GS Nobel Vật lý: Vật liệu mới, năng lượng mới bùng nổ trong tương lai gần
Các chuyên gia tại tọa đàm Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” ngày 19/12/2023.
Tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5- 10 năm tới. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững...
Nhận định này được các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra tại tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” ngày 19/12/2023 trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023. Diễn ra ngay sau khi COP28 kết thúc, tọa đàm là nơi gắn kết các nhà nghiên cứu, khoa học hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các nỗ lực tìm kiếm và sử dụng hiệu quả năng lượng xanh, cũng như các hành động cấp bách nhằm giảm phát thải và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5-10 năm tới
Trong báo cáo công bố ngày 20/11/2023, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp.
UNEP cảnh báo nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt. Trước tình thế đó, UNEP kêu gọi “những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng”. Trong đó, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.
Những phát kiến nổi bật trong lĩnh vực giao thông xanh trải dài từ các vật liệu mới giúp cải tiến hiệu suất khai thác và lưu trữ năng lượng tái tạo cho tới điện khí hóa các phương tiện di chuyển.
GS. Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), lạc quan rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5- 10 năm tới.
Ông cho rằng, sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số.
Giáo sư Soumitra Dutta nhắc đến vai trò của các công nghệ số trong việc chuyển đổi xanh. Theo ông, nhân loại sẽ thấy rất nhiều sự đổi mới trong tương lai. Thế giới thực sẽ kết hợp với thế giới kỹ thuật số và tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên các phương tiện di chuyển hiện tại, như ô tô, xe tay ga, xe buýt... Sự tích hợp của của các phương thức di chuyển khác nhau như ô tô, các phương tiện giao thông công cộng, tàu hỏa và máy bay sẽ diễn ra một cách hiệu quả hơn nhờ các phương tiện kỹ thuật số.
Theo chuyên gia, bền vững là một trong những thách thức cũng như là cơ hội lớn nhất cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu là thách thức chung của toàn cầu và các quốc gia như Việt Nam, có cơ hội để tạo ra một hạ tầng mới, các cơ chế mới cho các dịch vụ cơ bản như giao thông sẵn sàng cho tương lai.
Nếu ta nhìn vào các nền kinh tế phát triển sẽ gặp khó khăn nhiều, bởi hạ tầng của họ đã phát triển nhưng chưa được thiết kế để phục vụ cho mục tiêu giao thông xanh. Đối với quốc gia như Việt Nam có nhu cầu cần phải tạo ra hạ tầng mới ngay từ ngày đầu để sẵn sàng cho giao thông xanh. Việt Nam có sự thuận lợi về lựa chọn phát triển cho tương lai như là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác học kinh nghiệm, ông Soumitra Dutta nhấn mạnh.
Sự thay đổi toàn cầu về năng lượng, vật liệu mới cho tương lai xanh
Chia sẻ vấn đề này, GS. Sir Kostya S.Novoselov, Chủ nhân giải Nobel Vật lý 2010 cho rằng, các nước cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng xanh bởi xu hướng phương tiện giao thông, máy móc trên toàn cầu đang chuyển dần từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện. Đồng thời, cũng cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn. Để tạo ra tương lai xanh, điều quan trọng là cần tìm ra nguồn năng lượng mới. Hiện tại, có nhiều khoản đầu tư khác nhau vào phương tiện giao thông vận hành bằng điện, hy vọng đây là giải pháp trong tương lai xanh.
Về chi phí, các năng lượng thay thế đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm đầu tư lớn. Các khoản đầu tư hiện tại có ý nghĩa quan trọng để phát triển công nghệ mới.
Giáo sư Kostya S. Novoselov, Chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010.
Giáo sư Kostya S. Novoselov, Chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010 cho biết, 5 năm tới là thời điểm vô cùng quan trọng và thú vị với ngành khoa học vật liệu, sẽ có sự bùng nổ và chứng kiến sự thay đổi toàn cầu về các năng lượng, vật liệu mới.
Về hạ tầng, GS Sir Kostya S.Novoselov nhận định, việc sản xuất, lưu trữ cung ứng nhiên liệu năng lượng nhiều nơi hiện nay chưa thật sự sẵn sàng. Ví dụ, ở các trạm xăng, ngoài bán xăng dầu thì việc sạc pin cho phương tiện giao thông chưa có đã gây hạn chế phát triển giao thông xanh.
Ông cho rằng, 5 năm tới là thời điểm vô cùng quan trọng và thú vị với ngành khoa học vật liệu, sẽ có sự bùng nổ và chứng kiến sự thay đổi toàn cầu về các năng lượng, vật liệu mới.
Để thích ứng sự bùng nổ này, các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần có đánh giá, cân nhắc về xây dựng, chuẩn bị hạ tầng đáp ứng làn sóng mới. "Khi công nghệ bùng nổ, các nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ thiết kế ra nhiều sản phẩm mới. Do đó cần nguồn lực đủ lớn để thích ứng. Cùng với sản xuất điện cần phải nghĩ tới tích điện, tăng cường công suất điện đáp ứng công nghệ tương lai.
Còn theo GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Hoa Kỳ, năng lượng không phải là vấn đề riêng quốc gia nào hay của riêng quốc gia nào. Vì vậy cần nhìn bức tranh toàn cảnh, tác động xã hội của xanh hóa với các công nghệ mới, vật liệu mới. Các nước đang tập trung phát triển năng lượng gió, mặt trời, công nghệ mới, vật liệu mới... nhưng điều quan trọng không kém là tái chế các nhiên liệu, năng lượng mới trong thời gian tới để không trở thành gánh nặng cho các quốc gia và toàn cầu.
GS Quyên cũng cho rằng, trong phát triển ứng dụng năng lượng xanh, để lắp điện mặt trời áp mái tại các gia đình phải có chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo đó.
"Rào cản với chuyển đổi xanh ở Việt Nam là hiện có ít công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, vận chuyển… Việc thuyết phục doanh nghiệp đầu tư hơn vào năng lượng sạch cũng là thách thức. Đó là vì sao cần kiện toàn về chính sách", GS Quyên khuyến nghị.
Cùng quan điểm, GS Daniel Kammen, đại học California, Hoa Kỳ chỉ rõ, để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cần phải có khung pháp lý rộng mở hơn.
( nguồn : VnEconomy )