Ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc vượt EU và Mỹ
Ảnh minh họa: Internet.
Theo báo cáo mới của Horizons từ Công ty tư vấn Wood Mackenzie, điều đó mang lại cho các nhà sản xuất Trung Quốc lợi thế lớn về chi phí so với các đối thủ quốc tế. Năm 2022, năng lượng mặt trời chiếm 5% sản lượng điện nội địa của Trung Quốc và 13% tổng công suất lắp đặt.
Vào năm 2023, lượng năng lượng mặt trời bổ sung trong nước của Trung Quốc cao gấp đôi so với Mỹ và EU cộng lại. Trung Quốc, cường quốc sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời của thế giới, hiện nắm giữ 80% công suất sản xuất trên thế giới. Theo Wood Mackenzie, đến năm 2050, quốc gia này sẽ chiếm hơn 50% nguồn cung cấp điện toàn cầu.
"Trung Quốc là nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời có chi phí thấp nhất trên thế giới. Cụ thể, ở Bắc Kinh, mô-đun năng lượng mặt trời có giá 0,15 USD/watt, ở Ấn Độ là 0,22 USD/watt, trong khi đó, ở châu Âu là 0,30 USD/watt, và Mỹ là 0,40 USD/watt”, ôngSteven Knell, Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu Bộ phận Tư vấn Năng lượng & Tái tạo, EMEA, tại Wood Mackenzie nói.
Theo chia sẻ của ông Knell: “Một nghiên cứu về ngành công nghiệp quang điện ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất tấm pin mặt trời không chỉ nhờ vào lao động rẻ, chính sách bảo trợ của chính phủ mà còn nhờ sản xuất quy mô lớn và mang lại lợi ích cho chuỗi cung ứng”.
Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia (NREL) của Bộ Năng lượng Mỹ và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, bằng cách sử dụng số liệu được ngành xác thực từ nửa đầu năm 2022, họ ước tính lợi thế về giá là 23% cho các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc.
Giải thích về sự chênh lệch giá cả, họ nhận thấy rằng lợi thế lịch sử về lao động giá rẻ của Trung Quốc không phải là nguyên nhân chính. Yếu tố chi phối là quy mô sản xuất tấm pin mặt trời, được hỗ trợ bởi khả năng tiếp cận vốn đầu tư và môi trường pháp lý và kinh doanh ít hạn chế hơn.
Al Goodrich, nhà phân tích cấp cao tại NREL và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Những lợi thế này, không phải chỉ có ở Trung Quốc, có thể được các nhà sản xuất ở các quốc gia khác nhân rộng nếu đạt được quy mô tương đương”.
EU và Mỹ đã có những bước tiến lớn trong chính sách năng lượng tái tạo trong hai năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng việc đạt được khối lượng tới hạn trong lĩnh vực sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời, giống như ở Trung Quốc, đòi hỏi phải có ứng dụng thương mại tương xứng.
( nguồn : Nhà Báo và Công Luận )