Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / 'Từ nay chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có giảm'

'Từ nay chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có giảm'


Thông tin liên quan giá điện được Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đưa ra tại họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Công Thương chiều 19-6.


Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - Ảnh: C.DŨNG

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - Ảnh: C.DŨNG

Trước câu hỏi về việc kiểm tra giá thành điện năm 2023 và phương án giá điện, ông Nguyễn Thế Hữu - phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác và đoàn đang trong quá trình làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các bên liên quan để xem xét, đánh giá các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện thời điểm hiện tại, từ đó làm cơ sở xem xét có tăng hay giảm giá điện trong thời gian tới.

Đang kiểm tra giá điện, chưa có kết quả

"Hiện tại Bộ Công Thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của EVN để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh giá điện năm 2024", ông Hữu nói, và thêm rằng đến thời điểm này, việc kiểm tra chưa có kết quả. Do đó, việc tăng giá điện bao nhiêu, vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc kết quả kiểm tra này.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trước đây cơ sở chính sách để xem xét điều chỉnh giá điện là quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên mới đây Thủ tướng đã ban hành quyết định số 05 với nhiều nội dung thay đổi. 

"Bây giờ chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm", ông Tân nói và cho hay với quyết định mới, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải "giảm ngay". 

Đối với việc tăng giá, theo quyết định 05, nếu các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hay cao hơn nữa sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, nhưng chu kỳ để xem xét phải là 3 tháng một lần.


Do đó, ông khẳng định khi chi phí đầu vào, giá thành điện giảm thì Bộ Công Thương sẽ giám sát, xem xét yêu cầu EVN phải giảm ngay. Với trường hợp tăng sẽ báo cáo để xem xét trong thẩm quyền của EVN hoặc của Bộ Công Thương hoặc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

"Đồng thời cũng phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của việc tăng giá này", ông Tân cho hay.

Cũng liên quan tới việc đảm bảo cung ứng điện, ông Tân nói trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi thì việc cung ứng điện là sức ép lớn. Vì vậy, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thường trực Chính phủ, từ quý 1, đầu quý 2-2024 bộ đã chuẩn bị đảm bảo cung ứng điện. 

Lập tổ phản ứng nhanh ứng phó thiếu điện

Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Công Thương đã tính toán, rà soát, về cơ bản năm nay không thiếu điện. Để đảm bảo việc này, bộ đã tổ chức đoàn giám sát, kiểm tra nguồn nguyên liệu như nước, than, khí; kiểm tra quá trình vận hành, rút kinh nghiệm để điều hành. 

"Cùng đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề nghị ngay trong Cục Điều tiết điện lực lập tổ phản ứng nhanh, khi có vấn đề thì phải lập tức giải quyết ngay việc cung ứng điện", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Thông tin thêm, ông Bùi Quốc Hùng - phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết để đảm bảo điện cho phát triển nói chung, ngành công nghiệp nói riêng, để triển khai thực hiện, năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch điện 8…

Ông Hùng nói, theo dự báo trong tổng sơ đồ cung cấp điện, nhu cầu điện năm nay tăng từ 8 - 9%, tuy vậy hiện nay đã tăng tới 12%, tới đây phụ tải điện tăng rất nhanh. Vì vậy, sau khi có quy hoạch 8, bộ đã trình Thủ tướng ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt. 

Đến nay, bộ đang tiếp tục triển khai những danh mục dự án cần thiết để ban hành kế hoạch tiếp theo, giải pháp cơ chế triển khai dự án. Trong đó các nhà máy điện khí LNG đã có khung giá, tới đây sẽ có cơ chế tháo gỡ triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành.


                                                                                                    ( nguồn : Báo Tuổi trẻ )



'Từ nay chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có giảm'