Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / 'Bán có điều kiện' điện mặt trời dư thừa thế nào?

'Bán có điều kiện' điện mặt trời dư thừa thế nào?


Chính phủ mới đây có ý kiến về chính sách điện mặt trời tự sản, tự tiêu nên nghiên cứu theo hướng sản lượng không dùng hết thì khuyến khích bán nhưng có điều kiện… Đây cũng là "lối mở" cho cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.



Phương án khả thi

Theo Chính phủ, xây dựng cơ chế về điện mặt trời cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh, góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt, với chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu, Thường trực Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu". "Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…", Thường trực Chính phủ chỉ đạo.

Khuyến khích cho bán điện mặt trời thừa lên lưới có điều kiện kèm theo

Khuyến khích cho bán điện mặt trời thừa lên lưới có điều kiện kèm theo

Ng.Nga

Trước đó, quy định nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu, nếu dư thừa phát lên lưới chỉ được ghi nhận với giá 0 đồng trong dự thảo nghị định về vấn đề này gặp phản ứng của cả người dân, DN và các chuyên gia trong ngành. Thế nên "khuyến khích bán có điều kiện" là một lối mở được nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, ủng hộ chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu nhưng xem xét "có trả tiền" cho công suất dư thừa của nhà đầu tư với mức giá hợp lý. "Theo tôi hiểu, "điều kiện" kèm theo việc khuyến khích bán điện mặt trời dư thừa ở đây là một số quy định cần ràng buộc khi bán điện lên lưới. Chẳng hạn, điện bán lên lưới không được vượt quá bao nhiêu phần trăm sản lượng điện tạo ra, hoặc lượng điện có thể bán lên lưới vào khung giờ nào... Mục đích vừa có yếu tố ràng buộc để không tạo cơ hội cho những người lợi dụng chính sách để đầu tư bán 100% lên lưới như trước đây. Bên cạnh đó, chính sách đạt được yếu tố khuyến khích đầu tư phát triển ĐMTMN tự dùng, có lưu trữ bán để cân bằng và ổn định lưới điện và có thể bán", ông Việt nói và cho rằng các giải pháp gợi mở của Thường trực Chính phủ rất khả thi và nếu cơ quan soạn thảo tiếp thu, sau khi nghị định được ban hành, có thể sẽ triển khai sớm.

Đây là chính sách hoàn toàn hợp lý trong thời điểm này. Vừa hạn chế những rủi ro xảy ra như trong Quy hoạch điện 7, vừa khuyến khích được người dân sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng sạch, giúp cho nguồn điện, lưới điện trên cả nước được ổn định hơn và cải thiện ngày một tốt hơn.

Cần nghiên cứu cho bán giá theo khung giờ, vùng miền…

Ủng hộ chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, TS Ngô Đức Lâm cho rằng đây là gợi ý rất hay, cần có sự nghiên cứu, tính toán nghiêm túc và khoa học. Nếu không, chúng ta lại xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN nhưng bỏ qua cơ hội khuyến khích. Theo đó, nghiên cứu sẽ bắt đầu từ tính toán giá bán nguồn điện thừa cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nên được quy định thế nào. Phát vào hệ thống lưới, có lúc lưới cần, giá bao nhiêu. Khi lưới không cần, ép vào lưới, giá thế nào… 

Các nước đều tính toán theo nguyên tắc này, nghĩa là ghi nhận sản lượng , sau khi trừ các chi phí vận hành, có thể trả giá âm, giá dương hoặc hòa, tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, tùy theo giờ phát lên lưới. Thứ 2, giá năng lượng tái tạo phải theo vùng. Chẳng hạn, miền Bắc đầu tư ĐMTMN có chi phí cao hơn khu vực miền Nam, giá mua phải cao hơn. Thứ 3, về lưới truyền tải, không thể nói quá tải cả hệ thống. 

Thực tế có nơi quá tải thực sự, nhưng có nơi chưa chắc. Ví dụ vùng sâu, vùng xa, hải đảo… xét về tổng thể có thể lưới chưa quá tải, nên tính toán kỹ vấn đề này. Khi bàn về cơ chế phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu, chúng ta dường như chưa chú ý vấn đề này. Thứ 4, Quy hoạch điện 8 quy định ĐMTMN tự sản tự tiêu là 2.600 MW, được phân bổ về các địa phương thế nào. Miền Nam đủ điện rồi, có thể phân về các miền, vùng khác được không, đặc biệt nghiên cứu về những nơi cơ hội phát triển và tiêu thụ ĐMTMN được phát huy hiệu quả tối ưu.

