Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / THẮP SÁNG BẰNG CÔNG NGHỆ ĐIỆN MẶT TRỜI

THẮP SÁNG BẰNG CÔNG NGHỆ ĐIỆN MẶT TRỜI


Sau hơn 3 năm triển khai thực nghiệm, dự án "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ điện mặt trời phục vụ cấp điện cho các vùng đặc thù và trang trại chăn nuôi tại tỉnh Ninh Thuận" do Trung tâm Thông tin - ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Viện Vật Lý thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã phát huy hiệu quả khá rõ nét, đem lại nguồn sáng cho người dân ở nhiều nơi trong tỉnh.

Do nằm cách xa địa bàn khu dân cư và không có lưới điện đi qua nên trước đây 10 hộ đồng bào dân tộc Raglai ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính, huyện vùng cao Bác Ái (Ninh Thuận) phải dùng đèn dầu.
 Trung tâm thông tin - ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Ninh Thuận đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời với công suất 550wp cho 10 hộ gia đình (55wp/hộ). Từ đó, cuộc sống của những hộ đồng bào dân tộc Raglai ở đây thay đổi hẳn. Ông PatâuAxá Biển - Trưởng thôn Suối Khô phấn khởi khoe rằng: Trước đây, chúng tôi chỉ biết đèn dầu nay có điện mặt trời về, buổi tối nhà nào cũng tràn ánh sáng, được xem tivi, nghe đài ... vui lắm !

A picture containing outdoor, antenna

Description automatically generated

Ảnh minh họa
Dự án còn lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại một số trang trại và các vùng đặc thù. Hiện tại, dự án đang triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời thực nghiệm tại một số điểm khác như: Trạm bảo vệ san hô và đèn tín hiệu bảo vệ rùa biển thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa với công suất 180wp; Trang trại chăn nuôi của anh Đậu Văn Gọn ở thôn Đèo Cậu, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn với công suất 240wp và Trung tâm thông tin - ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh với công suất 1.000wp. Sau 3 năm, các địa điểm triển khai thực nghiệm vẫn đang hoạt động tốt và phục vụ hiệu quả cho sinh hoạt và sản xuất.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tại Ninh Thuận cũng chỉ phấn đấu đáp ứng nguồn điện lưới thắp sáng cho 80% hộ dân ở vùng nông thôn và 60% hộ dân ở vùng miền núi.

Số hộ dân còn lại ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trong tỉnh chưa có điện lưới, vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu là không ít. Phát huy lợi thế riêng biệt của một tỉnh"thiếu mưa nhưng thừa nắng", với tổng số ngày nắng và nguồn bức xạ nhiệt cao, vào khoảng 5,5 kwh/m2/ngày, thuộc loại cao nhất nước; để khai thác hết tiềm năng đó, việc nghiên cứu và đưa vào khai thác điện mặt trời tại tỉnh là hết sức cần thiết và thiết thực.
Hiện nay tỉnh Ninh Thuận cũng đang ứng dụng năng lượng điện mặt trời tại một số địa phương khác như: trạm Hải Đăng Mũi Dinh; kè cảng Ninh Chữ… nhưng với công suất rất nhỏ, chỉ từ 50wp đến 60wp - chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh như hiện nay.
 Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt về năng lượng và vấn nạn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, việc sử dụng năng lượng tái tạo là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, về lâu dài tỉnh Ninh Thuận cũng cần xây dựng phương án thật sự khoa học để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ điện mặt trời nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng từ mặt trời, để phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân đang sinh sống ở những vùng khó khăn.

Theo Tin tức http://www.khoahoc.com.vn/doisong/ung-dung/33056_Thap-sang-bang-cong-nghe-dien-mat-troi.aspx