Kiến nghị mở rộng mua trực tiếp điện tái tạo
Đó là đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) góp ý Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), nếu có đường dây riêng.
Có đường dây riêng rồi thì "kệ họ đi"
Cụ thể theo VCCI, cơ chế DPPA rất quan trọng đối với VN trong bối cảnh hiện nay. Về phía cung, DPPA có thể là giải pháp cho nhiều dự án điện tái tạo chậm thời điểm giá FIT. Về phía cầu, các doanh nghiệp sản xuất, nhất là xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để thực hiện các trách nhiệm ESG (Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp) trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, VCCI kiến nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu với đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng. Lý do, các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Vì thế, yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.
"Nếu lo ngại tác động tiêu cực khi công suất dư thừa phát lên hệ thống, nên bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới. Việc dự thảo quy định khách hàng mua điện trực tiếp phải đầu tư hạ tầng lưới điện, có đội ngũ quản lý, vận hành lưới là không cần thiết mà nên để hai bên tự thỏa thuận, trách nhiệm có thể thuộc về đơn vị phát điện, hoặc khách hàng", văn bản của VCCI nhấn mạnh.
Chủ trương là tận dụng tối đa nguồn điện tái tạo, nên việc mua bán qua lại trong cùng tòa nhà, cùng khu phố, cùng khu công nghiệp… nên được mở rộng, nếu nhà đầu tư có đường dây riêng. Nghĩa là không ảnh hưởng đến lưới điện, hãy mạnh dạn mở cho người dân mua bán, không nên "trói" vào cơ chế khuyến khích.
Đồng ý với đề xuất cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tham gia mua bán điện tái tạo trực tiếp, TS Trần Đình Bá, thuộc Hội Khoa học kinh tế VN, dẫn chứng Nghị quyết 55 nêu rất rõ quan điểm của Bộ Chính trị rằng "ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch".
Bên cạnh đó, yêu cầu nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; được áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
"Nghị quyết 55 quy định rất rõ và có tính thực tiễn rất cao. Việc nhà đầu tư có đường dây riêng rồi, việc mua bán thế nào thì kệ họ đi. Sao lại "quàng" vào cơ chế mua bán điện trực tiếp cho dự án điện lớn rồi ràng buộc đối tượng bán, mua làm gì nữa. Theo tôi, nếu nhà đầu tư hay bên bán có đường dây kết nối riêng, việc quy định giới hạn công trình nguồn điện tái tạo phù hợp quy hoạch là không cần thiết. Bên cạnh đó, đường dây riêng không ảnh hưởng đến đường truyền tải quốc gia, nên để cho mọi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu mua trực tiếp cứ tham gia, không nên giới hạn", TS Trần Đình Bá chia sẻ.
Bước đệm thị trường
Trả lời Thanh Niên, một số chuyên gia năng lượng cho rằng, riêng việc cho mua bán điện trực tiếp giữa các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, không qua EVN, là hướng đi đúng đắn nhằm tiến đến thị trường mua bán điện cạnh tranh, trong đó việc mua bán tùy theo thỏa thuận giữa 2 bên.
Lúc đó, EVN với vai trò doanh nghiệp nhà nước, có thể đảm trách nhiệm vụ đầu tư, vận hành đường dây truyền tải tốt nhất và thu tiền dịch vụ từ việc truyền tải, mua bán giữa các bên. Cơ chế mua bán điện trực tiếp này chỉ có thể phát huy tối ưu khi thị trường điện được hình thành có hình có khối.
Trong thực tế, xếp hàng về thứ tự ưu tiên trong các loại hình năng lượng tái tạo theo tính ổn định thì thủy điện ưu tiên nhất, kế đó là năng lượng chất thải rắn (điện rác…), năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy vậy, do đầu tư đường dây riêng, phải đầu tư đường truyền và vận hành, nên giá bán lẻ điện cho loại hình mua bán trực tiếp này có thể đắt hơn. Thế nên, mua bán điện trực tiếp có lợi cho bên mua nếu nguồn năng lượng tái tạo đó ổn định (nguồn thủy điện, điện rác, sinh khối…) và phù hợp công suất nhu cầu thì bên mua có lợi hơn.
