Ngành điện lo dự phòng còn thấp, đặc biệt mùa nóng cao điểm
Việc cung ứng điện cơ bản được đáp ứng, song công suất dự phòng còn thấp nên trong trường hợp cực đoan, ngành điện có thể vẫn sẽ phải huy động nguồn diesel mượn của khách hàng.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như thời tiết nắng nóng, phụ tải (tiêu dùng điện) và công suất cực đại tăng cao so với cùng kỳ, song việc cung ứng điện vẫn được đảm bảo.
Huy động các nguồn điện đều tăng
Theo đó, lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong nửa đầu năm ước đạt 151,69 tỉ kWh, cao hơn 776 triệu kWh so với kế hoạch năm; bình quân mỗi ngày sản xuất, nhập khẩu điện là 833,5 triệu kWh, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023. Công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống điện là 48.880MW, tăng 7,87% so với cùng kỳ 2023.
Do nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao nên hầu hết các nguồn điện đều được huy động cao hơn so với kế hoạch. Cụ thể, điện than huy động cao hơn 556 triệu kWh, đạt 86,4 tỉ kWh (chiếm khoảng 56,96%); điện dầu huy động cao hơn 88 triệu kWh so với kế hoạch; điện khí huy động 13,08 tỉ kWh.
ới nguồn thủy điện, trong 5 tháng đầu năm nước về kém nên hạn chế huy động và giữ nước tại các hồ. Tuy nhiên, đến tháng 6 tình hình thủy văn thuận lợi nên sản lượng điện đã huy động cao hơn 2,454 tỉ kWh, lũy kế 6 tháng đầu năm cao hơn 658 triệu kWh so với kế hoạch.
Như vậy, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng huy động thủy điện đạt 28,62 tỉ kWh (chiếm khoảng 18,86%).
Đến cuối tháng 6-2024, sản lượng điện từ các hồ đạt gần 6,6 tỉ kWh, cao hơn 1,4 tỉ kWh so với kế hoạch năm, đáp ứng mục tiêu giữ nước để đảm bảo cung ứng điện đến cuối mùa khô.
Cùng đó, các nguồn năng lượng tái tạo được huy động đạt 20,67 tỉ kWh (chiếm khoảng 13,63%), gồm điện gió đạt 6,123 tỉ kWh, điện mặt trời đạt 13,88 tỉ kWh.
Công suất dự phòng thấp
Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, song mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp. Trong tháng 7-2024 nếu nóng cực đoan kéo dài, nhà máy điện than gặp sự cố hoặc suy giảm công suất, thì hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất.
Vì vậy, giải pháp đề ra là triển khai việc điều chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm. Đồng thời huy động thêm các nguồn diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện. Với dự phòng công suất từ tháng 8-12 còn thấp, các đơn vị phát điện được yêu cầu thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng.
Với hệ thống điện miền Nam và miền Trung cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất đỉnh. Tuy vậy nguồn khí trong nước suy giảm, các mỏ khí dừng hoạt động bảo dưỡng, nên trường hợp cần thiết phải huy động nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG và chạy dầu vào các giờ cao điểm tối khi không còn nguồn mặt trời.
Về giải pháp, Cục Điều tiết điện lực cho hay sẽ tập trung vào việc điều hành hệ thống và thị trường điện trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thủy văn, nhiên liệu, khả dụng tổ máy và tăng trưởng phụ tải để cập nhật kịp thời phương thức vận hành, tăng cường tiết kiệm điện.
Quyết liệt triển khai, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm như thủy điện Hòa Bình mở rộng, các dự án đường dây 500kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối), các dự án lưới điện giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ, mua điện của Lào...
( nguồn : Báo Tuổi trẻ )