Mục tiêu mới về năng lượng tái tạo của các quốc gia thành viên EU
Các quốc gia thành viên EU đặt mục tiêu 66% năng lượng là từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Phân tích xem xét các mục tiêu từ 22 dự thảo Kế hoạch khí hậu và năng lượng quốc gia (NECP) cùng với các chính sách quốc gia đã được công bố của Bỉ, Bulgaria, Ireland, Latvia và Ba Lan - những nước thành viên chưa đệ trình NECP cập nhật.
Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến 16 trong số 19 quốc gia EU sử dụng dự thảo NECP của mình để nâng cao mục tiêu công suất năng lượng gió cho năm 2030, trong khi 17 trong số 19 quốc gia đã nâng cao tham vọng về năng lượng mặt trời. So với NECP 2019, các mục tiêu quốc gia đã tăng trung bình 45% đối với công suất lắp đặt năng lượng gió và khoảng 70% đối với năng lượng mặt trời.
Tiến sĩ Chris Rosslowe, nhà phân tích của Ember cho biết: “Với việc EU đang thúc đẩy tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo trên toàn cầu tại COP28, điều quan trọng là khối này phải giải quyết vấn đề của mình trước bằng cách đưa ra các kế hoạch khí hậu và năng lượng quốc gia đầy tham vọng”.
Ember ước tính tham vọng cập nhật này sẽ giúp EU đạt được từ 623 - 672 GW năng lượng mặt trời vào năm 2030, nhiều hơn gấp ba lần công suất 195 GW vào năm 2022. Năng lượng gió dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, từ công suất 204 GW vào năm 2022 lên 450 GW vào năm 2030. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với 740 GW năng lượng mặt trời và 500 GW năng lượng gió vào năm 2030 cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận xanh của EU và Kế hoạch REPowerEU.
Trong số các quốc gia thành viên NECP, Đức là một trong những nước có mức tăng mục tiêu năng lượng mặt trời tham vọng nhất, tăng thêm 93 GW, tương đương 76% vào mục tiêu năm 2030 kể từ năm 2019. Một số quốc gia trước đây có mục tiêu năng lượng mặt trời rất thấp hiện đang lên kế hoạch cho vai trò quan trọng hơn của năng lượng mặt trời đến năm 2030 như Litva và Séc (5,1 và 10,1 GW). Hà Lan, hiện là quốc gia dẫn đầu về năng lượng mặt trời, là thành viên duy nhất không tăng mục tiêu năng lượng mặt trời so với năm 2019, phản ánh những thách thức trong việc tích hợp năng lượng mặt trời vào lưới điện.
Đối với năng lượng gió, Estonia, Lithuania và Đan Mạch đều công bố tham vọng tăng mạnh, tất cả đều tăng gấp đôi mục tiêu đặt ra vào năm 2019. Tuy nhiên, ba quốc gia thành viên (Pháp, Slovenia và Síp) đã không tăng mục tiêu năng lượng gió kể từ năm 2019.
Các mục tiêu trong NECP có ý nghĩa toàn cầu. Để hướng tới tiến bộ đủ nhanh trong việc cắt giảm khí thải trong thập kỷ này, EU đang ủng hộ sáng kiến tại COP28 nhằm tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030.
( nguồn : Trang tin Ngành Điện )