Nắng nóng kỷ lục, tiêu thụ điện tăng mạnh vượt kế hoạch
Thời tiết ngày càng có những dấu hiệu cực đoan khi nắng nóng kéo dài liên tục từ Nam chí Bắc, sản lượng điện tiêu thụ theo đó cũng tăng mạnh 2 con số. Nỗi lo thiếu điện cũng đang "nóng" theo thời tiết.
Tiêu thụ điện tăng phi mã
Hôm qua (10.4) nhiệt độ ghi nhận tại TP.HCM vẫn giữ mức "cao nhất từ trước đến nay" với 38 độ C, nhiều nơi ở khu vực Nam bộ tiếp tục duy trì nhiệt độ nắng nóng lên tới 40 độ C, tiến gần tới mốc nắng nóng lịch sử tại vùng Đông Nam bộ là 40,6 độ C tại Bình Phước vào tháng 3.1998.
Phát triển điện mặt trời mái nhà là giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quy hoạch đất đai dành cho năng lượng. Những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, đồng thời lắp đặt thêm thiết bị lưu trữ điện năng thì cần đưa ra mức giá hợp lý, cùng phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế...
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ cũng gia tăng tương ứng. Ngày 10.4, cập nhật dữ liệu từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 của 21 tỉnh thành phía nam do đơn vị này quản lý lên đến 8,019 tỉ kWh, tăng 13,41%. Tính lũy kế 3 tháng đầu năm, khách hàng của EVNSPC tiêu thụ hết gần 21,75 tỉ kWh điện, tăng 14,42% so cùng kỳ năm ngoái. Điện tiêu thụ tại khu vực này tăng chủ yếu ở thành phần tiêu dùng, dân cư (tăng 19,3%) và công nghiệp, xây dựng (tăng 12,28%). Tại TP.HCM, sản lượng điện tiêu thụ tháng 3 cũng tăng gần 13,5% so với cùng kỳ. Trong 10 ngày đầu tháng 4, tiêu thụ điện tại khu vực TP.HCM và miền Nam tiếp tục tăng 2 con số so cùng kỳ.
Đáng nói, trong quý đầu năm, nền kinh tế có nửa tháng nghỉ tết âm lịch, nắng nóng thì chỉ mới xuất hiện trong 2 tuần cuối tháng 3, thế nhưng, theo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), sản lượng tiêu thụ điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đã cao hơn 1,24 tỉ kWh so với kế hoạch. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, ngành điện cho tích trữ nước tại các hồ thủy điện rất sớm, nên nguồn thủy điện được huy động thấp. Bù lại, nguồn điện than (những ngày nắng nóng cao điểm còn huy động điện chạy dầu với chi phí cao ngất ngưỡng) trong quý 1 được huy động tăng mạnh, tăng gần 12%, cao hơn rất nhiều so với kế hoạch cung cấp điện thời cao điểm mùa khô là từ 9,15 - 9,6%.
Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), dự báo nhu cầu tiêu thụ điện có thể tăng tới 13% vào tháng 5 - 7 trên toàn quốc, cao nhất kể từ năm 2018 trở lại đây. A0 đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu với giá thành có thể cao gấp 2,5 lần so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Bên cạnh đó, EVN cũng đưa ra phương án cơ sở, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 9 tháng cuối năm dự kiến cao hơn 0,98 tỉ kWh, cả năm cao hơn 2,2 tỉ kWh; nhu cầu công suất năm nay lớn nhất là 52.128 MW, với mức tăng trưởng dự báo gần 14,5%. Với quyết tâm "không để thiếu điện trong năm nay", ngoài nhiệt điện và năng lượng tái tạo, nguồn điện giá cao cũng được huy động quyết liệt.
Miền Bắc chưa thoát nỗi lo thiếu điện
Liên quan nguồn bổ sung cho phía bắc - nơi từng thiếu điện trầm trọng trong 2 tháng hè năm ngoái - thời gian qua, Bộ Công thương, EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT)… trực tiếp xuống hiện trường, đôn đốc, tìm mọi biện pháp tăng tốc tiến độ dự án đường dây 500 kV mạch 3. Đây là dự án quan trọng được xác định giúp tải điện từ miền Trung ra Bắc trong mùa hè này để hỗ trợ nguồn cho khu vực phía bắc.
