Bài học từ chính sách điện mặt trời của California
Những thay đổi trong chính sách của California có tác động ngay lên mức độ phát triển điện mặt trời ở tiểu bang này của nước Mỹ.
Trước đây, California cũng như nhiều tiểu bang khác khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, nên đã quy định điện hộ gia đình sản xuất ra xài không hết và đưa lên mạng lưới điện chung thì sẽ được cấp tín dụng tương đương với giá điện bán lẻ. Cần lưu ý là họ không trả tiền cho hộ gia đình có điện dư thừa mà chỉ cấp tín dụng; tín dụng này có thể được dùng để thanh toán tiền điện. Các công ty điện lực không thích chính sách ưu đãi này vì cho rằng giá bán điện như thế là quá cao; họ có thể mua điện giá sỉ thấp hơn nhiều, sau đó bán lẻ mới có lời.
Nhìn chung ở Mỹ điện tái tạo được phát triển mạnh trong những năm gần đây, cung cấp đến một phần năm tổng lượng điện tiêu thụ ở nước này. Tỷ lệ này cao hơn ở California, điện tái tạo chiếm đến một phần ba. Quá trình phát triển này được đánh dấu bởi các xung đột giữa giới quản lý, công ty điện lực và người tiêu dùng. Ai cũng muốn có miếng bánh tài chính lớn nhất từ điện tái tạo.
Cuối cùng California, dưới nhiều áp lực, vừa mới thay đổi chính sách vào năm ngoái: bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4-2024, điện mặt trời áp mái dư thừa bán cho lưới điện sẽ hưởng mức tín dụng giảm đến 75% so với mức cũ. Kể từ sau khi chính sách mới được công bố, doanh số lắp đặt hệ thống điện áp mái ở California đã giảm đến 85% vào những tháng cuối năm 2023 so với cùng kỳ năm trước đó. Dự báo tính chung cả năm 2024, số lượng dự án điện áp mái sẽ giảm chừng 40% và mức giảm còn kéo dài đến năm 2028.
Nhiều công ty chuyên lắp đặt hệ thống điện mặt trời đã quyết định dời đi tiểu bang khác. Theo tường thuật của tờ New York Times, Công ty lắp đặt điện mái nhà Construct Sun có trụ sở ở bang Nevada đã ngưng các hoạt động ở California sau khi doanh thu giảm sút mạnh. Nay họ tập trung vào các dự án ở Florida, North Carolina và Ohio.
California vẫn là tiểu bang muốn đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo; các quan chức bang này khẳng định chính sách mới không phải là sự quay ngoắt 180 độ đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Họ lập luận chính sách cũ, vẫn còn áp dụng cho các dự án ra đời trước tháng 4-2024, là trợ cấp quá mức, làm lợi cho người giàu và bất lợi cho người nghèo. Họ cho rằng trợ cấp giá mua điện cao sẽ khuyến khích nhà giàu đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái để hưởng lợi, trong khi người nghèo không có tiền lắp điện áp mái sẽ tiếp tục chi trả tiền điện, tức gánh chịu chi phí duy trì hệ thống điện của tiểu bang. Nói cách khác, từ năm 2006 đến nay California đã bỏ ra nhiều tỉ đô la trợ cấp cho điện mặt trời, nhưng đa số rơi vào túi người giàu nên không công bằng.
Một yếu tố nữa là chính sách cũ không khuyến khích người dân đầu tư vào các phương tiện lưu trữ điện để điều hòa nguồn điện lúc thừa sang lúc thiếu. Chính sách mới giảm mức mua lại điện thừa, nhưng tăng mức khuyến khích đầu tư lắp đặt pin lưu trữ điện. Kể từ khi ban hành chính sách mới, tỷ lệ người tiêu dùng mua pin mặt trời kèm pin dự trữ tăng lên 50% so với trước đây chỉ là 5%. Hệ thống điện áp mái có pin dự trữ thường đắt hơn; nếu không tính trợ cấp liên bang, một hệ thống có pin dự trữ bình quân tốn 33.700 đô la so với hệ thống không pin dự trữ chỉ tốn 22.700 đô la. Hiện nay với chính sách mới, thời gian hoàn vốn hệ thống điện mặt trời áp mái tăng từ năm năm lên đến tám năm.
Chính sách cấp tín dụng cho hộ gia đình có điện mặt trời dư thừa bán lại cho lưới điện có từ thời diễn viên điện ảnh Arnold Schwarzenegger làm Thống đốc bang. Mục tiêu đặt ra cho chính sách này là 1 triệu mái nhà có điện mặt trời để giảm lượng tiêu thụ điện truyền thống, góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đã đạt được vào năm 2019 và nay California có 1,8 triệu mái nhà có pin mặt trời.
Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, California thay đổi chính sách là vội vàng vì chưa tính đến giá trị môi trường của điện áp mái. Cắt giảm mức khuyến khích tức sẽ cắt giảm nỗ lực bảo vệ môi trường. Năm ngoái, tính trên toàn nước Mỹ, điện áp mái tăng trưởng 13% nhưng năm nay ước tính sẽ giảm 11,5%. Còn riêng ở California, điện áp mái năm ngoái tăng đến 20% so với năm 2022, có lẽ vì nhiều nhà chạy đua với thời điểm chính sách mới có hiệu lực.
Nhiều người khác cho rằng, nếu California tăng giá điện như dự tính, các dự án điện mặt trời lại sẽ trở nên hấp dẫn. Khách hàng Công ty điện PG&E sẽ phải trả 45 xu cho mỗi kWh, tăng từ mức 35 xu. Như vậy nếu tiêu thụ chừng 571 kWh, tiền điện sẽ vào khoảng 250 đô la/tháng, mức tiêu thụ điện bình quân ở California. Giá điện bình quân toàn nước Mỹ là 16,2 xu vào cuối năm 2023.
( nguồn : The Saigon Times )