Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Hệ thống lưu trữ điện năng - Làn sóng công nghệ tiếp theo của ngành năng lượng Việt Nam?

Hệ thống lưu trữ điện năng - Làn sóng công nghệ tiếp theo của ngành năng lượng Việt Nam?


Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là điện gió, mặt trời đòi hỏi phải áp dụng hệ thống pin lưu trữ (BESS) để giải quyết tình trạng không liên tục của các nguồn này và đảm bảo độ tin cậy của lưới điện. Phân tích chuyên sâu về vấn đề này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp [*] dưới đây. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Tóm tắt:

Bài viết này cung cấp tổng quan về các nguyên tắc cơ bản của BESS, bao gồm các nguyên tắc hoạt động, ý nghĩa kinh tế và các lợi ích tiềm năng cho Việt Nam. Mặc dù hiện tại Việt Nam chưa triển khai BESS trên quy mô lớn, nhưng thị trường toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và chi phí giảm. Bài viết xem xét tình hình hiện tại của BESS tại Việt Nam, nhấn mạnh năng lực sản xuất và các thách thức về pháp lý. Bài viết cũng đề cập đến các cách tiếp cận chiến lược được nêu trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam và các dự báo dài hạn về việc tích hợp BESS. Mặc dù BESS có tiềm năng cải thiện đáng kể bối cảnh năng lượng của Việt Nam, nhưng việc triển khai thành công sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết các thách thức về kinh tế, pháp lý và kỹ thuật.

Hiểu về hệ thống pin lưu trữ điện năng:

Để nắm được tác động tiềm năng của BESS tới lĩnh vực điện năng của Việt Nam, đầu tiên phải hiểu được hệ thống này vận hành như thế nào và những đặc trưng cốt lõi của nó.

BESS là công nghệ lưu trữ lại điện năng để dùng sau. Những hệ thống này đóng vai trò thiết yếu trong việc điều tiết cung, cầu điện năng trong lưới điện có nguồn năng lượng tái tạo tham gia với tỷ trọng lớn do sự dao động biến thiên của nguồn năng lượng này.

Hệ thống lưu trữ điện năng - Công nghệ tiếp theo của ngành năng lượng Việt Nam
Ảnh minh họa của tác giả.

BESS vận hành dựa trên một nguyên tắc đơn giản: Tích điện (hay lưu trữ điện năng) khi hệ thống thừa điện và phát điện (hay giải phóng điện năng) khi hệ thống thiếu điện. Quá trình này liên quan đến ba bước:

1. Sạc điện: Lượng điện dư thừa, thường là từ các nguồn tái tạo như các tấm quang mặt trời vào buổi trưa, được dùng để sạc pin.

2. Lưu trữ: Điện được lưu trong các tấm pin đến khi cần dùng. Thời gian lưu trữ thông thường là bốn giờ.

3. Phát điện: Khi nhu cầu điện vượt quá công suất hiện có có thể cấp điện, chẳng hạn như vào buổi tối, lượng điện năng lưu trữ sẽ được phát lên lưới điện.

BESS là công nghệ rất linh hoạt, có thể dùng cho quy mô nhỏ từ chiếc tủ lạnh trong hộ gia đình cho đến các dự án lớn hơn cả một sân bóng. BESS lắp đặt trong hộ gia đình thường có dung lượng 3-20 kWh. Ví dụ, ở Mỹ, lắp đặt một pin lưu trữ hiệu Tesla Powerwall cần chi phí khoảng 11.500 USD cho dung lượng 13,5 kWh. Những hệ thống như thế này tăng cường việc “tự sản, tự tiêu” bằng cách lưu giữ năng lượng mặt trời dư thừa thu được từ ban ngày để dự trữ dùng vào ban đêm, hoặc trong những thời điểm mây mù. Hệ thống này cũng hỗ trợ lưới điện bằng cách giảm tải trong giờ cao điểm và có thể cung cấp tới 11,5 kW điện dự phòng khi mất điện.

Kết hợp BESS với các dự án năng lượng tái tạo, chẳng hạn như với một trang trại điện gió, mặt trời có công suất 30 MW, sẽ tăng cường tính hiệu quả và ổn định của những dự án này. Nhờ vào việc lưu trữ lượng điện năng dư thừa ở những thời điểm đạt công suất cực đại, BESS có thể giảm thiểu các trường hợp hệ thống phải chạy dưới mức công suất và đảm bảo nguồn cung điện năng ổn định. Sự kết hợp này cũng giúp việc quản lý điện năng tốt hơn và nối lưới dễ dàng hơn.

