Quảng Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Quảng Nam sẽ ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh, cụ thể là phát triển điện gió ngoài khơi, hiện đại hoá nhà máy nhiệt điện và nghiên cứu và sản xuất các vật tư, thiết bị.
Quảng Nam sẽ ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch 316-KH/TU ngày 17/6/2020 thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh. Hoàn thành các quy hoạch nguồn và lưới điện đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 3.500MW, sản lượng điện đạt khoảng 13 tỷ kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 40% vào năm 2030, 50% vào năm 2045.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần phát triển trang trại điện gió ngoài khơi, hiện đại hoá nhà máy nhiệt điện và nghiên cứu và sản xuất các vật tư, thiết bị cho ngành năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Quảng Nam có tiềm năng về điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tại Cù Lao Chàm do những vùng có độ cao từ 100 m trở lên so với mặt nước biển được dự báo có tiềm năng về nguồn năng lượng gió rất lớn và vùng có độ cao càng lớn thì tiềm năng gió càng lớn.
Ngoài ra, Quảng Nam vẫn duy trì các nhà máy sản xuất điện than nhưng giám sát chặt chẽ việc sử dụng thiết bị, công nghệ trong các nhà máy hiện tại để đảm bảo hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường ở mức cao nhất có thể. Các nhà máy điện than cần đẩy mạnh số hóa và tự động hóa; đồng thời các nhà máy điện than cũng cần kết nối với các nhà sản xuất vật liệu xây dựng để tái sử dụng các phụ phẩm phế thải từ sản xuất điện than, đặc biệt là tro bay và tro đáy, làm vật liệu đầu vào cho xây dựng dân dụng.
Bên cạnh đó, thời gian tới Quảng Nam cần thu hút các nhà đầu tư phát triển các thiết bị tái tạo năng lượng (như: phát triển tấm silicon tinh thể cho các tấm pin mặt trời, sản xuất hộp số cho các tháp phong điện, các loại pin, hệ thống tích điện, hệ thống tích nhiệt, dây chuyền sản xuất sinh khối, thiết bị xây hầm biogas,…) và các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo (như: máy phát điện,…). Thị trường thiết bị tái tạo năng lượng đang ngày càng sôi động với các sản phẩm đa dạng, nhiều tiện ích do đó tỉnh cần nghiên cứu và sản xuất các vật tư, thiết bị cho ngành năng lượng tái tạo.
( nguồn : Báo Đầu tư )