Ngày 9.4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên họp trực tuyến với EVN, EVNNPT, lãnh đạo 9 địa phương có đường dây 500 kV mạch 3 đi qua nhằm đôn đốc triển khai dự án đường dây lớn này. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chốt với các địa phương phải bàn giao mặt bằng hành lang tuyến dự án 500 kV mạch 3 trước ngày 15.4. Trước đó, làm việc với Nhà máy sản xuất cột thép của Công ty CP Việt Hưng tại Hưng Yên và Phú Thọ, lãnh đạo EVN cũng nhấn mạnh tính chất cấp bách và tầm quan trọng của dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối nhằm đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong mùa hè.
Tuy vậy, theo EVN/EVNNPT, dự án đường dây 500 kV mạch 3 vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Đó là khó khăn về mặt bằng hành lang an toàn để thi công cũng như tập kết vật liệu; một số nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị như cốt thép, cách điện, phụ kiện chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng. Đáng lưu ý, dự án có nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là sông, hồ, suối… nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, tốn công sức và chi phí.
TS Nguyễn Huy Hoạch - Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng VN, lo ngại: Nắng nóng đến sớm, kéo dài tại nhiều nơi nên cảnh báo nguy cơ thiếu nước nửa đầu năm nay ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ là rất lớn. Sang tháng 7 và 8, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Nắng nóng sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng điện.
"Chiến lược tiết kiệm nước tối đa nhằm huy động công suất từ thủy điện khi nguồn điện gió, mặt trời thiếu hụt được EVN đưa ra rất sớm. Tại khu vực miền Trung và miền Nam, EVN đã huy động công suất từ các nhà máy thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện. Hiện sản lượng điện từ điện than, điện mặt trời, điện khí, đều có mức huy động cao hơn so với kế hoạch tháng 3. Trong đó, điện than huy động cao hơn 10 triệu kWh so với kế hoạch; điện tái tạo cũng cao hơn 7,5 triệu kWh so với kế hoạch… Điều này cho thấy, sự chuẩn bị khá bài bản, kỳ vọng năm nay không thiếu điện", ông Hoạch nói.
Tuy vậy TS Nguyễn Huy Hoạch cũng lưu ý khu vực này nhiều năm chưa có dự án điện mới nào được bổ sung trong khi nhu cầu tăng gần 10% mỗi năm. Hiện mọi kỳ vọng đang đổ về dự án 500 kV mạch 3, nhằm đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc trong mùa nắng nóng này. Nếu đường dây 500 kV kịp hoàn tất vào tháng 6, từ tháng 7 trở đi, áp lực thiếu điện cho khu vực miền Bắc hầu như sẽ được giải quyết. Đường dây tải điện khu vực này đạt từ 2.200 - 2.700 MW, lên 2.700 MW là quá tải, nhưng nếu được nối với đường dây 500 kV mạch 3, nguồn sẽ tăng lên 5.000 MW cho miền Bắc.
Theo chuyên gia Trần Đình Bá, nguy cơ thiếu điện luôn "treo lơ lửng" trên đầu chúng ta khi mọi dự báo cũng chỉ là dự báo còn biến đổi khí hậu, thời tiết thì vô cùng khó định đoán. Vì vậy, nên mở mạnh cho tư nhân làm điện tái tạo ngay tại miền Bắc, không nên bó hẹp trong tư duy tự sản tự dùng mà Quy hoạch điện 8 đưa ra. Để giải quyết bài toán thiếu điện trong ngắn hạn, cần mở rộng chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà khu vực phía bắc, mở rộng cho làm, cho mua bán điện với hàng xóm, chứ hiện tại chúng ta có Quy hoạch điện 8, có kế hoạch triển khai, nhưng khi không có cơ chế mua bán điện với nhau, nhà đầu tư rất ngại ngần xuống tiền để làm điện mặt trời lúc này, đặc biệt ở khu vực phía bắc.
( nguồn : Báo Thanh niên )