Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Thị trường “điện xanh” châu Âu tăng trưởng tích cực

Thị trường “điện xanh” châu Âu tăng trưởng tích cực


Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Những dữ liệu mới được công bố cho thấy tỷ lệ “điện xanh” đang đạt mức cao, tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch giảm mạnh.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời ở Munich, Đức
Hệ thống pin năng lượng mặt trời ở Munich, Đức

Giảm phụ thuộc

Một năm trước, EU chi khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày để trả các hóa đơn về khí đốt, dầu mỏ và than đá nhập khẩu từ Nga. Hiện EU chỉ còn phải trả một phần nhỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, châu Âu đang giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và “quá trình này diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với chúng tôi dự đoán”.

Theo tổ chức tư vấn Ember Climate của Anh, các dự án điện mặt trời, điện gió và sản xuất pin lưu trữ điện được triển khai nhanh chóng, giúp tăng công suất năng lượng sạch và thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch. Sản lượng điện mặt trời tăng 13% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022, trong khi năng lượng gió tăng đạt 4,8%. Năng lượng tái tạo ở Đan Mạch và Bồ Đào Nha chiếm hơn 75% tổng nguồn điện.

Ở Hy Lạp và Romania, nguồn năng lượng tái tạo vượt quá 50% nguồn cung. Lần đầu tiên trong tháng 5-2023, sản lượng than đã giảm 23%, chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng điện của EU. Ở các nước như Bồ Đào Nha, Áo, Bulgaria, Estonia và Phần Lan, mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2022, khoảng 30%.

Từ năm ngoái, EU liên tục đưa ra các mục tiêu chưa từng có để tiết kiệm năng lượng. Hiện có 17 nước EU tham gia vào quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Mức tiêu thụ khí đốt của EU đã giảm 19,3% trong thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 1-2023, vượt mục tiêu 15% mà các quốc gia thành viên đã đặt ra vào năm 2022 trên cơ sở tự nguyện. Chính sách tiết kiệm hiệu quả đến mức được gia hạn đến tháng 3-2024.

Củng cố mạng lưới điện

×

Theo giới chuyên gia kinh tế, với diễn biến này, EU dường như không còn lo sợ về mùa đông 2023-2024. Các thùng chứa khí đốt hóa lỏng (LNG), kế hoạch mua chung mới và chính sách tiết kiệm năng lượng đang giữ giá ở mức phải chăng. Kho lưu trữ khí đốt ngầm hiện đạt hơn 92% công suất, một dấu hiệu đầy hứa hẹn khi nghĩa vụ chung của khối là đạt 90% vào ngày 1-11-2023.

Mùa thu năm ngoái, các dự báo đều chỉ ra rằng nền kinh tế châu Âu sẽ không tránh khỏi cơn suy thoái do chi phí năng lượng tăng cao. Giờ đây, các nhà kinh tế EU kỳ vọng nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, khi cuộc khủng hoảng năng lượng có dấu hiệu lắng dịu.

Tuy nhiên, báo cáo của Ember Climate cho thấy mức tăng năng lượng sạch vẫn không đủ để bù đắp khoảng trống do sự sụt giảm nhiên liệu hóa thạch để lại. Theo tổ chức này, cần có sự thúc đẩy lớn, đặc biệt là trong năng lượng mặt trời và gió, để củng cố nền kinh tế bền vững trên khắp châu Âu.

Để đạt được những mục tiêu mới, EU cần đầu tư quy mô lớn cho các trang trại năng lượng mặt trời và gió, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện châu Âu để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn.

EC ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ EUR (122,9 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn độc lập về năng lượng.


                                        ( nguồn : Báo Sài Gòn Giải Phóng )