Ưu tiên đầu tư hạ tầng lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển ở Vĩnh Linh
Hạ tầng lưới điện ở huyện Vĩnh Linh sẽ được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: N.T
Hiện địa phương tiếp tục có những định hướng về hệ thống cấp điện đến năm 2030, 2040. Trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đến cuối năm 2010, huyện Vĩnh Linh có 232 km đường dây trung thế 10 kV, 22 kV, 35 kV; 300,7 km đường dây hạ thế và 196 trạm biến áp với công suất 30.164 KVA. Tổng số 26.276 hộ sử dụng điện, sản lượng điện hằng năm 41.050.204 kWh.
Tuy nhiên do lưới điện được tiếp nhận từ các địa phương nên đã xuống cấp, hư hỏng. Nhiều tuyến đường dây 22 kV, 35 kV chạy len lỏi trong khu vực đông dân cư, vườn cây công nghiệp, độ an toàn cấp điện không cao, khó khăn trong vấn đề quản lý, vận hành. Mặt khác, các xuất tuyến trên địa bàn huyện được nhận điện từ trạm biến áp 110 kV vận hành theo hình tia, không khép vòng, ảnh hưởng đến vấn đề cung cấp điện và liên lạc, khép vòng với nhau...
Trước thực tế trên, huyện đã đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện theo quy hoạch. Tranh thủ các nguồn lực, cùng với ngành điện lực kịp thời triển khai những dự án, công trình điện. Giám đốc Điện lực Vĩnh Linh Phan Thành Vinh cho biết: “Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều tuyến đường dây; trên 30 trạm biến áp phân phối; hơn 100 km đường dây trung thế, trên 300 km đường dây hạ thế hệ thống đường điện... với tổng kinh phí trên 500 tỉ đồng”.
Đến nay, hệ thống lưới điện tại huyện Vĩnh Linh được phân phối đáp ứng cơ bản yêu cầu kỹ thuật; kết nối truyền dẫn liên xã, thôn với tổng số 360,6 km đường dây trung thế và 752,3 km đường dây hạ thế; 360 trạm biến áp, dung lượng 102,3 MVA. Toàn bộ được cấp điện qua 6 xuất tuyến, nhận điện từ trạm biến áp 110 kV Vĩnh Linh (E82) và kết nối với huyện Gio Linh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Các xuất tuyến kết nối khép vòng đảm bảo việc liên lạc với nhau nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Lưới điện phân phối liên xã, hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã, đáp ứng thông số kỹ thuật quy định, phù hợp quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, cấp điện an toàn đạt tiêu chuẩn. Toàn huyện hiện có tổng số 34.104 hộ, cơ sở sử dụng điện với sản lượng điện hằng năm đạt 112,97 triệu kWh.
100% hộ dân được nhận điện từ lưới điện quốc gia. Trong cơ cấu tiêu thụ điện, điện dùng cho lĩnh vực quản lý và tiêu dùng dân cư chiếm khoảng 51% tổng sản lượng điện thương phẩm; điện dùng cho công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 41%; điện tiêu thụ cho các ngành khác chiếm khoảng 8%.
Theo dự kiến tại huyện Vĩnh Linh, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, công cộng, dịch vụ và công nghiệp đến năm 2030 có công suất 119.192 kW; đến năm 2040 công suất 200.369 kW. Định hướng đến năm 2030 sẽ nâng cấp trạm 110 kV biến áp Vĩnh Linh lên (40+40) MVA. Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Tây Bắc Khu công nghiệp Hồ Xá, công suất 40 MVA; trạm biến áp 110 kV phục vụ các cụm công nghiệp phía Tây huyện, công suất 1x25 MVA.
Giai đoạn đến năm 2040, xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Vĩnh Linh công suất 1x125 MVA phục vụ cấp điện liên vùng huyện theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; trạm biến áp 110 kV phục vụ các cụm công nghiệp phía Tây huyện, công suất 1x40 MVA...
Ông Phan Thành Vinh cho biết thêm: “Về hệ thống lưới điện 500 kV, 220 kV, cao áp 110 kV hiện có, theo định hướng sẽ giữ nguyên vị trí cột và hướng tuyến theo hiện trạng, chỉ cải tạo nâng cấp tiết diện dây theo định hướng của cơ quan quản lý ngành điện.
Xây dựng lưới điện 110 kV mới từ trạm 220 kV Vĩnh Linh tới đường dây 110 kV Đồng Hới - Đông Hà hiện có theo hướng Đông - Tây, chiều dài khoảng 12 km; tuyến 110 kV từ đường dây 110 kV Đồng Hới - Đông Hà cấp cho huyện đảo Cồn Cỏ.
Bên cạnh đó, đề xuất cải tạo, xây dựng mới các tuyến 22 kV sau trạm 110 kV Vĩnh Linh; đặc biệt xuất tuyến 476 hiện có, tiếp tục cấp điện cho phụ tải thị trấn Bến Quan và các xã Vĩnh Long, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô...”.
Với định hướng phát triển hạ tầng lưới điện phù hợp, theo quy hoạch, Vĩnh Linh nỗ lực để hệ thống lưới điện luôn vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
( nguồn : Báo Quảng Trị )