Loay hoay điện mặt trời
Một doanh nghiệp có hàng trăm siêu thị khắp cả nước muốn lắp đồng loạt điện mặt trời trên mái để dùng "điện xanh" nhưng không thể, nơi này cho lắp nơi khác bắt dừng.
Các đại bàng FDI kiến nghị đi kiến nghị lại cần có cơ chế để lắp, mua điện mặt trời trong các năm qua nhưng đến nay vẫn còn trống. Không thể để khoảng trống chính sách kéo dài thêm nữa khi nhu cầu lắp điện mặt trời, giảm phát thải quá bức thiết.
Đã qua rồi thời lắp điện mặt trời mái nhà để bán điện giá cao, ngồi yên thu tiền. Tỉ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia đã ở ngưỡng cao, tính bất ổn định của nguồn điện này đã đặt ra nhiều thách thức điều độ hệ thống điện.
Giai đoạn này các doanh nghiệp sốt sắng lắp điện mặt trời để tự dùng, không chỉ giảm tiền điện mà quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon. Mỗi MW điện mặt trời mái nhà lắp đặt ở Việt Nam ước tính giảm trên 1.000 tấn khí thải CO2/năm.
Trong những giải pháp giảm phát thải hiệu quả, doanh nghiệp ưu tiên chọn lắp đặt điện mặt trời trên mái trụ sở, nhà xưởng, bãi đậu xe... bởi lợi trăm bề, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Hiện hàng rào thuế quan và yêu cầu bắt buộc giảm phát thải carbon đã rõ hình hài khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sắp có hiệu lực. Ở trong nước, Chính phủ cũng đã quy định các lĩnh vực, các doanh nghiệp phải kiểm kê phát thải nhà kính.
Nếu không giảm phát thải, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc phải bỏ số tiền lớn để mua tín chỉ carbon. Nói như vậy để thấy rằng dùng điện tái tạo với các doanh nghiệp rất bức thiết, thậm chí sống còn.
Lãnh đạo một tập đoàn bán lẻ quốc tế đã than thở rằng tập đoàn này đặt mục tiêu giảm 20% lượng phát thải vào năm 2025, song tại Việt Nam đến nay các nhà máy vẫn chưa lắp được điện mặt trời mái nhà nên mục tiêu này còn bỏ ngỏ.
Loạt doanh nghiệp xuất khẩu Việt cũng sốt vó giảm phát thải bởi một trong những yêu cầu khi xuất sang châu Âu và nhiều thị trường lớn là buộc phải giảm phát thải nhưng hiện nhiều khu công nghiệp cấm lắp điện mặt trời trên mái nhà.
Ngay cả các đại bàng lớn đến lót ổ ở Việt Nam như Lego, tập đoàn trang sức Pandora cũng dùng 100% năng lượng tái tạo nhưng vẫn chờ cơ chế.
Sau giai đoạn phát triển bùng nổ của điện mặt trời, từ 2021 đến nay là giai đoạn trống chính sách lắp đặt khi quyết định 13 hết hiệu lực.
Sau thời gian dài chờ đợi chính sách mới, hiện dự thảo chính sách mới vẫn đang được bàn tới bàn lui chưa có hồi kết. Hai vấn đề mấu chốt doanh nghiệp quan tâm vẫn chưa có câu trả lời: Khi nào được lắp điện mặt trời mái nhà? Khi nào được mua bán điện trực tiếp (DPPA)? Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp chẳng cần bán, quan trọng là được lắp, được dùng vì mục tiêu đạt chứng chỉ xanh.
Một vấn đề lớn để giải quyết tính bất ổn của điện mặt trời đó là phải có hệ thống lưu trữ điện (BESS) thì các dự thảo cũng chỉ mới đặt vấn đề khuyến khích.
Trong khi đó hệ thống lưu trữ đã phát triển mạnh trên thế giới, thậm chí có những nhà máy dùng 100% nguồn điện từ hệ thống lưu trữ.
Giá của pin lưu trữ cũng đã giảm mạnh, hiệu suất tăng và công nghệ cũng cải thiện nên đây là giai đoạn cần phải quy định rõ về lưu trữ khi lắp điện mặt trời, thậm chí bắt buộc đối với các doanh nghiệp lớn.
Thời gian qua các doanh nghiệp ngoại hưởng lợi quá lớn với thị trường điện tái tạo khi tấm quang năng, tuốc bin điện gió, thiết bị điện đều nhập khẩu với trị giá hàng chục tỉ USD, thậm chí nhà thầu lắp đặt cũng từ Trung Quốc sang. Chính sách mới phải đóng vai trò khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nội trong lĩnh vực này.
Sớm ban hành chính sách cho điện mặt trời mái nhà phát triển là mong mỏi của doanh nghiệp, đó cũng là sự trợ lực, chìa khóa góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua hàng rào xanh trong giai đoạn sống còn này.
( nguồn : Báo Tuổi trẻ )