Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Phải có chính sách giá với điện lưu trữ

Phải có chính sách giá với điện lưu trữ


Nếu sớm có chính sách về giá cùng việc đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng đi kèm, năng lượng tái tạo ở VN sẽ phát triển mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng, "xanh hóa" nguồn điện.


Pin lưu trữ giúp lưu nguồn điện thừa ban ngày, phát vào các lúc cao điểm ban đêm và ổn định hệ thống điện đối với điện mặt trời - Ảnh: NGỌC HIỂN

Pin lưu trữ giúp lưu nguồn điện thừa ban ngày, phát vào các lúc cao điểm ban đêm và ổn định hệ thống điện đối với điện mặt trời - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong kết luận liên quan dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu xây dựng chính sách giá điện đối với dự án năng lượng kèm pin lưu trữ (BESS) để mua điện vào khung giờ cao điểm, thay vì chỉ dừng lại việc khuyến khích phát triển pin lưu trữ năng lượng tái tạo.

Sốt ruột chờ chính sách năng lượng

Gần hai năm chờ đợi chính sách để lắp điện mặt trời (ĐMT) mái nhà xưởng nhưng đến nay chưa có cơ chế nên ông K. (giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM) vẫn phải lắp ĐMT trước các đòi hỏi về chứng chỉ xanh. Khi được đơn vị lắp đặt tư vấn đầu tư thêm hệ thống lưu trữ, ông K. ngần ngại vì cả ĐMT lẫn pin lưu trữ đến nay chưa có cơ chế để doanh nghiệp lắp đặt.

"Tôi đã làm việc với điện lực, đề nghị có biên bản ghi nhận đấu nối nhưng không được đồng ý vì phía ngành điện cho rằng vẫn chưa có chính sách. Do đó, muốn đầu tư pin lưu trữ tôi cũng không dám vì không biết sau này cơ chế mới sẽ như thế nào, trong khi số tiền bỏ ra đầu tư lên đến hàng tỉ đồng", ông K. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bán lẻ lớn ở VN cho hay do các yêu cầu về chứng chỉ xanh, cam kết về môi trường và phát triển bền vững nên doanh nghiệp buộc phải lắp đặt ĐMT trên mái các trung tâm thương mại để tự dùng.

Tuy nhiên, do chưa có chính sách mới, các địa phương mỗi nơi mỗi phách, có nơi cho hòa lưới kèm bộ ngăn phát điện dư lên lưới (zero export) nhưng có nơi cũng không đồng ý đấu nối.

"Dùng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp giảm phát thải carbon nên doanh nghiệp đã tăng dùng ĐMT và nghiên cứu pin lưu trữ nhưng đến nay vẫn còn khoảng trống chính sách", vị này nói.

Ông Lưu Minh Đức - giám đốc Công ty TNHH Solar Miền Bắc - cho biết bên cạnh lắp đặt ĐMT trên các mái nhà xưởng để tự dùng và giảm tiền điện, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến hệ thống lưu trữ do giá của pin lưu trữ đã giảm đến một nửa so với năm trước. Do vậy nhiều doanh nghiệp đã lắp từ vài chục đến cả trăm kW pin lưu trữ để dùng cho khối văn phòng trong trường hợp cúp điện.

"Năm nay bắt đầu có sự gia tăng về lưu trữ do giá giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chờ đợi chính sách liên quan đến ĐMT mới quyết định có đầu tư hay không", ông Đức nói và cho hay không chỉ giá cả cạnh tranh hơn mà chất lượng pin lưu trữ cũng tốt hơn so với trước.

Nếu có chính sách giá mua điện, các hệ thống điện mặt trời mái nhà kết hợp pin lưu trữ sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nếu có chính sách giá mua điện, các hệ thống điện mặt trời mái nhà kết hợp pin lưu trữ sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN

Có chính sách, lưu trữ điện sẽ phát triển mạnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng giá pin lưu trữ đã giảm mạnh, việc có chính sách cho pin lưu trữ, đặc biệt là mua bán điện từ pin lưu trữ lúc cao điểm sẽ giúp hệ thống này phát triển mạnh.


Bà Phan Thị Thanh Thảo - giám đốc vận hành Công ty năng lượng IREX - cho biết trước đây khách hàng có điều kiện chỉ lắp lưu trữ để trải nghiệm giải pháp mới nhưng bây giờ đã lắp lưu trữ nhằm phần nào chủ động nguồn điện. Theo bà Thảo, các nhà cung cấp đang bán các hệ thống ĐMT kèm lưu trữ với mức giá từ 16-30 triệu đồng/kW tùy theo từng hãng, tiêu chuẩn chất lượng...

Theo bà Thảo, nhiều nhà máy lắp ĐMT không dùng hết công suất phát trong khi những ngày nghỉ, lễ gần như không dùng nguồn ĐMT khiến dư thừa điện rất lãng phí. Trong khi đó, nếu lưu trữ sẽ giúp ổn định nguồn ĐMT đối với lưới điện trong trường hợp hòa lưới điện quốc gia, trung tâm điều độ hệ thống điện sẽ chủ động hơn vì tính toán được phần điện bù vào.

