Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Điện gió và điện Mặt Trời phát triển mạnh chưa từng thấy tại EU

Điện gió và điện Mặt Trời phát triển mạnh chưa từng thấy tại EU


Sản lượng điện gió và điện Mặt Trời tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm vừa qua đã tăng 46% so với năm 2019, đồng thời thay thế 20% nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của khối này.

Một cánh đồng điện gió tại Đức. Ảnh: https://www.cleanenergywire.org/

Báo cáo do tổ chức nghiên cứu Ember (Anh) công bố ngày 2/6 cho thấy sản lượng điện gió và điện Mặt Trời tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm vừa qua đã tăng 46% so với năm 2019, đồng thời thay thế 20% nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của khối này.

Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng các nguồn năng lượng của EU vào năm 2030.

Trong khi nhiều chính sách của EU nhằm hạn chế lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đã được thực hiện, một số quy định sẽ được xem xét lại trong 5 năm tới và thúc đẩy các yêu cầu tham vọng hơn.

Công suất điện gió và điện Mặt Trời ở EU đã tăng 65% kể từ năm 2019. Công suất điện gió tăng 31%, lên 219 gigawatt (GW) vào năm 2023, trong khi công suất năng lượng Mặt Trời tăng hơn gấp đôi lên 257 GW, tương đương với hơn 230.000 tấm pin năng lượng Mặt Trời được lắp đặt mỗi ngày trong suốt 4 năm.

Nếu không có sự mở rộng công suất năng lượng tái tạo, công suất điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ giảm 1,9% (21 TWh), thay vì giảm 22%, khi nhu cầu điện thấp hơn được bù lại bằng việc giảm sản lượng các nguồn năng lượng sạch khác.

Theo Giám đốc Chương trình châu Âu của Ember - bà Sarah Brown, công suất điện gió và điện Mặt Trời ở EU hiện tăng mạnh chưa từng có, đưa công suất điện từ than đá và khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục. EU đang trong quá trình chuyển đổi lâu dài từ việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện.

Công suất điện gió và điện Mặt Trời bổ sung đã làm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong các nguồn điện ở EU năm 2023 lên 44%. Trong khi đó, công suất điện từ các nguồn than đá và khí đốt giảm đã kéo tỷ trọng các nguồn từ nhiên liệu hóa thạch từ 39% xuống 32,5%.


                                                                                                  ( nguồn : BNews )