Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Singapore hỗ trợ xây dựng lưới điện xanh ASEAN như thế nào?

Singapore hỗ trợ xây dựng lưới điện xanh ASEAN như thế nào?


Singapore có thể xây dựng các phương pháp tiếp cận chuẩn đối với hoạt động thương mại điện sạch và truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực trong ASEAN.

Các quốc gia Đông Nam Á đang thúc đẩy các kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thông qua đề xuất một mạng lưới điện khu vực.

Một nửa thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng gấp đôi vào năm 2040 tại COP28 năm ngoái. Hoạt động trao đổi thương mại điện ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cam kết này được thực hiện.

Singapore đã có các dự án thương mại điện với 6 thành viên ASEAN khác - Lào, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Indonesia, đưa nước này lên vị trí hàng đầu trong hoạt động thương mại điện khu vực. Các chuyên gia cho rằng, Singapore có thể sử dụng lợi thế dẫn đầu của mình để xây dựng các phương pháp tiếp cận chuẩn đối với hoạt động thương mại điện xanh và truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực trong khu vực.

Đông Nam Á là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới và Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán rằng nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng khoảng 5% mỗi năm cho đến năm 2030 và 3% cho đến năm 2050, cao hơn mức trung bình toàn cầu trong cùng khoảng thời gian.

Trong đó, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chịu trách nhiệm cho khoảng 89% nhu cầu năng lượng hiện tại của ASEAN và phần lớn mức tăng trưởng trong tương lai của khu vực. Singapore chỉ đáp ứng 5% nhu cầu năng lượng của ASEAN, nhưng vẫn có ảnh hưởng như một trung tâm đổi mới và tiến bộ trong thương mại điện.

Vị thế dẫn đầu của Singapore trong lĩnh vực này được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước. Hiện tại, phần lớn năng lượng của nước này đến từ khí đốt tự nhiên. Trước mắt, chính phủ đã đặt mục tiêu dài hạn là tăng lượng điện sạch. Một số nguồn năng lượng thay thế này sẽ đến từ các nguồn trong nước như năng lượng mặt trời trên mái nhà và có thể là điện hạt nhân hoặc hydro. Tuy nhiên, do hạn chế về đất đai, nhập khẩu điện sẽ là yếu tố cần thiết trong cơ cấu năng lượng tương lai của Singapore.

Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng của Singapore (EMA) đã đặt mục tiêu nhập khẩu 4.000 megawatt (hoặc khoảng 30%) điện của Singapore vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, Singapore sẽ phải mở rộng đáng kể hoạt động nhập khẩu, vì hiện tại quốc gia này chỉ nhập khẩu 1,3% điện dưới dạng 100MW thủy điện được bán thông qua Dự án tích hợp điện Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP). Đây là chương trình thương mại điện đa phương đầu tiên ở ASEAN và có khả năng sẽ sớm tăng lên 300MW.

Tuy nhiên, nhu cầu điện trong tương lai có thể được đáp ứng thông qua các nguồn khác, một phần là do cần nâng cấp cơ sở hạ tầng để mở rộng kết nối và dòng điện cho LTMS-PIP, và một phần là do lợi ích chung về an ninh và khả năng phục hồi của việc đa dạng hóa nguồn điện. EMA gần đây đã phê duyệt có điều kiện cho một loạt các hoạt động nhập khẩu điện thay thế bao gồm, các thỏa thuận về 1.000 MW điện mặt trời, điện gió và thủy điện tích năng từ Campuchia; 1.200 MW điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; và lên đến 2.000 MW điện mặt trời từ Indonesia đã được ký kết vào năm 2023.

Các dự án năng lượng sạch tại Singapore sẽ thúc đẩy ASEAN xây dựng lưới điện xanh hơn trong tương lai.

Theo Courtney Weatherby, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Viện ISEAS – Yusof Ishak, có nhiều yếu tố trong động lực thúc đẩy thương mại điện của khu vực, bao gồm điện dư thừa và biên độ dự trữ ở các nước xuất khẩu như Lào; hay những lo ngại về việc phụ thuộc quá mức vào thị trường nhiên liệu hóa thạch biến động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine, và cuộc khủng hoảng khí hậu thúc đẩy các quốc gia giảm phát thải. Trong bối cảnh này, các thỏa thuận của Singapore đang giúp thúc đẩy động lực đổi mới trong thương mại điện khu vực.

Nhu cầu của Singapore đối với năng lượng sạch đang thúc đẩy những ý tưởng mới cho các tuyến đường điện, chẳng hạn như cáp truyền tải điện cao thế dưới biển sẽ cho phép giao dịch điện trực tiếp với Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Singapore cũng cần phải giải quyết các thỏa thuận về hoạt động và giá cả cho các giao dịch mua điện xuyên biên giới từ năng lượng mặt trời và gió, vốn đòi hỏi các điều khoản khác với các nguồn điện truyền thống.

Bà Weatherby cho biết, Singapore cần cho các quốc gia trong khu vực thấy rằng các thỏa thuận thương mại điện đáng tin cậy và mang lại lợi nhuận đầu tư tốt, cả trong nước và khi giao dịch trong khu vực. Điều này có thể mở ra cánh cửa cho hoạt động thương mại năng lượng tái tạo quy mô lớn hơn giữa các thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong việc thúc đẩy các khoản đầu tư sáng tạo cũng có thể chứng minh thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài khác như Trung Quốc mở rộng quy mô đầu tư năng lượng sạch trên khắp ASEAN.

Một nghiên cứu gần đây của DNV ước tính ASEAN có thể tiết kiệm 800 tỷ USD cho đến năm 2050 nếu các quốc gia khai thác năng lượng tái tạo thông qua thương mại đa phương. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng hoạt động thương mại điện khu vực mở rộng có thể giảm 13% diện tích sử dụng đất của các dự án điện bằng cách tránh xây dựng các nhà máy điện trong nước và lưu trữ năng lượng không cần thiết.

Việc xem xét một loạt các tiêu chí để ký kết các thỏa thuận thương mại điện như đánh giá tác động xã hội và môi trường theo tiêu chuẩn cao có thể giúp ưu tiên các dự án vừa sạch vừa bền vững nói chung.

Singapore không thể tự mình mang đến sự thay đổi, nhưng quốc gia này có thể truyền cảm hứng và tổ chức thảo luận trong khu vực về xây dựng lưới điện xanh ASEAN. 


                                                                                                         ( nguồn : Diễn đàn Doanh nghiệp )



Singapore hỗ trợ xây dựng lưới điện xanh ASEAN như thế nào?