Bài toán lợi ích của điện mặt trời
Hệ quả của tư duy kinh doanh đối nghịch với mong muốn an ninh năng lượng dẫn đến những vướng mắc, tồn tại và nhiều sai phạm
Sử dụng năng lượng tái tạo là chiến lược quốc gia, có liên quan chặt chẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng tái tạo là chiến lược dài hơi, yêu cầu cấp thiết của quá trình xanh hóa nền kinh tế. Điện mặt trời ở Việt Nam có những chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua, thế nhưng, bài toán dung hòa lợi ích giữa các bên đang gặp khó.
Nhiều vướng mắc, tồn tại
Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời là có thật, đặc biệt với doanh nghiệp, nhằm đáp ứng tự chủ một phần nguồn năng lượng, cũng như cung ứng nguồn điện sạch phục vụ cho sản xuất xanh.
Ở chiều ngược lại về mặt quản lý vĩ mô, nhà nước cũng mong muốn người dân, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn trong bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, chính sách về phát triển điện mặt trời ở nước ta liên tục có những thay đổi, điều chỉnh vì cách hiểu và cách làm không đúng, dẫn tới các bên không có chung tiếng nói.
Dễ thấy nhất về mặt quản lý nhà nước thì thứ tự ưu tiên, mục đích tiết kiệm điện phải đặt lên hàng đầu. Nhưng quá trình triển khai cơ chế của Chính phủ, dường như tất cả chủ đầu tư lại đặt mục tiêu bán điện lên hàng đầu. Các yếu tố kỹ thuật, an toàn, lưới điện trung, hạ áp hay mạng phân phối bị phớt lờ.
Các nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn đang gặp khó khăn vì sản lượng không lớn, phụ thuộc vào thời tiết, độ ổn định, an toàn của hệ thống truyền tải... Các nhà máy, khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao, cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục thì vẫn sử dụng nguồn điện truyền thống là chính.
Điện mặt trời rất tốt nhưng rất tiếc việc đầu tư hệ thống lưu điện hiện đại, quy mô lớn là chưa khả thi vào giai đoạn hiện nay. Cùng với việc phát triển tăng thêm nguồn điện mặt trời nối lưới nhưng không có sự quản lý sẽ gây tác động lớn đến vận hành an toàn hệ thống, cơ cấu nguồn điện. Việc sử dụng các biện pháp kìm hãm trong ngắn hạn với điện mặt trời là giải pháp tình thế mà nhà nước áp dụng khi cần.
Hệ quả của tư duy kinh doanh đối nghịch với mong muốn an ninh năng lượng dẫn đến những vướng mắc, tồn tại và nhiều sai phạm.
Dung hòa lợi ích các bên
Để có thể tìm thấy tiếng nói chung về trách nhiệm và quyền lợi thì điện mặt trời ở Việt Nam cần học tập và áp dụng cách làm phù hợp. Phải căn cứ vào tình hình thực tế từng giai đoạn, kiểm soát phải mềm dẻo để bảo đảm an ninh năng lượng, môi trường, xã hội và quan trọng nhất là lợi ích chung của đất nước. Để giải tỏa những xung đột về lợi ích thì:
Thứ nhất, các bộ, ngành phải ngồi lại cùng nhau để hoàn thiện cho được hệ thống văn bản, các quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện điện mặt trời theo sát nhu cầu thực tế. Những tồn tại bất cập trong việc phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng cần cả nhà đầu tư hỗ trợ một tay hướng xử lý, bổ sung, khắc phục, trong đó có vấn đề liên quan hồ sơ, thủ tục về kỹ thuật, an toàn…
Thứ hai, nhà nước ưu tiên phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu trong đó hỗ trợ về vay vốn, phương tiện, kỹ thuật và có hướng dẫn cụ thể. Bởi vì từ mái nhà của các hộ gia đình đến mái nhà của các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn… đều có thể lắp đặt điện mặt trời, không tận dụng là lãng phí.
Thứ ba, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là câu chuyện truyền tải khiến xung đột lợi ích chưa được gỡ. Vậy nên cần có cơ chế, chính sách có lợi cho các bên, ví dụ như bù trừ điện năng (net-metering) hoặc quy định tỉ lệ điện tự sản, tự tiêu tại chỗ phù hợp theo hướng tự phục vụ là chính, phần điện năng dư ra được phép phát lên lưới với giá bán phù hợp (có thể tính theo tỉ lệ % so với giá bán lẻ điện, tùy khu vực). Mục tiêu lớn nhất của các bên là phải bảo đảm an toàn lưới điện và ổn định của hệ thống điện, chứ không phải là chuyện kinh tế đơn thuần.
Việc nhà nước mua với mức giá lớn hơn 0 đồng để hỗ trợ nhà đầu tư có thêm một phần chi phí bảo trì, rửa tấm quang năng chứ không phải để sinh lời. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể mua phần sản lượng mà doanh nghiệp không dùng hết theo sự điều tiết của cơ quan điện lực, với mức giá thỏa thuận từng thời kỳ. Điều này vừa bảo đảm sự điều tiết hệ thống vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Thứ tư, có những quy định, cơ chế được luật hóa chuẩn chỉnh càng sớm càng tốt để nhà đầu tư có nhu cầu mua bán điện mặt trời trực tiếp, tránh lãng phí. Các chính sách cần tận dụng và tối ưu hóa nguồn điện này bởi nhu cầu điện luôn có xu hướng tăng mạnh trong tương lai. Dĩ nhiên vì yêu cầu sự ổn định, tính an toàn và bảo đảm an ninh chung nhất thì phải giới hạn công suất và đối tượng áp dụng.
Điện mặt trời cần đẩy mạnh quản lý theo vùng, khu vực, khu đô thị để bảo đảm sự vận hành ổn định. Đây là cách làm mà những quốc gia mạnh về điện mặt trời đang áp dụng hiệu quả, chúng ta cần tiếp nhận và vận dụng phù hợp.
( nguồn : Người Lao Động )