Nhà máy điện Mặt trời Edwards & Sanborn tích hợp pin lưu trữ ở California đi vào hoạt động từ tháng 1/2024 là dự án có pin lưu trữ lớn nhất thế giới, với dung lượng 3.287 MWh để hỗ trợ 1,9 triệu tấm quang điện.

BESS cho dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn là hệ thống có thể vận hành độc lập so với nguồn phát điện gió, mặt trời. Các hệ thống này thường kết nối với lưới điện và có thể lưu trữ hơn 10 MWh. Chẳng hạn như dự án Hornsdale Power Reserve ở Nam Úc có khả năng lưu trữ với công suất 150 MW và dung lượng 193,5 MWh.

Như nhiều công nghệ mới nổi khác, BESS phát triển nhanh chóng, với nhiều loại pin và hàng loạt các đổi mới sáng tạo vẫn đang phát triển, cạnh tranh nhau và định hình tương lai. Trong nhiều loại pin đang được sử dụng, loại phổ biến và thông dụng nhất là pin Lithium-Ion. Các loại pin này được ưu ái, vì mật độ năng lượng, hiệu suất và tuổi thọ cao. Các pin Lithium-ion được sử dụng trong BESS có hiệu suất 95% và vòng đời khoảng 10 nghìn lần sạc. Các loại pin khác có thể kể đến là chì-axit, sodium-sulfur, pin dòng oxy hóa - khử, mỗi loại có những ưu điểm và ứng dụng riêng. Gần đây người ta còn phát triển ra loại pin rắn, thậm chí còn có mật độ điện năng cao hơn và an toàn hơn cả pin lithium - ion.

Mặc dù công nghệ BESS hết sức hứa hẹn, mức độ phổ biến của nó phụ thuộc rất nhiều vào sự cân bằng giữa chi phí - lợi ích. Hãy cùng nhau phân tích chi phí và lợi ích liên quan đến việc triển khai BESS trong bối cảnh Việt Nam.

Chi phí và lợi ích của BESS trong bối cảnh Việt Nam:

Chi phí lắp đặt và vận hành BESS là một rào cản rất lớn trong việc sử dụng công nghệ này. Vào năm 2023, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước tính chi phí cho hệ thống BESS 2 MWh là 360-420 USD/kWh và chi phí đầu tư này đòi hỏi giá điện của Việt Nam phải lớn hơn 18 US Cent/kWh thì mới có lợi nhuận - tức là hơn gấp đôi giá hiện nay.

Tuy nhiên, chi phí BESS đang giảm nhanh chóng. Theo phân tích của Bloomberg NEF: Chi phí cho một bộ pin lithium ion đã giảm 89% trong vòng một thập kỷ qua. Xu hướng này xuất phát từ những đột phá trong công nghệ pin, lợi thế kinh tế về quy mô trong sản xuất, cũng như sự gia tăng cạnh tranh trong thị trường.

Báo cáo Cẩm nang Công nghệ Việt Nam 2023 ước tính rằng: Chi phí đầu tư thông thường cho BESS dự kiến sẽ giảm từ 578 USD/kWh xuống còn 264 USD/kWh vào năm 2030 (giảm hơn một nửa).

Những lo ngại khác liên quan đến BESS (bao gồm nguồn cung Lithium hạn chế, tác động môi trường của quá trình sản xuất, thải bỏ và một vấn đề dễ thấy ở Việt Nam) đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, cũng như chuyên môn của nước ngoài.

Tuy nhiên, ngoài những thách thức đó, BESS cũng mang lại những lợi ích kinh tế vượt trội, đặc biệt là khi các nguồn từ năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu điện năng. Cụ thể:

- Tăng cường hiệu suất: BESS có thể lưu giữ điện năng sản xuất được trong các thời điểm nhu cầu điện thấp và phát điện khi nhu cầu dùng điện lên cao. Như vậy, có nghĩa là BESS tăng hiệu suất của lưới điện nói chung và làm giảm nhu cầu phải xây thêm nhà máy điện để phát cao điểm. Nếu so với giá điện khí, BESS đã có thể cạnh tranh với các tua bin khí chu trình mở và có thể là cả với các động cơ khí đốt trong.

