Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo đóng góp 2,84% GRDP

Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo đóng góp 2,84% GRDP


3 tháng đầu năm, Ninh Thuận sản xuất hơn 2 tỷ KWh điện, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả.


Năng lượng tái tạo tăng trưởng mạnh

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, GRDP quý I/2024 của tỉnh ước đạt 5.812 tỷ đồng, tăng 8,26% so cùng kỳ và đứng thứ 10 của cả nước. Trong đó, khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp 2,84% GRDP của tỉnh.

Trong quý I/2024, tình hình điện sản xuất tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện tái tạo tăng 15,6% (riêng điện mặt trời tăng 14,3%)

Cụ thể, ước tính 3 tháng đầu năm Ninh Thuận sản xuất hơn 2 tỷ KWh điện, trong đó 315,7 triệu KWh thuỷ điện, 598 triệu KWh điện gió và hơn 1,1 tỷ KWh điện mặt trời.

Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo đóng góp 2,84% GRDP
Khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp 2,84% GRDP của Ninh Thuận. Ảnh: Trungnam Group

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho hay, đến nay, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành thương mại 57 dự án với trên 3.700MW.

Theo quy hoạch, tỉnh phấn đấu đạt công suất tích lũy 6.500MW vào năm 2025, sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh, cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP.

Hiện tỉnh đã quy hoạch 5 khu vực sản xuất điện gió với tổng công suất gần 2.500 MW và phát triển điện gió ngoài khơi với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung xúc tiến, triển khai các dự án thuỷ điện tích năng, điện khí, hydro theo quy hoạch.

Những dự án này sẽ đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch lớn nhất cả nước, góp phần đảm bảo cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính.

Ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ gió lớn, ổn định, số giờ nắng trong năm cao nhất cả nước.

Cùng với đó, tỉnh cơ bản đã lập đầy đủ quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án.

Hiện tỉnh tập trung mời gọi các nhà đầu tư rót vốn vào năng lượng và năng lượng tái tạo trên cơ sở tranh thủ, tận dụng cơ hội và chính sách, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo đóng góp 2,84% GRDP
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trungnam Group

Năm 2024, Ninh Thuận xác định năng lượng, năng lượng tái tạo là khâu đột phá bởi dư địa phát triển của ngành này lớn và chắc chắn tiếp tục có nhiều đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh trong thời gian tới.

Cuối tháng 3/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hơn 3.400 ha. Trong đó, lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo có 9 dự án, diện tích hơn 528,95 ha, gồm: Dự án điện khí LNG Cà Ná; dự án thủy điện tích năng Phước Hòa; dự án điện gió Đầm Nại 3; dự án điện gió Đầm Nại 4; dự án điện gió Tri Hải; dự án điện gió Phước Dân; dự án điện gió hồ Bầu Ngứ; dự án thủy điện Thượng Sông Ông 2; dự án thủy điện Phước Hòa.

"Ninh Thuận cam kết tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách và đồng hành với các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án năng lượng tái tạo nói riêng và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh", ông Trịnh Minh Hoàng bày tỏ.

Hiện địa phương đang đôn đốc tiến độ khởi công các dự án năng lượng tái tạo; kiến nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan ưu tiên kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, đặc biệt là các dự án lưới điện quan trọng để truyền tải điện vào khu vực miền Nam; sớm ban hành các cơ chế, chính sách về năng lượng để tạo thuận lợi lớn nhất cho các nhà đầu tư...

Dự kiến cuối tháng 4/2024, Ninh Thuận sẽ tổ chức hội thảo về năng lượng tái tạo, nhằm phổ biến những quan điểm và định hướng phát triển của nước ta về năng lượng tái tạo và năng lượng hydro xanh; chia sẻ kinh nghiệm triển khai và tiêu chuẩn của quốc tế về dự án hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Ninh Thuận đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


                                                                                ( nguồn : Báo Công thương )