Than đá vẫn 'thống trị' năng lượng Ấn Độ
Hơn 70% nhu cầu điện của Ấn Độ vẫn được đáp ứng bằng than. Nguồn: AP.
Tại sao than vẫn phổ biến?
Trong 6 tháng đầu năm nay, Ấn Độ đã đáp ứng nhu cầu năng lượng lớn từ dân số ngày càng tăng và nhu cầu làm mát lớn hơn do nhiệt độ khắc nghiệt, một phần là do biến đổi khí hậu, bằng cách dựa vào các nhà máy điện than của mình. Nước này cũng có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than hơn.
“Chúng tôi biết chính phủ Ấn Độ nghiêm túc thực hiện các cam kết về khí hậu. nhưng có một nhu cầu lớn trong việc đảm bảo nguồn điện cho 1,4 tỷ dân. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, Ấn Độ sẽ không phải là nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi khỏi than” - ông Carlos Fernández Alvarez, tác giả chính của báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thừa nhận.
Hơn 70% nhu cầu điện của Ấn Độ vẫn được đáp ứng bằng than mặc dù năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang phát triển. Năm ngoái, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người. Theo IEA, nhu cầu điện tại nước này dự kiến sẽ tăng ít nhất 6% mỗi năm trong vài năm tới.
“Ở Ấn Độ, ngay cả khi ai đó mua quạt hoặc máy điều hòa nhiệt độ để cuộc sống thoải mái hơn một chút, thì xét về tổng thể, bạn sẽ thấy nhu cầu về điện tăng lên rất nhiều” - ông Charith Konda, một nhà phân tích năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính cho biết. Theo ông Konda, mức tăng trưởng 7% về nhu cầu điện hàng năm “là mức tối thiểu” mà ông dự đoán đối với Ấn Độ.
Nhu cầu điện không phải là động lực duy nhất đảm bảo độ bền của than ở Ấn Độ. Ông Konda chỉ ra rằng, hàng triệu việc làm liên quan ngành than, bao gồm các ngành như đường sắt kiểm soát các đoàn tàu được sử dụng để vận chuyển than. Một chỉ báo về sức nặng của than: Vào lúc cao điểm của mùa hè năm 2022, chính phủ Ấn Độ đã hủy gần 2.000 chuyến tàu chở khách để các đoàn tàu chở than có thể đến các nhà máy điện nhanh hơn.
Để năng lượng sạch trở thành trụ cột
Ấn Độ đã tăng công suất năng lượng tái tạo lên 25 lần trong thập kỷ qua và hiện đã lắp đặt 195 gigawatt điện gió và điện mặt trời. Nhưng nhu cầu điện vẫn cần phải tăng nhanh hơn nữa. Theo báo cáo của Trung tâm Năng lượng và Khí hậu Ấn Độ tại Đại học California, Berkeley, nhu cầu điện cao điểm đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 250 gigawatt vào tháng 5 năm nay. Đặc biệt, nhu cầu đó có thể vượt quá 300 gigawatt trong 3 năm tới, điều đó có nghĩa là có thể xảy ra tình trạng thiếu điện vào ban đêm.
Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu năng lượng sạch đầy tham vọng là 500 gigawatt vào cuối thập niên này. “Trong giai đoạn 2015 - 2016, chúng ta đã chứng kiến một vài năm tăng trưởng thực sự tốt của năng lượng tái tạo. Nhưng kể từ đó, nó đã đi vào bế tắc” - ông Ashish Fernandes của nhóm nghiên cứu Climate Risk Horizons cho biết.
Ông Fernandes và các chuyên gia khác cho biết, Ấn Độ cần lắp đặt ít nhất 50 - 60 gigawatt điện sạch mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do sự kết hợp của các quyết định chính sách, chính trị và các vấn đề về chuỗi cung ứng, nên chỉ có chưa đến 15 gigawatt điện gió và điện mặt trời được lắp đặt hàng năm.
Theo nhà phân tích năng lượng Konda, kho lưu trữ phải được tích hợp vào hệ thống. Ấn Độ hiện có ít hơn 4 gigawatt lưu trữ. Năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã công bố kế hoạch trị giá 452 triệu đô la để hỗ trợ các công ty lắp đặt nhiều kho lưu trữ hơn.
“Công nghệ lưu trữ pin đang trở nên rất rẻ và là một lĩnh vực tăng trưởng trên toàn cầu. Ấn Độ cần đầu tư khi giá còn thấp” - ông Fernandes nói.
Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết, các quốc gia phát triển nên cung cấp nhiều hỗ trợ hơn, bao gồm cả tài chính và hỗ trợ công nghệ cho Ấn Độ và các quốc gia khác ở Nam bán cầu đang nỗ lực hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Tại Dipka - một thị trấn ở miền trung Ấn Độ, đã chứng kiến gần một thế kỷ khai thác than. thật khó hình dung cuộc sống không có than.
Anh Ramadhar Yadav (45 tuổi) - người đã bán đất đai màu mỡ cho các công ty khai thác than và hiện là một trong số hàng trăm cư dân đang đấu tranh đòi việc làm trong ngành này, cho biết: “Ít nhất trong 20 năm tới, khu vực của chúng tôi và có thể là cả Ấn Độ nói chung sẽ vẫn phải phụ thuộc vào than, tôi chắc chắn như vậy”.
Theo dự báo của IEA, sản lượng than của Ấn Độ sẽ tăng trong năm nay, với sản lượng lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ tấn. Thủ tướng Narendra Modi cần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đồng thời giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu đắt đỏ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi năng lượng tái tạo tăng vọt, hạt nhân, thủy điện và các lựa chọn phụ tải cơ bản khác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vì vậy than được dự đoán sẽ vẫn là nguồn năng lượng thống trị ít nhất cho đến cuối thập niên này.
( nguồn : Báo Đại Đoàn Kết )