- Cải thiện độ tin cậy: Bằng cách cung cấp nguồn điện ổn định và đáng tin cậy, BESS có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự cố ngắt điện. Điều này vô cùng quan trọng cho một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam. BESS có thể cung cấp khả năng khởi động lại hệ thống - đây là khả năng của một nhà máy điện có thể kích hoạt trở lại và phục hồi lưới điện sau khi một phần, hoặc toàn bộ hệ thống bị mất điện. Tăng cường sự bền bỉ và tốc độ phục hồi của lưới điện sau những sự cố ngắt điện lớn.

- Quản lý điện năng: BESS có thể giúp quản lý sự bất định thất thường của các nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo nguồn cung điện năng cân bằng và ổn định. Việt Nam đang có 20,1 GW điện gió, mặt trời và sự nghẽn mạch trong lưới truyền tải điện đôi khi dẫn đến việc lãng phí điện năng. Trong nhiều thị trường điện tái tạo đang phát triển nhanh chóng, tỷ lệ thất thoát này có thể lên tới 10-20% tổng sản lượng điện tái tạo trong các giờ cao điểm.

- Ổn định lưới điện: BESS có thể cung cấp các dịch vụ phụ trợ như điều tiết tần số và ổn định điện áp, đều thiết yếu đối với việc duy trì sự ổn định của lưới điện. Ở Philippines chẳng hạn, dự án San Miguel Global đặt khoảng 1.000 MW BESS, vận hành ở 32 điểm trên khắp cả nước. Họ bắt đầu vào năm 2018 với hệ thống lưu trữ chỉ 10 MW ở lưới điện Luzon tại Masiloc, Zambales. Nhìn ảnh 1:

Hệ thống pin lưu trữ điện năng - Nút thắt cho năng lượng tái tạo Việt Nam?
Ảnh 1: Dự án San Miguel Global. Nguồn: Fluence.

Với chi phí ngày càng giảm và nhu cầu ngày càng lớn, tính kinh tế của BESS rất hứa hẹn. Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Công suất lắp đặt của BESS sẽ tăng từ 45 GW vào năm 2022 lên đến 552 GW vào năm 2030 trong kịch bản “Mọi chính sách đều không đổi”, lên đến 725 GW vào năm 2030 trong kịch bản “Các quốc gia thực hiện các cam kết về khí hậu của mình” và lên đến 1.018 GW vào năm 2030 trong kịch bản “Phát thải ròng bằng 0 thành hiện thực năm 2050”.

Thực trạng BESS ở Việt Nam:

Tính đến năm 2024, Việt Nam thực tế chưa có một hệ thống BESS nào được lắp đặt, trừ hệ thống BESS đang vận hành tại PECC2, công suất 700 kW/2 MWh.

Dự án lưu trữ điện năng lớn nhất tại Việt Nam là Thủy điện Tích năng Bác Ái, ở tỉnh Ninh Thuận. Dự án này có công suất 1.200 MW được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lưới điện sau khi hoàn thiện trong vài năm tới. Dự án này không dùng pin. Thay vào đó sẽ bơm nước lên để dự trữ điện và khi cần thì phát điện như nhà máy thủy điện. Bài toán chi phí - lợi ích của BESS không hiệu quả bằng thủy điện tích năng - đó là lý do tại sao ưu tiên cho các dự án như vậy là có lý.

Một startup có tên Alternō đề xuất “pin cát” như một công nghệ lưu trữ năng lượng cho Việt Nam. Đây cũng không phải là BESS. Thay vì họ sử dụng điện để sấy nông sản trực tiếp, điện được dùng để hun nóng một khối cát lớn. Nếu cách nhiệt tốt, người ta có thể giữ nóng cát trong nhiều tuần - đó là cách để lưu trữ điện tái tạo, hoặc điện dư thừa trong những giờ không phải cao điểm để dùng về sau.

Việt Nam hiện nay đang trong cuộc đua để cung cấp công nghệ cho toàn cầu. Vingroup (Việt Nam) và Gotion (một nhà sản xuất pin ở Trung Quốc) đã đầu tư vào sản xuất pin Lithion-iron-photphat vào năm 2022 và xây một nhà máy ở Hà Tĩnh. Kỳ vọng có thể đi vào hoạt động trong quý 3/2024, với tổng sản lượng điện lưu trữ là 5 GWh mỗi năm. Mặc dù chủ yếu tập trung vào xe điện, nhưng dự án này sẽ thúc đẩy đáng kể chuỗi cung cấp nội địa cho BESS.

