Khuyến khích đầu tư, sử dụng điện sạch
Việc áp giá mua điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới ở mức 671 đồng/kWh sẽ tránh tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên dùng điện cho sản xuất, thay vì đầu tư điện mặt trời để bán điện như trước đây.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về tờ trình mới đây của Bộ Công Thương liên quan cơ chế khuyến khích điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tự sản tự tiêu, trong đó đề xuất mức giá mua ĐMT dư có phát vào lưới quốc gia là 671 đồng/kWh cho năm 2024. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phân định rạch ròi doanh nghiệp được bán không quá 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống ĐMT hay chỉ là 10% lượng điện dư phát lên lưới.
Giá mua đã gồm chi phí phân phối
Mức giá được Bộ Công Thương đề xuất không phải là giá cố định, mà được điều chỉnh theo từng năm và đã bao gồm chi phí phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giải thích về việc phải tính chi phí phân phối, đại diện Bộ Công Thương cho rằng EVN đã đầu tư lưới phân phối cấp điện cho khách hàng nên phải thu hồi để bù lại một phần chi phí phân phối do khách hàng dùng ĐMT mà không mua điện của EVN.
Với chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc thí điểm cho phép được bán điện dư thừa lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất, Bộ Công Thương đã đưa ra 3 phương án để xác định lượng điện dư được bán lên lưới quốc gia. Trong đó, phương án 1 là khống chế công suất phát điện dư lên lưới điện quốc gia không quá 10% công suất lắp đặt nhưng phải lắp bổ sung thiết bị điều khiển công suất phát.
Phương án 2 là được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia và phương án 3 là được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, phương án 2 mang tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội.
Dù vậy lãnh đạo một doanh nghiệp năng lượng tại TP.HCM cho rằng cần phân định rõ được bán điện 10% trên tổng công suất này là công suất lắp đặt hay chỉ là 10% của tổng sản lượng điện đã phát lên lưới. Bởi nếu lắp 10MW ĐMT, doanh nghiệp sẽ được bán lên lưới tối đa 1MW sẽ rất khác với việc chỉ được thanh toán tối đa 0,1MWh với sản lượng thực phát lên lưới.
Ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió - mặt trời Bình Thuận, cho rằng việc thanh toán cho bên bán ĐMT với tỉ lệ 10% sản lượng phát lên lưới như đề xuất sẽ hợp lý hơn phát lên lưới 10% trên tổng công suất lắp đặt. Bởi sẽ có thời điểm nhà máy không sản xuất, sản lượng điện phát lên lưới lớn. "Nếu muốn khống chế sản lượng sẽ cần đến thiết bị điều khiển công suất phát phức tạp như Bộ Công Thương đã đánh giá, đồng thời sẽ khó trong việc giám sát việc vận hành của thiết bị", ông Thịnh nói.
Chỉ có 10 - 15% sản lượng điện dư
Đánh giá về giá mua bán điện, ông Bùi Văn Thịnh cho rằng so với đề xuất không mua ĐMT dư thừa, tức điện dư bán 0 đồng, việc Bộ Công Thương tiếp thu dư luận và đưa ra một mức giá hợp lý để giúp các doanh nghiệp không lãng phí nguồn điện dư thừa là một tín hiệu tích cực.
Theo ông Thịnh, với cơ chế mới, các dự án lắp đặt ĐTM đều phải xác định đây là mô hình tự sản tự tiêu, tức là nguồn điện sản sinh ra phải phục vụ chính cho hoạt động sản xuất và các thiết bị điện bên dưới mái, không nhằm mục đích bán điện như thời gian trước.
"Việc lắp ĐTM phải xác định 90% sản lượng là để tự dùng, giảm mua điện từ EVN, còn 10% dư thừa hoặc những lúc giảm sản xuất, các ngày nghỉ lễ, Tết… có thể phát sản lượng dư lên lưới và được thanh toán một khoản tiền mang tính khuyến khích, giúp doanh nghiệp có thêm chi phí, hạch toán hóa đơn đầu ra đầu vào chứ không xem đây là khoản đầu tư để bán điện sinh lời", ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, nhu cầu lắp đặt ĐMT tự sản tự tiêu để phục vụ hoạt động sản xuất, chuyển đổi xanh đang rất lớn. Do đó cơ quan chức năng cần thiết kế chính sách theo hướng thống nhất, không nên khống chế tổng công suất lắp đặt trên toàn quốc mà cần để cho doanh nghiệp lắp đặt theo nhu cầu.
Ông Phạm Đăng An - phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group - cho hay các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp sản xuất trong nước, các khu công nghiệp đều lắp đặt ĐMT với nhu cầu sử dụng nguồn điện xanh, đạt các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon để cạnh tranh về đơn hàng hoặc thực hiện lộ trình cam kết giảm phát thải carbon mà doanh nghiệp đã cam kết, nhất là khối FDI.
Do đó theo ông An, gần như 90% sản lượng điện sản sinh ra đều được dùng cho nhà máy, chỉ còn 10 - 15% sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia. Việc huy động 10% sản lượng điện dư phát lên lưới là chính sách hợp lý. "Bởi nếu thực sự đầu tư ĐMT tự sản tự tiêu phục vụ sản xuất, lượng điện dư cao lắm chỉ 15% và được mua điện với giá tạm là 671 đồng/kWh cũng đã mang tính khuyến khích cho các doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của VN phát triển", ông An nói.
Cần có chính sách khuyến khích đầu tư pin lưu trữ
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, giám đốc một doanh nghiệp năng lượng, cần có các cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp lớn và có hệ thống ĐMT mái nhà công suất lớn đầu tư pin lưu trữ với tỉ lệ tương đương 10%.
"Việc đầu tư lưu trữ sẽ giúp hệ thống điện ổn định, EVN sẽ thuận tiện hơn trong điều độ. Do đó, trong tương lai cũng cần nghiên cứu, thiết kế chính sách theo hướng nếu có pin lưu trữ 10% sẽ được huy động 10% sản lượng điện dư, 5% lưu trữ sẽ được huy động 5% sản lượng điện dư, lúc cao điểm vẫn có thể huy động nguồn điện từ hệ thống lưu trữ", ông Nam nói.
( nguồn : Báo Tuổi trẻ )