Kéo điện lưới đến vùng sâu, vùng xa
Công nhân Công ty Điện lực Quảng Nam nỗ lực đưa điện đến huyện miền núi Nam Giang.
Tuy nhiên, việc đưa điện lên miền núi còn gặp nhiều khó khăn, suất đầu tư cao, hiệu quả thấp... đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành điện trong việc chung tay, góp sức bao phủ lưới điện quốc gia ở những vùng sâu, vùng xa.
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam luôn ưu tiên công tác đưa điện lưới quốc gia lên 9 huyện miền núi, nhất là các thôn, buôn, bản, nóc... phấn đấu đạt mục tiêu 99,8% hộ sử dụng điện vào năm 2025.
100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia
Để đạt mục tiêu đề ra, Quảng Nam huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển mạng lưới điện, nhất là ở khu vực 9 huyện miền núi. Thời gian qua, tỉnh và ngành điện đã tranh thủ các nguồn vốn, tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình điện tại khu vực 9 huyện miền núi (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn).
Cùng với các giải pháp nâng cao quản lý vận hành, Công ty Điện lực Quảng Nam cũng đã triển khai đầu tư và cải tạo lưới điện tại 9 huyện miền núi; trong đó, năm 2022, công ty đã đầu tư nâng cấp 34,94 km đường dây trung thế, 47,18 km đường dây hạ thế, 55 TBA/7 MVA, với tổng vốn đầu tư hơn 109 tỷ đồng; đồng thời sửa chữa lưới điện với tổng vốn hơn 25 tỷ đồng.
Tiếp đó, năm 2023, công ty đầu tư nâng cấp 19,21 km đường dây trung thế, 44,77 km đường dây hạ thế, 40 TBA/4,3 MVA, với tổng vốn đầu tư hơn 45 tỷ đồng; sửa chữa lưới điện với tổng chi phí hơn 21 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2024-2025, ngành điện tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng lưới điện trên địa bàn 9 huyện miền núi, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 133 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền trung đang triển khai đầu tư 27,5 km đường dây 110 kV, 2 TBA 110 kV/65 MVA, với tổng vốn 205 tỷ đồng (TBA 110 kV Đông Giang, Tiên Phước), dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Về đầu tư lưới điện nông thôn, miền núi cho các hộ dân chưa có điện, Giám đốc Sở Công thương Lê Vũ Thương cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) đang thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia để cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, với tổng mức đầu tư 497,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019-2023, gồm hai tiểu dự án thành phần; trong đó, Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam (sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2019-2020) cấp điện cho 7.562 hộ dân tại 171 thôn của 71 xã thuộc 8 huyện miền núi, với tổng mức đầu tư 356,8 tỷ đồng (bao gồm ngân sách Trung ương 303,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương 53,5 tỷ đồng); và Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020 (sử dụng nguồn vốn ODA do EU tài trợ) cấp điện cho 4.691 hộ dân tại 98 thôn của 44 xã thuộc 8 huyện miền núi, với tổng mức đầu tư 141 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam Nguyễn Hữu Khánh cho biết, đến nay, ngành điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp điện phục vụ sản xuất, thương mại dịch vụ, an ninh quốc phòng, sinh hoạt của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và 9 huyện miền núi trong tỉnh nói riêng.
Đến nay, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có điện; có 241/241 xã, phường, thị trấn có điện, chiếm tỷ lệ 100%; có 1.229 thôn có điện, chiếm tỷ lệ 99,03%; có 424.500 hộ dân có điện, chiếm tỷ lệ 99,37%. Tại địa bàn 9 huyện miền núi, Công ty Điện lực đang quản lý vận hành 1.746 km đường dây trung áp, 1.251 km đường dây hạ áp, 973 TBA phụ tải/99,55 MVA, 8 TBA trung gian/53 MVA, 1 TBA 110 kV/25 MVA cung cấp điện cho hơn 81 nghìn khách hàng.
Nỗ lực đưa điện đến bản, làng xa...
Giám đốc Sở Công thương Lê Vũ Thương cho biết, việc đưa điện lên khu vực miền núi Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2020 đầu tư xây dựng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, công tác thi công gặp nhiều khó khăn về điều kiện giao thông, nhất là vào mùa mưa, thường xuyên bị cô lập do sạt lở đất.
Công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn do dự án không có chi phí bồi thường; một số điểm dân cư tại các nóc, thôn di dời đến nơi ở khác trước và trong quá trình triển khai thi công. Do vậy, đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện, kéo dài thời gian bố trí vốn và giải ngân vốn cho dự án để tiếp tục đầu tư hoàn thành.
Mặt khác, các hộ dân chưa có điện hầu hết đều sinh sống phân tán, rải rác, nhỏ lẻ theo cụm, nóc từ 3-7 hộ; nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách xa các tuyến giao thông chính và lưới điện quốc gia. Hơn nữa, việc đầu tư cấp lưới điện quốc gia tốn rất nhiều chi phí, suất đầu tư rất cao, không hiệu quả đầu tư cấp điện. Sở Công thương cũng nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng Công ty Điện lực Quảng Nam không có nguồn vốn đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện tại khu vực vùng sâu, vùng xa do không chứng minh được hiệu quả đầu tư với các tổ chức cho vay cho nên không thực hiện đầu tư được.
Trước tình hình đó, Sở Công thương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, yêu cầu các nhà thầu tập trung xử lý ngay các tồn tại của các công trình đã thi công hoàn thành nhưng còn tồn tại về kỹ thuật chưa bảo đảm điều kiện đóng điện; khẩn trương, tăng cường nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình còn lại của dự án, kịp thời cấp điện phục vụ nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Công ty Điện lực Quảng Nam tăng cường công tác quản lý, vận hành, để bảo đảm độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho nhân dân; bố trí vốn hằng năm để đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho các hộ dân 9 huyện miền núi, nhất là các hộ dân chưa có điện; sớm bố trí vốn, triển khai đầu tư cấp điện cho 106 hộ dân nằm gần lưới điện quốc gia; đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện cấp cho khoảng 1.300 hộ dân (kéo xa lưới, dùng chung công-tơ); tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhanh chóng hoàn thiện thủ tục về đấu nối, đóng điện các công trình thuộc dự án cấp điện nông thôn trong tỉnh.
Các địa phương tăng cường vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc... nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thực hiện các dự án cấp điện nông thôn; tiến hành rà soát, giải quyết các bất cập về hạ tầng và đóng điện một số khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng bảo đảm đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, bố trí vốn hằng năm để cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho các hộ dân 9 huyện miền núi, nhất là các hộ dân chưa có điện; sớm hoàn thành các TBA 110 kV nhằm tăng cường cung cấp điện vùng nông thôn, miền núi; khẩn trương chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc bàn giao lưới điện do hợp tác xã quản lý về công ty điện lực, tạo điều kiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân.
Đáng chú ý, từ khi các Trạm biến áp (TBA) 110 kV Phước Sơn, TBA 110 kV Nam Trà My được đầu tư đóng điện trong năm 2022 đã góp phần giải quyết tình trạng thường xuyên mất điện, bảo đảm cung cấp điện ổn định, nâng cao chất lượng điện năng cho khu vực các huyện: Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My. |
( nguồn : Báo Nhân dân )