mái nhà "bớt lo" hơn, nhất là các công trình trên mái nhà xưởng.

Tương tự, tổng giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài chuyên phát triển điện mặt trời mái nhà xưởng cho biết hàng loạt doanh nghiệp FDI đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong nhà xưởng từ sau 2020 để đạt được các tiêu chí xanh, tiêu chí về sử dụng năng lượng tái tạo. Để ngăn phát điện lên lưới, các doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp không phát ngược điện dư thừa lên lưới điện (Zero Export).

Dù không có cơ chế mới, không bán điện lên lưới, các doanh nghiệp vẫn bỏ tiền để lắp điện mặt trời trong 3 năm qua bởi nếu chậm chân sẽ khó khăn trong cạnh tranh đơn hàng, đặc biệt là khi các công ty mẹ cũng có những áp lực về giảm khí thải hằng năm.

"Một vài công ty chỉ dùng một phần năng lượng từ điện tái tạo cũng giúp doanh nghiệp tăng đơn hàng. Nhiều khách hàng, đặc biệt là khu vực châu Âu đang có nhiều yêu cầu đối với các nhà cung cấp về việc sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các nhà máy trong tương lai đều buộc phải dùng năng lượng tái tạo", vị này nói.


                                                                                ( nguồn : Báo Tuổi Trẻ )