Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Cơ hội 'bán điện cho hàng xóm' ngày càng lớn

Cơ hội 'bán điện cho hàng xóm' ngày càng lớn


Điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng cho nhiều tổ chức tham gia, một số trường hợp được phát triển không giới hạn công suất… là những nội dung mới được bổ sung vào dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà. Dự kiến, nghị định sẽ sớm được ban hành trong tháng 10 này.


Bán điện cho hàng xóm được tháo gỡ

Tiếp thu chỉ đạo của Thường trực Chính phủ mới đây, Bộ Công thương vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu với nhiều điểm mới. Theo đó, ngoài khuyến khích lắp ĐMTMN tại các công trình xây dựng như nhà ở, công sở, dự thảo nghị định mở rộng thêm cả các đối tượng mới, bao gồm khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cơ hội 'bán điện cho hàng xóm' ngày càng lớn- Ảnh 1.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện mặt trời trong các khu công nghiệp

ẢNH: NHẬT THỊNH

Đáng chú ý, ĐMTMN tự sản tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, không bán lên lưới, sẽ không bị giới hạn công suất lắp đặt, không phải đăng ký khi lắp đặt, chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan quản lý địa phương. Với nguồn có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, khi lắp đặt phải đăng ký công suất lắp đặt, sản lượng điện dư có thể được phát hoặc không phát vào hệ thống điện. Nếu công suất lắp đặt từ 100 kW trở lên, nhà đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện dư, bao gồm các vấn đề về thiết bị, kết nối, giám sát… Với cá nhân, hộ gia đình, nhà riêng lẻ lắp đặt hệ thống ĐMTMN sẽ được miễn, không phải bổ sung giấy phép kinh doanh do không bán sản lượng điện dư lên lưới quốc gia và được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Ngoài ra, nếu tự sử dụng và có đấu nối hệ thống điện quốc gia, nhưng có lắp đặt thiết bị chống phát ngược sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất; lắp đặt công suất từ 1 MW trở lên và bán điện dư vào hệ thống, phải làm các thủ tục để được cấp phép hoạt động điện lực. Cũng theo dự thảo, ĐMTMN tự sản tự tiêu có công suất dưới 100 kW, không dùng hết sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia với tỷ lệ không quá 20% công suất lắp đặt, đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó. Tuy nhiên, với hệ thống điện mái nhà là tài sản công sẽ không được bán điện dư.

Như vậy, với các quy định mới được bổ sung, việc "bán điện cho hàng xóm" đối với ĐMTMN lắp đặt trong KCN, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh được tháo gỡ, không giới hạn nếu không phát lên lưới quốc gia. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, tổ chức lắp ĐMTMN tự dùng, không phát lên lưới, không bán lên lưới, nhưng có thể chia sẻ nguồn với hàng xóm mà không phải xin phép.

Trước đó, tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo nghị định này, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý nghị định cần khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của VN về ĐMT. Đặc biệt, cần mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán ĐMTMN tự dùng tại KCN, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Gấp rút sửa đổi Quy hoạch điện 8, luật Điện lực…

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng những tiếp thu và sửa đổi của Bộ Công thương trong dự thảo nghị định là đáng ghi nhận. Qua đó, cơ hội để phát triển nguồn năng lượng tái tạo này ngày một lớn hơn, cơ hội để doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trong các KCN, khu công nghệ cao sử dụng được nguồn ĐMT, tiến đến có chứng chỉ xanh để bán hàng ra nước ngoài thuận tiện hơn. Tuy nhiên, theo ông Lâm, những thay đổi mới trong dự thảo cơ chế và những vấn đề chúng ta đang bàn trong cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu là những điều "con con", chưa đáp ứng được việc bảo đảm đủ điện dùng từ nay đến năm 2030. Ông nhấn mạnh ĐMT phải có để dùng, thay thế cho nhiều nguồn cạn kiệt, không phát triển được nữa, không phát triển kịp… chứ không phải cho bán lên lưới hay không.

Về việc mở rộng cho phát triển ĐMTMN trong KCN, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…, chuyên gia Ngô Đức Lâm nói nên chăng, cho phép có công ty con, phát điện nội bộ trong các KCN để việc mua bán sử dụng điện trong KCN hiệu quả. Công ty này có thể do chính chủ đầu tư KCN mở, thuê chuyên môn làm, hoặc DN có chuyên môn từ bên ngoài vào thành lập để tiến hành các hoạt động mua bán điện trong KCN. Mục đích bảo đảm nguồn đủ để các KCN sử dụng, đã thế, quy định phát lên lưới không quá 20% đôi khi không có ý nghĩa nữa.

"Theo Quy hoạch điện 8, ĐMTMN tự sản tự tiêu chỉ giới hạn từ nay đến năm 2030 là phát triển thêm 2.600 MW. Trong khi dự thảo khuyến khích lại ghi loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Vậy rốt cuộc con số 2.600 MW có ý nghĩa gì? Thứ 2, từ nay đến 2030, nguồn điện khí và khí hóa lỏng không vào kịp nữa, nguồn thủy điện cũng được khai thác hết nấc, nguồn điện than không được phát triển nữa, điện gió ngoài khơi còn đề xuất cho Tập đoàn Dầu khí VN thí điểm khảo sát… 

Như vậy, đến năm 2030, nếu cứ theo Quy hoạch điện 8, sẽ không đủ điện mà dùng. ĐMTMN lúc đó là cứu cánh và bắt buộc phải sử dụng, không cần tỷ lệ mua 20% công suất đầu tư", ông Lâm phân tích và cho rằng rút kinh nghiệm từ Quy hoạch điện 7, khi điện than phá sản, không kịp đưa vào sử dụng, chúng ta đã cho phát triển ồ ạt ĐMT, để rồi gây không biết bao hệ lụy. Nay, nếu giữ nguyên Quy hoạch điện 8, lịch sử lặp lại là nguồn nhiệt điện khí và khí hóa lỏng không kịp vào, thiếu điện là hiện hữu.

TS Ngô Đức Lâm nhận định: Việc ban hành nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN là cần thiết, không cần phải thêm câu "tự sản, tự tiêu nữa". Bởi cụm từ đó có trong Quy hoạch điện 8 nhưng các quy định theo dự thảo đang "tréo ngoe" với quy hoạch là không giới hạn công suất. Như vậy, cần gấp rút sửa Quy hoạch điện 8, song song với sửa luật Điện lực để các cơ chế, chính sách trong bối cảnh mới đồng bộ hơn. Phải tháo gỡ những ràng buộc, quy định chằng chịt, chồng chéo về pháp lý liên quan ĐMT. Vấn đề là tính toán đầu tư lưới điện thông minh thế nào để đón nhận nguồn đó, chẳng hạn như đầu tư nguồn pin tích trữ lớn, để ban ngày nắng nóng tích trữ nguồn, ban đêm phát.

Về giá mua điện, theo Bộ Công thương, có 2 phương án: Nguồn điện dư phát lên lưới được tính bằng mức giá bình quân trong năm trước liền kề của thị trường. Phương án hai là mức giá do hai bên tự thỏa thuận, nhưng phải nhỏ hơn hoặc bằng giá bình quân. Như vậy, nếu thực hiện theo quy định này, giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh (theo Tập đoàn Điện lực VN). Cùng đó, thời hạn hợp đồng mua bán điện sẽ áp dụng là 5 năm, có thể gia hạn hoặc ký hợp đồng mới sau thời hạn trên.


                                                                          ( nguồn : Báo Thanh niên )