Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Tiềm năng lớn nhưng điện gió ngoài khơi Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ

Tiềm năng lớn nhưng điện gió ngoài khơi Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ


Việt Nam đặt mục tiêu công suất loại nguồn điện này đến năm 2030 đạt 6.000 MW, đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư.


Tiềm năng lớn nhưng điện gió ngoài khơi Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ - Ảnh 1.

Công nhân đang bảo trì các tua bin điện gió ở độ cao gần 100m so với mực nước biển tại dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện 8. Ngoài việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng thì phát triển điện gió ngoài khơi còn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển.

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển khoảng 6.000 MW điện gió ngoài khơi và đã định hướng phát triển, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có điều kiện (chủ yếu là điện gió ngoài khơi).

Ngoài ra, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đạt 70.000 MW đến 91.000 MW điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay Việt Nam hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện. 

Đồng thời, trong Quy hoạch điện 8 được duyệt và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 7 cũng chưa đủ cơ sở xác định được cụ thể vị trí, công suất các dự án điện gió ngoài khơi.

"Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc, hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển", Bộ Công Thương nhận định.


Theo bộ này, nhiều chuyên gia nhận định suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5 tỉ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8 đạt 6.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, Bộ Công Thương đã báo cáo trình Chính phủ về đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi và phân tích ba phương án chọn nhà đầu tư làm điện gió ngoài khơi, ưu tiên các tập đoàn kinh tế nhà nước làm thí điểm trong giai đoạn đầu.

Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên các vùng biển từ Bắc vào Nam. 

Thậm chí, Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) cũng đã phê duyệt có điều kiện cho Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) - một công ty con thuộc Sembcorp Industries Ltd, để nhập khẩu 1,2 GW điện carbon thấp từ Việt Nam sang Singapore. 

Nguồn điện nhập khẩu sẽ khai thác từ năng lượng gió ngoài khơi và các hình thức phát điện tiềm năng khác thông qua việc hợp tác với Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC).

WB đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.

Như nhóm phân tích của WB, Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo, nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch.

Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, đưa Việt Nam trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của khu vực.

Một số nhà đầu tư nước ngoài rút lui

Orsted - tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới - đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Vào cuối tháng 8 vừa rồi, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) cũng xác nhận hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Đồng thời doanh nghiệp này cũng đóng cửa văn phòng đại diện tại Hà Nội.


                                                                                     ( nguồn : Báo Tuổi trẻ )





Tiềm năng lớn nhưng điện gió ngoài khơi Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