Siemens và AES đang sản xuất Fluence Cube, các giải pháp lưu trữ năng lượng dựa trên pin lithion - ion (BESS) ở Việt Nam, với khoảng gần 2 GW xuất khẩu mỗi năm. Cạnh đó, LG Chem và Samsung SDI cũng đang xây nhà máy pin tại Việt Nam.

Định hướng chiến lược và các khuyến nghị:

Việt Nam có thể sản xuất các linh kiện của BESS, nhưng ứng dụng chúng trong nước là cả một thách thức. Trong nước hầu như có rất ít kinh nghiệm để triển khai các dự án BESS. Hơn nữa, quy định hiện nay cũng chưa hướng dẫn việc lắp đặt BESS, hay giúp các dự án này có thể tạo ra lợi nhuận.

Để tìm giải pháp le lói giữa những thách thức này, hãy thử phân tích hướng tiếp cận chiến lược của Việt Nam trong việc triển khai BESS. Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh: “Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ nếu chi phí phù hợp” và nên “được lắp đặt ở gần nguồn điện gió, hoặc điện mặt trời, hoặc các trung tâm truyền tải”. Quy hoạch này kỳ vọng pin lưu trữ sẽ đạt công suất 300 MW vào năm 2030. Con số này mới chỉ chiếm 0,2% tổng công suất điện của Việt Nam. Quy hoạch này ngầm đánh giá rằng: Pin lưu trữ vẫn quá đắt đỏ cho những dự án quy mô lớn, và gợi ý rằng: Nên triển khai các dự án thử nghiệm để đánh giá mức độ khả thi, lợi ích của BESS trong những điều kiện, bối cảnh khác nhau, bao gồm cả các dự án lưu trữ ở quy mô lớn, kết hợp với các nhà máy điện tái tạo.

Quy hoạch điện VIII hướng tới mục tiêu tăng trưởng điện tái tạo vượt bậc vào năm 2030: 21 GW điện gió trên bờ, 7 GW điện gió xa bờ và 18-20 GW điện mặt trời. Tuy nhiên, đề xuất của Quy hoạch về BESS chỉ dừng lại ở quy mô 300 MW - dấy lên những lo ngại về liệu nó có đủ để gánh vác sự bất ổn của những nguồn năng lượng tái tạo.

Hệ thống pin lưu trữ điện năng - Nút thắt cho năng lượng tái tạo Việt Nam?
Ảnh 2: “Đường công con vịt con vịt California” đã xuất hiện ở Việt Nam. Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Ảnh 2 cho thấy: Công suất điện mặt trời hiện nay đã tạo ra những tác động nặng nề tới nhu cầu dùng điện. Công suất điện từ các nguồn không phải năng lượng tái tạo tăng từ 20 GW vào sáng sớm rồi hạ xuống 9 GW vào giữa trưa, trước khi quay trở lại 20 GW vào ban đêm. Yêu cầu về sự linh động như thế này sẽ càng gia tăng lên trong tương lai. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sản tự tiêu, vốn không bị ràng buộc bởi mục tiêu 18-20 GW dành cho điện mặt trời, thậm chí còn có thể buộc điện than và khí giảm công suất xuống 5 tới 10 GW từ năm 2030.

Việt Nam đang quy hoạch thêm các hệ thống thủy điện tích năng. Nhưng như Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2024 (EOR24) của Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo kết hợp Cơ quan Năng lượng Đan Mạch chỉ ra: “Bất kỳ sự gia tăng sản lượng năng lượng tái tạo đáng kể nào cũng sẽ dẫn đến khó khăn trong phương thức vận hành hiện tại, vì có những giới hạn tự nhiên và yêu cầu kỹ thuật đối với khả năng cân bằng của các nhà máy thủy điện của Việt Nam”.

Trong khi triển vọng của BESS tại Việt Nam có vẻ khiêm tốn trong tương lai gần, triển vọng trong tương lai xa lại vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch điện VIII cho thấy: Công suất của thủy điện và pin lưu trữ sẽ đạt 30.650 - 45.550 MW để bắt kịp với tỷ lệ điện tái tạo cao. Tỷ trọng của thủy điện tích năng sẽ bị hạn chế bởi những giới hạn về địa hình, địa chất.

