Giải bài toán thiếu điện như thế nào?
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hằng năm đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây có cảnh báo về khả năng thiếu điện trong ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn.
Nhiều dự án nguồn chậm, phụ thuộc nhập khẩu...?
Theo báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sản lượng điện sản xuất hằng năm luôn tăng, và hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Chẳng hạn năm 2020 tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt 247 tỉ kWh, tăng 1,5 lần so với năm 2015 (163,8 tỉ kWh). Điện thương phẩm tiêu thụ cũng tăng 1,5 lần so với 2015, đạt gần 217 tỉ kWh.
Với mức này, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người tăng 1,42 lần trong 5 năm. Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, trong 6 chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có đến 3 chỉ tiêu biến động theo chiều hướng bất lợi. Đó là nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; tài nguyên năng lượng sơ cấp VN ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh.
Theo báo cáo này, tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đốt tự nhiên ngày càng giảm khi than còn khoảng 70 năm, dầu thô còn 20 năm, khí tự nhiên còn 40 năm.
Ngoài ra, một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ, chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai, cũng ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Báo cáo dẫn chứng loạt dự án đang chậm tiến độ như nhà máy điện than Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1 của PVN; các dự án Na Dương II, Quỳnh Lập I, Cẩm Phả III, Hải Phòng III của TKV; chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn…
Thực ra nguy cơ thiếu điện tái diễn, nhất là vào năm 2024-2025, cũng được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nêu trong một báo cáo gửi Bộ Công thương gần đây. Theo EVN, năm 2025 miền Bắc có thể thiếu trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỉ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5-7) do các nguồn điện mới đưa vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm. Thế nên, ngoài việc phải đẩy nhanh các dự án nguồn, lưới điện để đưa điện ra Bắc, EVN đề xuất đẩy nhanh mua điện từ Lào về.
Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm nhận xét: Những vấn đề đoàn giám sát UBTVQH đang nêu là chuyện đã biết và thảo luận nhiều trong giai đoạn vừa qua, nhất là thiếu điện trong hai tháng 5 và 6 ở miền Bắc, buộc phải cắt điện... Lúc đó, Thủ tướng kiểm tra đột xuất thấy việc quản lý của ngành điện từ Bộ Công thương đến các tập đoàn đều có vấn đề. Đó là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành than, dầu, khí, điện. Báo cáo thiếu than trầm trọng, nhưng khi làm việc lại nói huy động đủ; thiếu điện do sự cố đường dây, máy móc bảo dưỡng; do ảnh hưởng thời tiết, thủy điện cũng mất 4.000 MW trong khi có các nhà máy năng lượng tái tạo hoàn thành xong nhưng không đưa vào vận hành do giá cả không thống nhất...
Nhưng vấn đề quan trọng, theo TS Ngô Đức Lâm, trong ngắn hạn là thiếu điện thật, còn trung hạn đến năm 2030 đã có bổ sung đầy đủ nguồn trong tổng sơ đồ 8 (Quy hoạch điện 8 - PV). Tuy nhiên kế hoạch 10 năm từ 2020 - 2030, nhưng năm 2023 mới ban hành, chậm đến 3 năm. Nay có quy hoạch rồi thì kế hoạch thực hiện vẫn chưa được thông qua.
"Chủ trương đặt ra, biện pháp thực hiện vẫn chưa có thì lo trung hạn thiếu điện là đúng. Trong khi đến năm 2030 không phát triển điện than nữa, đến 2035 ngưng điện khí và sẽ đẩy mạnh các dự án điện xanh, tái tạo với nguồn vốn từ hàng chục đến hàng trăm tỉ USD. Vốn ở đâu? Muốn lôi kéo vốn từ nước lớn, phải có chính sách để huy động vốn đầu tư nguồn điện sạch. Vấn đề này đoàn giám sát UBTVQH chưa nêu và đó là nỗi lo lớn. Bên cạnh đó, nói về điện nhập khẩu, nguồn nhập từ Lào hay từ Trung Quốc có tăng đi chăng nữa cũng không đáng là bao, bởi đường dây 500 kV dẫn điện từ các nước về chỉ phục vụ các tỉnh sát biên giới. Thế nên, muốn ngành điện phát triển bền vững, vẫn phải trông chờ nội lực là chính", ông Lâm nêu quan điểm.
Cần có cơ chế đặc thù
Theo TS Ngô Đức Lâm, để giải bài toán thiếu điện thì cơ chế giám sát của QH phải được thực hiện liên tục, thường xuyên. Chính phủ thực thi và yêu cầu các bộ có giải pháp cụ thể. Có thể tính đến cơ chế đặc thù cho những vùng đặc thù có được không? "Ngành điện cần cơ chế đột phá đặc thù chứ không nên ngồi đổ lỗi cho nhau nữa. Nếu không có các nhà đầu tư đột phá, không có chính sách đột phá, nhà quản lý dám nghĩ dám làm… chúng ta rất khó để giải quyết bài toán thiếu điện, mà trong thực tế không thiếu được. Bởi nếu làm theo quy hoạch, mà quy hoạch phát triển điện thì không bao giờ được phép để tình trạng thiếu điện xảy ra. Tức là nguyên tắc an ninh năng lượng phải đảm bảo khi xây dựng quy hoạch rồi", ông Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cũng cho rằng nguy cơ thiếu điện được cảnh báo từ lâu do chính sách thu hút đầu tư vào nguồn "chập chờn" và thiếu tính xuyên suốt, bất cập và luẩn quẩn.
"EVN bị phản đối và bị gọi là độc quyền mua và bán điện, nhưng "ông ấy" (chỉ ngành điện - PV) muốn thoát cảnh mua bán này có ai cho không? Mua bán theo giá của Chính phủ quy định, trong khi muốn phát triển điện từ các nhà đầu tư tư nhân phải có thị trường cạnh tranh, mua bán sôi động hơn. Một cơ chế cũ, trên một nhu cầu thay đổi liên tục, thế nên ngành điện đôi khi bị lệch pha, hay nói là lạc hậu trong thế giới biến động và đòi hỏi sự minh bạch, cạnh tranh, quyết đoán nhiều hơn", ông Đình nói và cho rằng cần có cơ chế "xé rào" cho ngành này.
Muốn phát triển nguồn điện, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân, trong phát điện. Để giải quyết bài toán thiếu điện trong ngắn hạn, cần mở rộng chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà khu vực phía bắc, không chỉ dừng lại ở cơ chế "tự sản, tự dùng" nữa mà mở rộng ra cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ sản xuất như doanh nghiệp trong khu công nghiệp, bệnh viện, khách sạn, bến xe, nhà hàng… phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà. Về lâu dài, phải sớm có kế hoạch phát triển Quy hoạch điện 8, mời gọi đầu tư nước ngoài phát triển nguồn điện sạch…
( nguồn : Báo Thanh Niên )