Nóng: Thu hồi văn bản đề xuất EVN hạ giá mua điện tái tạo đã hòa lưới
Ngay trong tối 8-12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết Công ty Mua bán điện thuộc tập đoàn này đã thu hồi văn bản đề xuất EVN hạ giá mua điện đối với các dự án điện tái tạo đã hòa lưới.
Tối muộn ngày 8-12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã có văn bản về việc "xin thu hồi văn bản" liên quan đến điện tái tạo.
Thu hồi 3 văn bản về mua bán điện tái tạo
Cụ thể, văn bản số 10471/EPTC-KDMĐ gửi EVN do phó giám đốc Công ty Mua bán điện Lê Khắc Hưng ký, nêu nội dung trong hai ngày 7 và 8-12-2023, Công ty Mua bán điện đã có 3 văn bản báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm văn bản số 10418, 10421, 10461.
"Sau khi rà soát lại, Công ty Mua bán điện thu hồi 3 văn bản nêu trên", văn bản của Công ty Mua bán điện nêu nhưng không nói rõ lý do thu hồi văn bản.
Trước đó, vào tối 8-12, Tuổi Trẻ Online đã phản ánh nội dung văn bản số 10461 của Công ty Mua bán điện, trong đó công ty này đề xuất với EVN thông qua phương án để tạm thanh toán tiền mua bán điện đối với loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời đã hòa lưới, vận hành thương mại với mức giá trần theo quyết định 21 của Bộ Công Thương.
Tức giá mua bán điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió này sẽ thấp hơn so với mức giá mà EVN đang mua của các nhà máy này. Trong đề xuất cũ, Công ty Mua bán điện muốn áp dụng việc hạ giá mua bán điện ngay trong kỳ thanh toán gần nhất.
Lý do mà Công ty Mua bán điện đưa ra để muốn tính lại giá mua bán điện đối với các nhà máy này là "các nhà máy điện gió và mặt trời đang được thanh toán theo giá FIT (giá mua bán điện cố định ưu đãi - PV) nhưng có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cấp thẩm quyền sau ngày COD (ngày vận hành thương mại - PV) và vẫn trong giai đoạn giá FIT còn hiệu lực".
Có dự án từ 2016 vẫn bị đề xuất hạ giá mua điện
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, loạt dự án hoặc phần dự án Công ty Mua bán điện muốn tính lại giá có 28 dự án, trong đó có 17 dự án điện mặt trời và 11 dự án điện gió trải dài từ miền Trung vào miền Nam.
Các dự án này được ghi nhận ngày vận hành thương mại chủ yếu từ năm 2018 đến 2021, cá biệt có dự án đã vận hành từ năm 2016, trong đó có những dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn.
Các dự án năng lượng tái tạo này đã "chạy đua" để hưởng ưu đãi về giá điện từ 7,09 cent/kWh (hơn 1.700 đồng/kWh) đến 9,35 cent/kWh (hơn 2.300 đồng/kWh) theo các quyết định 11, 13 đối với điện mặt trời và 37, 39 đối với điện gió.
Tuy nhiên, nếu áp dụng giá cao nhất theo quyết định 21 như Công ty Mua bán điện đề xuất trong văn bản đã thu hồi, các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ được hưởng giá bán điện 1.184 đồng/kWh và điện gió đất liền chỉ được mua điện với giá cao nhất là hơn 1.587 đồng/kWh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 8-12, một số đại diện nhà đầu tư năng lượng cho biết nếu đề xuất trên được chấp thuận, các doanh nghiệp năng lượng sẽ "rất sốc" và có tác động lớn đối với thị trường năng lượng tái tạo.
Lý do, các nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua bán điện trước đây với khung giá theo quy định cũ kèm theo các điều kiện pháp lý; nhiều khả năng sẽ xảy ra kiện tụng, tác động không chỉ nhà đầu tư hiện tại mà còn tác động đến niềm tin của các nhà đầu tư mới.
( nguồn : Báo Tuổi Trẻ )