BESS cũng có vai trò lớn trong các kịch bản phát thải ròng bằng 0 ở Việt Nam, nhưng cũng tùy cách nhìn nhận. Một nghiên cứu của McKinsey năm 2024 nhận định: Việt Nam cần 20 GW pin lưu trữ vào năm 2030 và khoảng 60 GW vào năm 2050. Trong kịch bản của EOR24 lại cho thấy: Thủy điện tích năng sẽ đóng vai trò chính trong nhu cầu lưu trữ điện tới năm 2045, khi nó đạt được tối đa tiềm năng là 26 GW/200 GWh. Pin lưu trữ ở quy mô lớn sẽ được lắp đặt vào thời điểm 2035-2040 với mức đầu tư khiêm tốn (0,6-1,5 GW). Việc đầu tư vào pin lưu trữ sẽ tăng trưởng nhanh chóng sau năm 2040, đạt được 98 GW trong kịch bản lạc quan nhất vào năm 2050.

EOR24 cho rằng: Các công nghệ lưu trữ như pin Lithium-ion rất phù hợp trong việc dự phòng để đảm bảo một hệ thống điện ổn định, đáng tin cậy và đề xuất Việt Nam cần hỗ trợ dự án lưu trữ điện quy mô lớn sau năm 2030.

Với các chính sách và đầu tư phù hợp, BESS có thể thay đổi bức tranh năng lượng của Việt Nam, khiến nó trở nên bền vững hơn, ổn định hơn, đáng tin cậy hơn. Vì Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển và lớn mạnh, tích hợp BESS là quan trọng để đảm bảo nguồn cung điện bền bỉ, ổn định.

Ai được hưởng lợi?

BESS không chỉ quan trọng với EVN, mà còn với cả các nhà sản xuất điện tái tạo và người sử dụng điện. Nhưng ai được hưởng lợi ích và sẵn sàng bỏ tiền đầu tư pin lưu trữ?

EVN là một doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm phát điện, truyền tải và phân phối điện ở Việt Nam có thể sẽ thu được lợi từ việc tăng hiệu suất của hệ thống nhờ vào việc triển khai BESS. Hiện EVN đang chuẩn bị các dự án thử nghiệm để tích hợp BESS vào hạ tầng lưới điện. Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, đầu tư vào lưu trữ năng lượng tới năm 2030 bao gồm:

- Một dự án BESS thử nghiệm công suất 50 MW/50 MWh của EVN để phát triển các dịch vụ phụ trợ, đánh giá được cách thiết kế cơ chế tính giá và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Các dự án thử nghiệm thêm như BESS công suất 7 MW/7 MWh tích hợp với điện mặt trời 50 MW và BESS công suất 105 MW/105 MWh tích hợp với điện mặt trời 400 MW.

- Các dự án lưu trữ pin khác, công suất 138 MW.

Nguồn tài chính được kỳ vọng sẽ đến từ các đối tác quốc tế, theo tổ chức Đối tác Chuyển dịch Năng lượng là các đối tác phát triển như Ngân hàng Phát triển châu Á và các ngân hàng thương mại của Việt Nam. Một nghiên cứu của Viện Năng lượng (xuất bản tháng 6/2024) chỉ ra rằng: “Một dự án BESS công suất 50 MW có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý sự ổn định tần số của hệ thống điện Việt Nam. Có thể quan sát thấy rằng, vị trí của BESS đặt ở đâu cũng không có ảnh hưởng nhiều tới sự ổn định của tần số điện. Bởi vậy, với mục tiêu tăng cường sự ổn định tần số, có thể lắp đặt BESS ở bất kỳ nút nào trong hệ thống điện (nếu sẵn đất và kế hoạch kết nối cho phép)”.

Các chủ dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) cũng được hưởng lợi trong việc tích hợp BESS. BESS tạo điều kiện để các chủ dự án tích trữ lượng điện năng dư thừa trong các thời điểm sản xuất điện đạt mức cực đại. Chẳng hạn như vào buổi trưa (đối với điện mặt trời) và phát điện trong những lúc nhu cầu cao điểm (vào buổi tối). Pin lưu trữ giúp các chủ dự án giảm thất thoát và bán dịch vụ phụ trợ cho lưới điện. Về nguyên tắc, Quy hoạch điện VIII không đặt ra giới hạn gì với các dự án kết hợp điện mặt trời + BESS, hay điện gió + BESS, vì các dự án này không bị tính vào mục tiêu đạt 300 MW BESS vào năm 2030.

