Bến Tre thu hút đầu tư vào năng lượng mới và năng lượng tái tạo
Công trình Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre là dự án điện gió đầu tiên của tỉnh đưa vào khai thác thương mại, được khánh thành vào ngày 28/11/2021.
Hội thảo diễn ra vào chiều 02/10/2024 trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2024, qua đó góp phần truyền tải thông điệp, định hướng phát triển của tỉnh về năng lượng mới, năng lượng tái tạo và hydro xanh.
Bến Tre có nhiều lợi thế phát triển năng lượng “xanh”
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết Bến Tre có bờ biển dài 65 km, có tiềm năng lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hiện tại, địa phương đang tập trung phát triển đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn lực để phát triển năng lượng “xanh”, sạch như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng khí và đặc biệt là năng lượng mới hydro xanh.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Bến Tre, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025, và của cả nước vào năm 2030. Mục tiêu tổng quát là mở rộng không gian phát triển về hướng đông với các loại hình kinh tế biển.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã thông tin về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; trong đó nhấn mạnh việc chuyển dịch năng lượng, với định hướng giảm dần tỷ trọng nguồn nhiên liệu sử dụng hóa thạch trong sản xuất điện sang năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhận định: Bến Tre là địa phương có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng “xanh” rất đa dạng và phong phú như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ sinh khối, năng lượng từ rác thải, hydrogen xanh, amoniac xanh...
“Và theo Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỉnh Bến Tre được quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Bến Tre và các địa phương khác đang tiếp tục phát triển nền kinh tế xanh là "con đường đi, sự lựa chọn đúng!". Ảnh: Phúc Hậu.
Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu theo quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung và kế hoạch của tỉnh Bến Tre nói riêng, Thứ trưởng Bộ Công thương lưu ý rằng trong thời gian tới cần xem xét, triển khai một số giải pháp, như: Tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư; xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo...
Phát triển xanh: Sự lựa chọn đúng
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã hoan nghênh tỉnh Bến Tre cũng như các địa phương khác đang tiếp tục phát triển nền kinh tế “xanh”, hướng đến phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các nhà khoa học, nhà đầu tư, các địa phương cần có những đề xuất, chia sẻ các nội dung cốt lõi, cơ bản về định hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; cũng như những tiềm năng và cơ hội đầu tư sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng “xanh” tại tỉnh Bến Tre và cả nước nhằm đúc kết kinh nghiệm quý báu và quan trọng, làm cơ sở ứng dụng vào thực tiễn.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các địa phương, các chuyên gia chủ động đề xuất Chính phủ, các bộ ngành những chủ trương phù hợp, nhằm đưa ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo của địa phương mình, cũng như của cả nước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong khuôn khổ hội thảo về năng lượng xanh này, một cuộc tọa đàm chuyên đề về hydrogen xanh và amonia xanh cũng diễn ra, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhất là các nhà quản trị vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước.
Các diễn giả tại tọa đàm "Công nghệ vận chuyển và lưu trữ hydrogen xanh/Amonia xanh".
Chủ trì và điều phối phiên tọa đàm "Hydrogen xanh: Công nghệ, tài chính và chính sách phát triển" với chủ đề “Công nghệ vận chuyển và lưu trữ Hydro xanh/Ammonia xanh”, bà Huỳnh Thị Kim Quyên (tức Winnie Huynh), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn The Green Solutions, cho biết tọa đàm đề cập đến các công nghệ tiên tiến nhất, xu hướng phát triển và giải pháp tối ưu trong công việc sản xuất, vận chuyển và lưu trữ thủy điện xanh và amoniac xanh; các giải pháp tài chính, chương trình hỗ trợ và cơ chế hoạt động đầu tiên trong ngành công nghiệp thủy điện xanh.
Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, diễn giả về các vấn đề liên quan đến hydrogen xanh và amonia xanh đang được quan tâm, lãnh đạo The Green Solutions đánh giá công nghiệp về hydrogen là một ngành công nghiệp mới; nhưng được dự báo sẽ chiếm giữ vai trò rất quan trọng trong tương lai, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng sang năng lượng tái tạo nhằm hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Theo bà Quyên, hệ sinh thái cần thiết cho hydro không chỉ là cơ chế, tài chính, công nghệ mà còn có sự tham gia của rất nhiều hoạt động khác nhau.
Đúc kết hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh khẳng định Bến Tre sẽ quyết liệt triển khai nhanh các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh về hướng đông”, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cam kết
( nguồn : VnEconomy )