Tương lai của năng lượng tái tạo khi giá điện ở các nước tăng cao
Theo dữ liệu từ dự án OpenNEM - nền tảng theo dõi nguồn cung điện của Australia, các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2023 đã đáp ứng gần 40% nhu cầu điện trên toàn quốc, đưa quốc gia châu Đại Dương này tiến gần hơn đến nửa chặng đường đạt mục tiêu 82% năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Dữ liệu từ OpenNEM cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện Mặt Trời quy mô lớn và nhỏ, kết hợp với điện gió, đang ngày càng đóng góp nhiều hơn đối với nhu cầu tiêu thụ điện của người dân Australia kể từ tháng 1/2023 – 1/2024, với tỷ lệ trung bình là 38,4% trong hệ thống lưới điện quốc gia.
Tỷ lệ trên của năm 2023 đã tăng cao hơn so với mức trung bình trên 35% của một năm trước đó, trong đó tỷ lệ năng lượng Mặt Trời áp mái đã tăng lên mức trung bình hàng năm là 11,7%, hệ thống năng lượng Mặt Trời quy mô lớn tăng lên 6,6% và điện gió tăng lên 13,2%.
Theo OpenNEM, các nguồn năng lượng tái tạo được ghi nhận đạt công suất tổng thể cao nhất trên toàn quốc trong năm 2023 là vào giữa mùa Xuân (tháng 10/2023), với tỷ lệ chiếm 46% công suất lưới điện quốc gia.
Bang Victoria, Nam Australia và Tây Australia là các bang đi đầu về tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo, trong đó có thời điểm năng lượng Mặt Trời trên mái nhà đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của Nam Australia và 2/3 của bang Victoria vào cuối năm 2023.
Theo SunWiz - công ty tư vấn năng lượng Mặt Trời của Australia, tốc độ lắp đặt điện Mặt Trời áp mái đạt công suất kỷ lục 921MW trong quý IV/2023 đã nâng tổng công suất lắp đặt mới trong năm 2023 lên khoảng 3,17GW, gần sát mức kỷ lục 3,23GW của năm 2021 về số lượng các tấm pin Mặt Trời được lắp tại các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Australia trong một năm.
Ông Warwick Johnston, Giám đốc điều hành của SunWiz, cho biết ngành điện Mặt Trời áp mái đã sẵn sàng cho một “khởi đầu mạnh mẽ” vào năm 2024 khi người tiêu dùng đang tìm cách ứng phó trước giá điện có thể tăng cao trong năm nay.
( nguồn : BNews )