Với các doanh nghiệp lớn, do các yêu cầu về giảm phát thải, có những doanh nghiệp đã dùng 100% ĐMT kết hợp lưu trữ hoặc nhà máy trung hòa carbon. "Cần sớm có chính sách khuyến khích đầu tư lưu trữ để có thể mua điện lúc cao điểm từ hệ thống lưu trữ, song cũng cần đánh giá hiệu quả kinh tế", bà Thảo nói.

Lãnh đạo một tập đoàn năng lượng cho biết tỉ trọng năng lượng tái tạo lên đến 15% là ở mức cao, gây khó khăn cho điều độ và truyền tải. Hệ thống lưu trữ sẽ giải quyết được tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, giúp điều hòa sản lượng điện lên hệ thống.

Dù giá đã giảm, nhưng để sản xuất điện, lưu trữ và phát lại lên hệ thống cũng khiến chi phí tăng 2-3 lần so với đầu tư nguồn không lưu trữ. Vì vậy, để lưu trữ phát triển, cần sớm có cơ chế khuyến khích, thậm chí bắt buộc. Có thể yêu cầu tỉ lệ lưu trữ trên toàn bộ hệ thống nguồn ĐMT, đặc biệt với các nguồn từ khu vực thương mại và công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có giá mua điện phù hợp với hệ thống lưu trữ lớn, trong đó có tính đóng góp của lưu trữ cho truyền tải, điều độ. "Mỗi kWh điện được đầu tư vào tích trữ là mỗi kW điện tái tạo được tăng thêm trên hệ thống điện quốc gia, đóng góp tích cực vào lộ trình giảm phát thải của VN", vị này phân tích.

Tính toán đến thu hồi pin khi hết vòng đời

Theo bà Phan Thị Thanh Thảo, công nghệ tái chế tấm quang điện và ắc quy lưu trữ rất phát triển. Tuy nhiên, để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhận thức về việc thu hồi và tái chế cần được đề cập cũng như ràng buộc cam kết từ nhà sản xuất ngay từ giai đoạn đầu.

Cũng theo bà Thảo, cần có cơ chế khuyến khích nội địa hóa sản phẩm lưu trữ để xây dựng và phát triển nguồn lực tại chỗ, từng bước tiếp nhận và làm chủ công nghệ. Còn với các sản phẩm nhập khẩu, cần có cơ chế về cạnh tranh, tiêu chuẩn và thuế phí để người dân sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp, an toàn và thân thiện môi trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Elva Wang - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar - cho hay tại Đông Nam Á chưa có nhiều hệ thống lưu trữ, song doanh nghiệp này đang làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái chế để tìm ra các công nghệ tái chế phù hợp với pin và tấm quang năng khi hết vòng đời mà doanh nghiệp đã sản xuất.

Phải tận dụng tối đa nguồn điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối...

Ngày 23-5, phát biểu tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, các phương án bảo đảm cung ứng điện trong cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đa dạng hóa các nguồn điện, kể cả nhập khẩu, nhưng tận dụng tối đa các nguồn trong nước như nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối...

Phải chủ động đáp ứng đủ nguyên liệu than, khí, vận hành các hồ chứa thủy điện, đẩy nhanh hoàn thành các đường dây đang xây dựng, trong đó có đường dây 500 kV mạch 3 và có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư vào truyền tải điện. Khẩn trương hoàn thành, trình ban hành các nghị định liên quan mua bán điện trực tiếp; khuyến khích điện mặt trời áp mái tự sản, cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG...

Theo các báo cáo tại buổi làm việc, 5 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, diễn biến thủy văn không thuận lợi, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao. Bộ Công Thương khẳng định hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Nhiều nước tăng dùng pin lưu trữ

Theo báo cáo phân tích thị trường lưu trữ năng lượng 2024-2029 của Mordor Intelligence, quy mô thị trường lưu trữ năng lượng ước đạt 30,63 tỉ USD trong năm 2024 và đạt 50,70 tỉ USD vào năm 2029. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là thị trường tăng trưởng nhanh nhất.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh dùng pin lưu trữ là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Trong đó, để pin lưu trữ phát triển, các quốc gia đã trợ cấp và ưu đãi thuế. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết thị trường pin lưu trữ rất tiềm năng không chỉ xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa, song lại nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại.

Cũng theo vị này, để tránh lặp lại việc phát triển mạnh ĐMT, điện gió nhưng gần như 100% là nhập khẩu thiết bị khiến cho doanh nghiệp nội không tiếp cận được công nghệ, doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách khuyến khích đầu tư, chủ động về công nghệ kết hợp với chính sách phát triển năng lượng.

                                                                                                              ( nguồn : Báo Tuổi trẻ )




Phải có chính sách giá với điện lưu trữ