Tuy nhiên, liệu BESS có giúp tăng lợi nhuận chung của một dự án điện tái tạo hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Phần tiếp theo, chúng ta sẽ thấy điều kiện hiện nay đang có vẻ bất lợi.

Người sử dụng điện (bao gồm cả các hộ gia đình, doanh nghiệp) cũng có thể có vai trò trong việc tiếp nhận BESS. BESS cho phép người tiêu thụ điện có thể lưu trữ điện năng từ pin mặt trời mái nhà và sử dụng nó trong những thời điểm không có mặt trời để tạo ra điện (chẳng hạn như vào ban đêm, hoặc trong những ngày mây mù). Điều này giảm sự phụ thuộc vào lưới điện và tăng cường an ninh năng lượng - các nhà máy cũng có thể bớt đi mối lo ngại về phụ thuộc vào lưới điện khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà có gắn bộ lưu trữ.

Công ty Tư vấn về Năng lượng Wood Mackenzie trong một báo cáo chỉ ra rằng: 11,1% hệ thống điện mặt trời hộ gia đình và 5,3% hệ thống điện mặt trời không phải của hộ gia đình lắp đặt vào quý 1/2023 ở Mỹ có đi kèm với pin lưu trữ.

Các quy định pháp lý:

Chính phủ cũng đang cân nhắc tạo ra một môi trường thuận lợi cho BESS (thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho việc tham gia thị trường và đảm bảo bù giá công bằng cho những dịch vụ BESS cung cấp).

Khung chính sách cho BESS ở Việt Nam vẫn đang trong trứng nước, nhưng nhiều khả năng nó sẽ được xây dựng dựa trên các chính sách hiện tại về năng lượng. Luật Điện lực (sửa đổi) là khung bao trùm toàn bộ lĩnh vực năng lượng, trong đó sẽ cần những quy định cụ thể hơn để phát triển BESS.

Bộ Công Thương đang chủ động theo dõi việc triển khai các chính sách về năng lượng, phát hiện các vấn đề và đề xuất các chỉnh sửa (nếu cần thiết). Cách tiếp cận mang tính thích ứng này vô cùng quan trọng, vì công nghệ BESS vẫn còn nhiều thay đổi và tích hợp vào các loại hình năng lượng khác nhau. Việt Nam có các chính sách để hỗ trợ điện tái tạo, nhưng chưa có chính sách để triển khai BESS. Đề ra các hướng dẫn, cơ chế thị trường, các tín hiệu giá cả tích cực và liên tục thảo luận là những điều cần thiết để hình thành một môi trường thích hợp cho BESS:

- Thiếu hướng dẫn: Thông tư 36/2018/TT-BCT đưa ra quá trình phê duyệt các dự án phát điện, nhưng không đề cập đến BESS. Không có một hướng dẫn mạch lạc nào cho việc lắp đặt, vận hành, bảo trì bảo dưỡng BESS - điều này tạo ra những nghi ngại cho những nhà đầu tư. Luôn có rất nhiều rủi ro khi dự trữ một lượng lớn điện năng trong một không gian nhỏ. Các tiêu chuẩn kỹ thuật, nguyên tắc an toàn và các cân nhắc về mặt môi trường là cần thiết cho việc quản trị những rủi ro liên quan tới trách nhiệm pháp lý.

- Tham gia thị trường: BESS đối diện với rất nhiều rào cản để có thể tham gia thị trường điện năng. Hiện nay chưa có một cơ chế nào được thiết lập để BESS có thể cung cấp và được bù giá cho dịch vụ phụ trợ như điều tiết tần số và ổn định điện áp. Một dự án BESS có thể được hưởng lợi từ giá công suất. Ý tưởng này vẫn chưa được triển khai ở thị trường điện Việt Nam, mặc dù người ta đã bắt đầu thảo luận về giá điện hai thành phần.

- Khuyến khích tài chính: Cấu trúc của giá điện hiện tại khó có thể thuyết phục ai đó đầu tư vào BESS. Lưu trữ năng lượng sẽ có lợi nhuận hơn nếu như có một khoảng cách lớn giữa giá bán buôn điện trong và ngoài giờ cao điểm. Ngược lại, các quy định hiện hành của Việt Nam đang hướng đến việc giảm khoảng cách đó.