"Bàn về yếu tố kinh tế thị trường thì cái gì pháp luật không cấm, người dân có thể làm. Ở đây, chủ trương là tận dụng tối đa nguồn điện tái tạo, nên việc mua bán qua lại trong cùng tòa nhà, cùng khu phố, cùng khu công nghiệp… nên được mở rộng, nếu nhà đầu tư có đường dây riêng. Nghĩa là không ảnh hưởng đến lưới điện, hãy mạnh dạn mở cho người dân mua bán, không nên "trói" vào cơ chế khuyến khích. Khuyến khích ở đây là khuyến khích sử dụng mới quan trọng. Muốn người dân dùng điện tái tạo nhiều, phải mở cho họ mua.
Ngoài ra, bàn về yếu tố thiếu tính ổn định của năng lượng mặt trời, tôi nghĩ thế này, chính sách làm mồi cho vấn đề lớn hơn của ngành là tiến đến thị trường điện có cạnh tranh. Vậy mạnh dạn kêu gọi tư nhân vào đầu tư làm pin lưu trữ, nhà máy điện tích năng... Phải cởi trói, quyết liệt, vừa làm vừa sửa mới có thị trường điện cạnh tranh. Chứ không dám làm, bảo vì không quản được nên phát lên lưới tui trả 0 đồng, hay không cho bán trực tiếp vì sợ không an toàn… thì rất khó để phát triển ngành năng lượng tiến bộ như kỳ vọng", chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình phân tích: Hợp đồng mua bán điện trực tiếp là hợp đồng mà bên mua cam kết mua một phần, hoặc toàn bộ điện của một nhà máy điện. Nếu có đường dây riêng, mua bán trực tiếp thì theo luật Điện lực, phải có hợp đồng mua bán điện. Không có hợp đồng, không mua bán được, cho dù là bán cho hàng xóm, trừ khi luật bỏ quy định này. Thứ 2, việc mua điện trực tiếp 100% từ các nhà máy điện gió hay mặt trời là vô cùng ít vì nguồn điện này không ổn định. Do đó thường mua trực tiếp chỉ 60 - 70%, còn lại vẫn mua từ nguồn khác là nhiệt điện, thủy điện. Nên có thể hiểu hợp đồng mua bán trực tiếp tại các nước cũng có thể là dạng mua bán ảo, không có kết nối trực tiếp giữa nhà máy điện mà kết nối với trung tâm dữ liệu. Tất cả điện được truyền qua lưới điện tập trung của bang, hay của khu vực điện.
Theo vị chuyên gia, một số bang ở Mỹ kết nối chung một lưới điện, một số bang khác có lưới điện độc lập. Ở hợp đồng mua bán ảo này, bên mua và bên bán sẽ có các cam kết ràng buộc giữa lượng điện nhà máy trong hợp đồng sản xuất ra và lượng điện lưới sẽ bán cho bên mua.
Tại VN, chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng các công ty đều muốn hợp đồng mua bán điện trực tiếp từ các nguồn thủy điện lớn vì giá rẻ và ổn định quanh năm. Nhưng cơ chế này tập trung vào các nhà máy điện gió và điện mặt trời bán trực tiếp, nên các đơn vị có nhu cầu sử dụng điện lớn không mặn mà, bởi tính thiếu ổn định.
"Hiện chi phí truyền tải của VN quá thấp so với các nước có hệ thống tương đương, có thể chưa phản ánh hết chi phí thực sự nếu hạch toán đầy đủ và độc lập theo khoảng cách, cũng như vị trí truyền tải. Do đó, hợp đồng DPPA có thể sẽ bị lợi dụng để hưởng chi phí truyền tải thấp. Nếu đầu tư lưới điện riêng, khó có giá như hiện tại", vị chuyên gia này nói.
( nguồn : Báo Thanh niên )