TS Ngô Đức Lâm cũng lo ngại việc nghiên cứu sẽ chậm trễ vì dự kiến nghị định sẽ được ban hành trong tháng 5 này. Nếu không rà soát kỹ và nhanh theo hướng mới, sẽ mất cơ hội khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. "Đề xuất của Thường trực Chính phủ rất khoa học, hợp lý. Quan trọng là các nhà chuyên môn, quy hoạch... tính toán lại một cách chi tiết hơn", ông nêu quan điểm và lưu ý việc đưa ra ý kiến kiểu "một đám mây bay qua có thể bị sập nguồn" và cho rằng ĐMTMN thiếu tính ổn định cũng chưa đúng. 

Làm quy hoạch là đã tính toán hết mọi sự cố, kể cả sự cố xấu nhất vì thiên tai. Nếu nói đầu tư điện mặt trời mà cứ thấp thỏm lo một đám mây đi qua hay trận mưa đá là sập nguồn hệ thống thì không ai dám đầu tư. Bên cạnh đó, cảnh báo về nguồn điện tái tạo phát triển ồ ạt, khiến lưới quá tải (đây là lý do khiến đề xuất ghi nhận điện thừa phát lên lưới 0 đồng - PV) và tỷ lệ đưa ra là 28% cũng cần xem lại. Con số này là về công suất hay về sản lượng? 28% là về công suất, thì sản lượng chỉ tương đương hơn 10% và lưới. Thế nên, việc tính toán, đánh giá cần lưu ý điều này để có sự dự báo, phòng ngừa phù hợp.

Bổ sung, TS Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng - Hội đồng tư vấn khoa học Tạp chí Năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN - nói các "điều kiện đính kèm" cho việc bán điện thừa lên lưới có thể là ghi nhận và giá theo vùng miền, theo giờ. Chẳng hạn, do cường độ bức xạ miền Bắc thấp hơn khu vực miền Trung và miền Nam nên cùng đầu tư lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cùng công suất, nhưng điện năng thu nhận được ở khu vực phía bắc chỉ đạt khoảng 67,5% so với phía nam. 

Còn sử dụng pin lưu trữ, chi phí bình quân hiện tại phải đầu tư khoảng 4 triệu đồng/kWh với hệ số lưu trữ là 50%. Nếu muốn lưu trữ nhiều hơn, đương nhiên giá thành đắt hơn. Tuổi thọ của pin trung bình từ 3 - 5 năm. Riêng loại đắt hơn, tuổi thọ có thể đạt từ 5 - 15 năm, chưa kể nếu tính suy hao pin hằng năm, tăng giá điện, rủi ro tuổi thọ lithium lưu trữ… Như vậy, giá mua ĐMTMN ở khu vực miền Bắc nghiên cứu có thể cao hơn giá khu vực miền Nam và Trung vì chi phí đầu tư cao hơn, cường độ bức xạ thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại cao.


Ngoài ra, ông Hoạch đề xuất Bộ Công thương nên nghiên cứu và cho phép phần ĐMTMN dư thừa phát lên lưới được hưởng theo cơ chế bù trừ (net-metering), trừ khoảng thời gian 2 giờ của vùng thấp điểm buổi trưa không được hưởng cơ chế này - nghĩa là bán với giá 0 đồng. Thời gian chính xác căn cứ thống kê biểu đồ thấp điểm trưa của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Cơ chế bù trừ cần được tính toán đảm bảo hiệu quả cho EVN không bị lỗ. Ưu tiên khu vực miền Bắc được hưởng giá bán điện cao hơn miền Nam và Trung, vì cường độ bức xạ mặt trời trung bình khu vực này thấp hơn, nhưng nhu cầu sử dụng điện lại cao hơn các khu vực còn lại.

Nếu Bộ Công thương vẫn giữ quan điểm ĐMTMN phát lên lưới sẽ được bán với giá 0 đồng thì mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu khó trở thành hiện thực. Trừ khi trong vòng 6 năm tới giá sản xuất tấm quang năng và pin lưu trữ giảm đến 50%, hoặc nhiều hơn so với giá hiện tại.

TS Nguyễn Huy Hoạch

                                                                                   ( nguồn : Báo Thanh niên )