Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Giá điện có thể được 'ưu tiên' tăng sớm?

Giá điện có thể được 'ưu tiên' tăng sớm?


Giá điện có tăng không và nếu tăng, sẽ ở mức nào để không bị ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng (CPI), lạm phát?


Xây dựng kịch bản tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp mới đây về điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu Bộ Công thương xây dựng kịch bản điều hành giá điện, đề xuất thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong tháng 6 này.

"Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ cân nhắc, cho ý kiến. Nếu không đảm bảo thời gian và nếu để tác động đến CPI thì các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.



Lưu ý của Phó thủ tướng là cần thiết bởi từ quý 1, Tổng cục Thống kê đã cảnh báo về áp lực tăng giá. Thời điểm đó, Bộ Công thương đã đề xuất lên Chính phủ cho điều chỉnh giá điện do biến động các chi phí đầu vào, đồng thời giúp Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và các doanh nghiệp (DN) điện đủ nguồn lực thanh toán tiền điện cho các nhà phát điện. Tuy vậy, trong quý 2, Bộ Công thương chưa có đề xuất phương án cụ thể. Nhưng theo Quyết định 05/2024 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, từ ngày 15.5, giá bán điện bình quân tối thiểu sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần. Trường hợp giá bán điện bình quân tăng từ 3 đến dưới 5%, EVN được quyết định; tăng từ 5 đến dưới 10%, EVN báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận; tăng trên 10% phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Những dữ kiện trên cho thấy, khả năng tăng giá điện vẫn đang để ngỏ.
Giá điện có thể được 'ưu tiên' tăng sớm?- Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu thụ điện tăng 2 con số từ đầu năm đến nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chưa kể áp lực về nguồn điện vẫn đang tăng cao. Số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, nhiều ngày nắng nóng, thủy điện phải tích nước, tại miền Bắc phải huy động thêm nhiệt điện than, dầu với chi phí cao để đáp ứng đủ điện. Cộng với khoản lỗ khủng gánh trên vai, có thể nói áp lực tăng giá điện với EVN là rất lớn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong khi theo tính toán, chỉ số giá điện tăng khoảng 10% làm CPI tăng 0,33%. Vì vậy, Tổng cục Thống kê khuyến cáo giá điện tăng cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để làm sao phù hợp, hợp lý về mức độ và thời điểm, bởi sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Mức tăng nên thấp

Ngày 13.6, đại diện EVN cho hay, kịch bản tăng/giảm giá điện sẽ được xây dựng để Bộ Công thương có cơ sở báo cáo lên Chính phủ theo chỉ đạo.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng lạm phát lên 4,03% trong 5 tháng đầu năm đã "vượt một chút" so với mức tiệm cận dưới mục tiêu Quốc hội (QH) đặt ra cho Chính phủ trong năm nay và áp lực vẫn còn trong những tháng tới. Hiện tại, cả 2 công cụ tài khóa và tiền tệ đều không có nhiều dư địa để giúp giảm áp lực lạm phát nữa. Chính phủ phải dùng công cụ thứ 3 là giá hàng hóa. Vì thế, Chính phủ sẽ lựa chọn mặt hàng nào tăng giá mà không ảnh hưởng đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp, hộ nghèo.

"Có 2 dịch vụ không thể không sử dụng dù nghèo là y tế và giáo dục. Nếu tăng giá 2 mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến người thu nhập thấp, người nghèo. Nên theo tôi, có thể Chính phủ lựa chọn cho tăng giá điện. Mặt hàng này hiện đã có khung trần, có mức trả theo bậc thang; người thu nhập thấp, dùng điện ít sẽ trả mức thấp hơn giá bình quân. Tuy nhiên, việc bù chéo trong giá điện vẫn chưa được giải quyết, đây là vấn đề cần được bóc tách làm rõ hơn để tăng giá, nếu có, không gây sự bất bình giữa các thành phần sử dụng điện trong xã hội", TS Việt phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trong 3 mặt hàng dịch vụ mà Phó thủ tướng yêu cầu có kịch bản tăng giá, giá điện có thể sẽ được tăng sớm nhất. Bởi lạm phát đã tới gần mục tiêu QH đề ra, trong khi nền kinh tế mới đi được nửa chặng đường. Trong khi đó, lương sẽ tăng từ ngày 1.7. Nếu khi đó giá các dịch vụ lại tăng nữa thì tác động rất lớn đến CPI. Thế nên Chính phủ cần có phương án phòng ngừa trước. "Giá điện là trường hợp bất khả kháng nên dễ tăng nhất từ tháng 7 tới, mức tăng chỉ nên trong "quyền hạn" của EVN, tức từ 3 đến dưới 5%", ông Long nhận xét.


Tuy vậy, ông Long khuyến cáo, việc tăng giá điện cần xem xét sức chống chịu của nền kinh tế thế nào. "Việc tăng giá điện cần giữ biên độ hẹp thôi để vừa kiểm soát được lạm phát, vừa giúp ngành giảm áp lực lỗ kéo dài", chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.



                                                                                        ( nguồn : Báo Thanh niên )


Giá điện có thể được 'ưu tiên' tăng sớm?