Điện mặt trời trên mái nhà xưởng: khoảng trống bao giờ được lấp đầy?
Sử dụng năng lượng tái tạo được xem là một trong những cách để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của các nhãn hàng và các quốc gia nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp than thở, việc sử dụng điện mặt trời trong hoạt động sản xuất lại gặp nhiều khó khăn.
Vừa giảm chi phí, lại nâng cao tín nhiệm
Đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc ở Đồng Nai cho biết đã nhận được nhiệu lợi ích về giảm chi phí sản xuất cũng như nhận được cái nhìn thiện cảm, đánh giá tốt của các nhãn hàng, nhà nhập khẩu.
Sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống điện hòa lưới trên mái nhà máy với 250 tấm pin và 3 bộ inverter hòa lưới cung cấp nguồn điện cho các hệ thống chiếu sáng, điều hòa hòa nhiệt độ và máy móc bên trong nhà máy. Mỗi ngày, hệ thống tạo ra sản lượng điện 365 kWh đáp ứng cho hoạt động sản xuất; đồng thời góp phần giảm phát thải CO2 đáng kể ra môi trường.
Đáng chú ý, khi lắp đặt hệ thống này, doanh nghiệp không tốn một khoản đầu tư ban đầu nào vì tất cả thiết bị đều do nhà cung cấp, phân phối thiết bị lắp đặt miễn phí trong khi giá điện sử dụng lại thấp hơn khoảng 25% so với giá hệ thống điện quốc gia.
Trường hợp nếu nhà sản xuất đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời thì chi phí đầu tư ban đầu hiện chỉ còn bằng phân nửa so với cách đây 5 năm. Cụ thể theo một nhà cung cấp thiệt bị này tính toán, để đầu tư sản xuất 1MW điện mặt trời cần khoảng 12 tỉ đồng. Sau khoảng 3-4 năm vận hành thì nhà sản xuất có thể khấu hao được vốn đầu tư và sau đó việc sử dụng nguồn điện này được xem như miễn phí.
Với hiệu quả mang lại từ việc triển khai giải pháp điện mặt trời, đây được xem là một bước đệm quan trọng cho sự thành công của nhà xưởng trong việc tiết kiệm điện, nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt đến mục tiêu doanh nghiệp sản xuất thân thiện môi trường.
Có thể nói việc sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời được xem là một trong những cách để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của các nhãn hàng quốc tế và các quốc gia nhập khẩu đặt ra.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ,… cũng cho biết họ buộc phải đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà xưởng nếu muốn đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải khi xuất hàng sang thị trường khu vực EU.
Các nhãn hàng thời trang và sản phẩm công nghiệp của Mỹ, Nhật Bản… cũng thường xuyên đánh tiếng yêu cầu nhà sản xuất, gia công cần phải cắt giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, điểm chung là các nhãn hàng quốc tế đều đưa ra yêu cầu, đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp phải có kế hoạch hành động cụ thể cho sản xuất xanh. “Xanh hóa là con đường bắt buộc, doanh nghiệp thực hiện càng sớm thì cơ hội có đơn hàng sẽ đến sớm hơn”, ông Tùng nói.
Vẫn khó lấp đầy khoảng trống pháp lý
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện đã và đang tham gia 19 Hiệp định FTA song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế trên thế giới, là cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.
Tại châu Âu và một số quốc gia khác, sản phẩm, hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường này nếu muốn được hưởng cơ chế ưu đãi buộc phải có chứng chỉ xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu để được hưởng ưu đãi ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa sản xuất cũng buộc phải đáp ứng.
Và việc sử dụng điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, việc đầu tư và vận hành hệ thống năng lượng này không hề dễ dàng với nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đặt nhà máy trong các khu công nghiệp (KCN) cũng than bị vướng mắc khi muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Trao đổi với KTSG Online, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất – KCN TPHCM (HBA) cũng cho hay, HBA nhận rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn khi muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng để giảm chi phí tiền điện và “xanh hóa” sản xuất. Tình trạng này xảy ra với thời gian khá dài và được phản ánh lên các cơ quan quản lý nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi gì.
Trong cá cuộc họp liên quan với năng lượng mặt trời gần đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng chỉ ra cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, KCN chưa rõ ràng. Doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Với cơ chế hiện nay doanh nghiệp muốn cũng không làm được. Khoảng trống pháp lý sau Quyết định 13/QĐ-TTg về giá điện cũng đang gây khó cho doanh nghiệp.
Trao đổi với KTSG Online về tình trạng này, người đại diện của một Ban quản lý các KCN ở một địa phương khu vực phía Nam (đề nghị không nêu tên) cũng thừa nhận, việc lắp đặt điện mặt trời với doanh nghiệp sản xuất trong các KCN hiện nay rất khó thực hiện.
Nhưng điều này không phải vấn đề mà các Ban quản lý các KCN ở các địa phương phải giải quyết. Bởi khi nhà sản xuất muốn lắp đặt điện mặt trời thì cơ quan này không ràng buộc doanh nghiệp làm các thủ tục phát sinh. Ban chỉ lưu ý doanh nghiệp rằng nhà xưởng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cần bảo đảm độ an toàn và nếu phát sinh thêm vốn thì làm thủ tục điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư.
Tuy nhiên, ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp, người này cho biết, doanh nghiệp bị vướng về thủ tục đấu nối nguồn điện mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia mà cụ thể là EVN.
“Họ phản ánh rằng khi tiếp xúc ngành điện thì nhận được yêu cầu rằng nếu đã đầu tư hệ thống điện mặt trời thì không sử dụng lưới điện quốc gia nữa”, người này chia sẻ, và nói: “Nguồn điện mặt trời dù có thấp hơn khá nhiều của EVN cung cấp nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nguồn điện sản xuất. Mặt khác điện mặt trời tự hoà bằng công tơ một chiều nếu không hòa lưới điện quốc gia 2 chiều thì cũng không thể dùng được”.
Hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà cho sản xuất. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 mới nêu rõ điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản, tự tiêu…
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Mặt khác, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên – Môi trường, để lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục môi trường, xây dựng theo quy định. Đây cũng là một trong những nút thắt lớn, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất muốn lắp đặt trên mái nhà xưởng của mình cũng rất khó khăn và mất thời gian.
Hiện nay việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà trong KCN vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án để triển khai. Các doanh nghiệp sản xuất đang muốn thực hiện xanh hóa, có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đầu tư, lắp đặt, sử dụng.
Việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, cũng như đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn đến một số ngành sản xuất, xuất khẩu ở trong nước.
Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các KCN.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, các doanh nghiệp đề xuất các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà; tiêu chí kỹ thuật… đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành hoạt động ổn định.
Theo ông Đào Xuân Đức, khi triển khai điện mặt trời ở các nhà xưởng, doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới chỉ phát triển điện mặt trời ở nhà dân, cơ quan. Trong khi ở các nhà xưởng KCN lại chưa được hướng dẫn.
Rất nhiều doanh nghiệp trong KCN có nhu cầu lắp điện mặt trời mái để vừa giảm tiền điện vừa đạt các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon… “Do đó cần sớm ban hành cơ chế để giúp doanh nghiệp dễ dàng lắp điện mặt trời và vượt qua các hàng rào xanh trong cạnh tranh xuất khẩu”, ông Đức nói.
( nguồn : The Saigon Times )