Trắng đêm xử lý sự cố bão số 3
Công nhân Hoàng Xuân Diệu - Đội TTĐ Chí Linh cho biết, đường mưa trơn trượt, leo núi phải mất gần một tiếng đồng hồ mới lên vị trí sửa chữa. Ccông nhân Vũ Mạnh Cường – TTĐ Uông Bí cho biết, đường vào vị trí sửa chữa là khó khăn nhất, vật tư vật liệu thì khó vận chuyển lên. "Hiện tại đang rất khó vận chuyển, chúng tôi đang tìm đủ mọi cách để vận chuyển vật tư lên trên này để thi công. Đội Truyền tải điện Uông Bí có 14 cán bộ công nhân viên và cả lãnh đạo Đội trực xuyên bão".
Gần cuối chiều 10/9, cơn mưa vẫn còn nặng hạt, nhưng những công nhân quản lý, vận hành đường dây của Công ty Truyền tải Điện 1 đến từ các Đội Truyền tải điện Chí Linh, Truyền tải Điện Uông Bí vẫn đang miệt mài công việc. Họ đang trao đổi với nhau về việc đưa đường điện lên vị trí cột số 15-16 của tuyến đường dây 220kV 2 mạch từ Nhà máy nhiệt điện Uông Bí đi Tràng Bạch. Công nhân Vũ Mạnh Cường - TTĐ Uông Bí cho biết, do đường lên các vị trí này quá khó khăn nên phải thuê máy xúc mở đường tạm để vận chuyển thiết bị lên.
Cách các vị trí này khoảng vài trăm mét là một đội công nhân từ Truyền tải điện Nghệ An ra hỗ trợ nhằm nhanh chóng khắc phục các sự cố trên lưới truyền tải. Đã được lên phương án tăng cường từ trước khi bão số 3 đổ bộ, nên các anh đã có mặt tại Quảng Ninh ngay khi bão vào nên đã tham gia, hoàn thành công tác xử lý sự cố tại Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh, rồi xử lý sự cố của vị trí trên cột cao của đường dây 500 kV Quảng Ninh - Nhiệt điện Thăng Long, và bây giờ lại tiếp tục đến các vị trí trên lưới 220kV này.
Anh Trương Sỹ Lâm (Đội Truyền tải Điện TP Vinh) vừa hoàn thành nhiệm vụ tư vấn giám sát gói thầu số 37 của tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, thuộc cung đoạn khó nhất của tuyến đường dây 500kV mạch 3 cấp điện miền Bắc và anh Hồ Đức Nam - nhân viên quản lý vận hành TBA 220kV Nam Cấm cũng vừa hoàn thành công tác tăng cường xây dựng TBA 500kV Thanh Hoá - một dự án thành phần quan trọng của Dự án đường dây 500kV mạch 3 chia sẻ về những ngày không ngủ “vượt bão, thắng mưa” để xử lý sự cố lưới truyền tải điện sau bão.
Trương Sỹ Lâm – TTĐ Vinh cho biết, vị trí đang làm là đồi núi rất cao. Hôm đó là bão vừa tan, hoàn lưu bão có mưa lớn, được sự phân công của lãnh đạo đơn vị, các công nhân TTĐ Vinh đã ra tăng cường cho đội bạn để xử lý kịp thời. "Chúng tôi đưa vật tư, vật liệu lên đến tuyến, gánh cả máy phát, cả đèn chiếu sáng lên để chuẩn bị cho công tác xử lý ngay trong đêm. Chúng tôi cũng rất cố gắng, làm đến lúc 3 giờ sáng thì hoàn thành công việc".
Anh Hồ Đức Nam - TBA 220kV Nam Cấm, TTĐ Nghệ An cho biết, "chiều ngày 07/9 đúng hôm bão, được lệnh của Ban Giám đốc Công ty Truyền tải điện Nghệ An, chúng tôi chuẩn bị lên đường đi vào tâm bão. Đến rạng sáng ngày mùng 8/9 thì đến Quảng Ninh. Nhìn sự tàn phá của cơn bão chúng tôi rất xót, vì tất cả các hệ thống điện của Quảng Ninh đã đi vào tê liệt. Với tinh thần khắc phục sự cố nhanh nhất có thể để đóng điện lại các mạch điện quan trọng cho cơ quan, với tinh thần “xuyên ngày, xuyên đêm”để đưa được điện vào càng sớm càng tốt".
Tính đến ngày 11/9, toàn bộ các TBA 220kV và 500kV bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đã được xử lý xong, chỉ còn 3 (trong tổng số 44) cung đoạn đường dây 220kV bị sự cố là đang được gấp rút hoàn thành để kịp thời kết nối, giải toả công suất của các NMĐ Sơn Động và Uông Bí cũng như cấp điện cho các phụ tải công nghiệp quan trọng trên địa bàn.
Ông Phạm Minh Khôi - Phó giám đốc TTĐ Đông Bắc 1 cho biết thực tế việc xử lý sự cố tại 6 vị trí cột với hơn 3km đường dây tuyến đường dây 220kV Uông Bí - Yên Hưng nhằm nhanh chóng cấp điện cho Khu công nghiệp Yên Hưng (Quảng Yên), Khu công nghiệp Amata và một số khu công nghiệp của nước ngoài.
Sau bão thì có rất nhiều điểm cần khắc phục. Ngoài lực lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật của đơn vị thì được sự hỗ trợ của 4 đơn vị, mỗi đơn vị bình quân từ 12-15 người về hỗ trợ, tập trung toàn bộ cho việc khắc phục sự cố trong khoảng cột từ 14 đến 20 này. Trên công trường này đang duy trì khoảng 100 người trong đó có cả số lượng đơn vị cũng như của đơn vị hỗ trợ. Dự kiến chúng tôi sẽ phải thi công liên tục trong vòng 10 ngày, thì xác định là phải làm cả ban đêm. Các đơn vị về hỗ trợ thì cũng hỗ trợ chúng tôi về nhân lực thì đương nhiên rồi, nhưng còn các dụng cụ khác thì các đơn vị cũng đang trên đường chở đến công trường để thực hiện một cách nhanh nhất.
Lưới truyền tải điện 220-500kV khu vực Đông Bắc được kết nối với rất nhiều nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh, như: Nhiệt điện Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, Mạo Khê, Uông Bí… Việc hoàn thành sớm các sự cố, sẵn sàng giải toả công suất của các nhà máy nhiệt điện góp phần quan trọng đảm bảo an toàn, an ninh cung cấp điện cho hệ thống. Kết quả đó có được là nhờ có sự tham gia hỗ trợ, giúp sức của hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân của các Đội truyền tải điện trong ngành. Ông Hoàng Xuân Khôi - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 ghi nhận và đánh giá cao tinh thần của người lao động xuyên suốt trong cả quá trình xử lý sự cố lưới điện do bão số 3 gây ra.
"Cán bộ công nhân viên của Công ty Truyền tải điện 1 làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “sớm, trưa, chiều, tối thì đều phải làm việc”, gần như 100% cán bộ, công nhân của Công ty Truyền tải điện 1 túc trực cả đêm, làm việc ca/kíp để xử lý các sự cố hoàn thành nhanh nhất. Đến thời điểm này, cơ bản tất cả các đường dây đều sẵn sàng cho các nhà máy đóng điện tốt, gần như tất cả các đường dây đã được vận hành trở lại an toàn".
( nguồn : Trang tin Ngành Điện )