Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Nghịch lý đối với ngành điện mặt trời tại châu Âu

Nghịch lý đối với ngành điện mặt trời tại châu Âu


Những tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc đóng góp quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của ngành điện mặt trời tại châu Âu, nhưng mặt khác làm các nhà sản xuất trong lĩnh vực này ở khu vực không khỏi lao đao.

Một góc trang trại điện mặt trời Weesow - Willmersdorf ở thị trấn Werneuchen, bang Brandenburg, Đức. Ảnh: Reuters 

Cuộc dịch chuyển sang năng lượng xanh trên toàn châu Âu đang gặt hái được những thành công đáng kể. Trong báo cáo thường niên Đánh giá điện năng châu Âu (EER) mới phát hành, tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng Ember của Anh nêu rõ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái đã lắp đặt mức công suất điện mặt trời lớn chưa từng thấy, tới 56GW, tăng gần 40% so với năm trước đó. Thời tiết nhiều nắng và công suất lắp đặt điện mặt trời tăng mạnh giúp châu Âu gia tăng sản lượng điện mặt trời, qua đó xoa dịu “cơn khát năng lượng” của châu lục.

Kể từ khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine, năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất ở “lục địa già”. Ember cho biết, tổng công suất năng lượng mặt trời của khu vực hiện là 263GW và đang trên đà đạt mục tiêu 380GW vào năm 2025 theo kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai năng lượng tái tạo REPowerEU. Tham vọng của khối là biến năng lượng mặt trời thành nguồn cung điện lớn nhất khi năng lượng tái tạo đạt mục tiêu chiếm 45% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tương ứng với nhu cầu tăng gấp ba công suất phát điện mặt trời trong 6 năm tới. Châu Âu đang hướng tới một nền kinh tế sạch, điện khí hóa và các số liệu trên cho thấy năng lượng mặt trời có thể sẽ góp phần giải bài toán này.

Dẫu vậy, sự tăng trưởng nhanh chóng trên không mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời tại châu Âu. Lý do là bởi họ hoàn toàn thất thế trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, phần lớn số tấm pin năng lượng mặt trời và linh kiện được lắp đặt tại châu Âu có nguồn gốc Trung Quốc, trong một số trường hợp tỷ lệ lên đến 95%. Trớ trêu thay, châu Âu từng là nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với 30% tổng số tấm pin vào năm 2007. Thế nhưng, châu lục này dần ngủ quên trên chiến thắng và đánh mất thị phần về tay các hãng Trung Quốc. Hãng phân tích năng lượng Rystad Energy của Na Uy thống kê, số tấm pin từ Trung Quốc xuất sang châu Âu tăng 112% trong hai năm 2021-2022.

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành điện mặt trời Trung Quốc tập trung xuất khẩu tới châu Âu- một trong số ít thị trường lớn không có thuế quan hoặc các rào cản khác đối với nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời. Theo The Next Web, chi phí rẻ, công nghệ hiện đại và không phải chịu các tác động môi trường là những lý do khiến các nhà phát triển năng lượng mặt trời châu Âu ưa chuộng mặt hàng pin từ quốc gia tỷ dân ở châu Á. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất sở tại thì điêu đứng. Hiệp hội sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu (SolarPower Europe) cho biết, chi phí sản xuất module năng lượng mặt trời ở châu Âu cao hơn gấp đôi giá giao ngay hiện tại. Một số công ty như Meyer Burger (Thụy Sĩ) hay NorSun (Na Uy) phải công bố kế hoạch dừng mở rộng hoặc đóng cửa nhà máy trong thời gian gần đây, với lý do áp lực từ làn sóng nhập khẩu và tình trạng dư cung.  

Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu vẫn chưa thống nhất được cách thức ứng phó. Reuters cho biết, Tây Ban Nha không loại trừ việc áp thuế quan đối với nhập khẩu nguyên liệu làm tấm pin năng lượng mặt trời, hay Hà Lan muốn áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU lên tấm pin nhập khẩu. Ngược lại, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck từng bày tỏ lo ngại việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ cản trở sự phát triển nhanh chóng của năng lượng xanh ở châu Âu và khiến 90% thị trường module năng lượng mặt trời trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, các công ty lắp ráp, lắp đặt pin mặt trời nhập khẩu tại EU cũng có nguy cơ phá sản. Về phần mình, Ủy viên phụ trách bình ổn tài chính và các thị trường vốn của EU Mairead McGuinness cũng rất thận trọng khi gần đây chỉ khuyến nghị rằng, bất kỳ biện pháp nào cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.




                                                                                                ( nguồn : Báo Quân đội Nhân Dân )