Các nước khác đã tạo ra luật tương thích rất tốt với BESS. Chẳng hạn như ở Úc, BESS có thể sinh lời bằng nhiều cách mua, bán điện ở các mức giá khác nhau và hỗ trợ kiểm soát tần số của lưới điện. Tuy nhiên, công nghệ này lại không dành cho các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Úc - bởi thị trường BESS ở các nước này chỉ nằm trong vài GW mỗi năm. Một dự án có tên Oasis de Atacama ở Chile, có quy mô 1 GW điện mặt trời và công suất lưu trữ điện là 4,1 GW đang gần tiến dần tới việc có lợi nhuận. Thậm chí Tập đoàn Điện Mặt trời của Ấn Độ và Công ty Xlinks từ Morroco và Anh còn tuyên bố triển khai những dự án lớn hơn.

Trong Quy hoạch điện VIII, Việt Nam nhắm mục tiêu điện tái tạo sẽ chiếm 30,9-39,2% tổng sản lượng điện vào năm 2030, và hướng tới 47% (với điều kiện có sự giúp đỡ của các quốc gia đối tác quốc tế). Để mục tiêu này thành hiện thực đòi hỏi sự hợp tác vô cùng lớn của hệ thống lưu trữ. BESS là một lĩnh vực mà chuyển giao công nghệ từ một nước phát triển sang nước đang phát triển sẽ đem lại tác động to lớn đối với việc chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Kết luận:

Vào năm 2024, các hệ thống BESS đang trở nên thiết yếu trong việc quản trị sự bất định của các nguồn điện tái tạo, giảm thiểu tắc nghẽn lưới điện và giảm thiểu thất thoát điện năng. Nếu đã quy hoạch một nền tảng điện tái tạo vững chắc, bước tiếp theo của Việt Nam là tích hợp BESS để có thể tận dụng tối đa các nguồn này.

Tính chất linh hoạt của BESS khiến nó tương thích với nhiều kiểu quy mô và phù hợp với các doanh nghiệp từ EVN cho đến các nhà phát triển dự án điện tái tạo, cũng như người tiêu thụ điện. Để triển khai hiệu quả ở Việt Nam, cần một cách tiếp cận tổng hợp từ tất cả những người tham gia. Chính phủ bắt buộc phải dẫn dắt bằng cách thiết lập khung chính sách bao gồm những hướng dẫn rõ ràng và cơ chế thị trường tương thích với lợi ích của phía tư nhân, cùng với nhu cầu điện năng của cộng đồng.

Thúc đẩy BESS có thể theo chân mô hình khuyến khích điện mặt trời mái nhà đã rất thành công, liên quan đến việc xây dựng các chiến dịch thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực và các dự án thử nghiệm. Khi chi phí công nghệ giảm xuống và người ta ngày càng nhận ra lợi ích của lưu trữ điện năng, sẽ có càng nhiều nhà đầu tư muốn tham gia và những người tiêu thụ điện sẽ tận hưởng sự tiếp cận điện năng thoải mái hơn và cũng có thể tiết kiệm hóa đơn điện.

Mục đích hiện nay của Việt Nam là phát triển BESS với tổng công suất 300 MW đến năm 2030 có vẻ khiêm tốn, nhưng con số này không bao gồm những hệ thống đi kèm với điện mặt trời mái nhà. Để thúc đẩy một tương lai năng lượng bền bỉ, hiệu quả và bền vững hơn, Việt Nam nên đặt mục tiêu cao hơn. Mặt khác, cần sớm thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế thị trường cho dịch vụ phụ trợ, thúc đẩy các dự án thử nghiệm và đầu tư vào việc phát triển nguồn nhân lực trong nước cho BESS. Nỗ lực tổng hợp này sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển sang một hệ thống năng lượng xanh hơn.

[*] HÀ DƯƠNG MINH - NGHIÊN CỨU VIÊN CAO CẤP TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP (CIRED/CNRS)




                                                                                                   ( nguồn : Năng lượng Việt Nam )

Hệ thống lưu trữ điện năng - Làn sóng công nghệ tiếp theo của ngành năng lượng Việt Nam?