Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Năng lượng xanh - động lực cạnh tranh địa chính trị của thế kỷ 21

Năng lượng xanh - động lực cạnh tranh địa chính trị của thế kỷ 21


Sự cạnh tranh trong việc tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ thành một trong những đặc điểm địa chính trị nổi bật của thế kỷ 21.

Cuộc chạy đua nhằm loại bỏ carbon trong nền kinh tế, khi các nước tìm cách cạnh tranh với nhau trong việc phát triển các công nghệ quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia liên quan đang mở ra một kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh địa chính trị.

Trọng tâm sẽ là sự cạnh tranh để đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Bởi lẽ, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về khoáng sản cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua; trong khi kim loại và khoáng chất cho các công nghệ năng lượng sạch sẽ cần gấp 6 lần vào năm 2040.  

nang luong xanh  dong luc canh tranh dia chinh tri cua the ky 21 hinh 1Ván cờ địa chính trị thế kỷ 21 sẽ phụ thuộc nhiều vào cuộc cạnh tranh các nguyên liệu thô quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng.


Chủ nghĩa bảo hộ xanh

Trong bối cảnh mới này, an ninh kinh tế đang trở thành khẩu hiệu chính của các quốc gia. Và các nước sẽ cần tiếp cận theo hai hướng: chính sách công nghiệp trong nước và những sáng kiến phát triển xanh ở nước ngoài.

Hướng thứ nhất đòi hỏi “toàn bộ Chính phủ”, hay nói cách khác là “cả hệ thống chính trị” phải vào cuộc, và thường là các cách tiếp cận phi thị trường để củng cố vị thế cạnh tranh của quốc gia cũng như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực này thông qua chiến lược “Made in China 2025” và gần đây hơn là “lưu thông kép”. Mỹ cũng có “Đạo luật Giảm lạm phát” để khuyến khích sản xuất công nghệ xanh trong nước và “Đạo luật Sản xuất Quốc phòng” để thúc đẩy khai thác và chế biến trong nước các khoáng sản quan trọng.

Liên minh châu Âu (EU) thì công bố “Đạo luật Công nghiệp Net Zero” và đã nới lỏng các quy định hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh. Ấn Độ mới đây đã áp đặt thuế đối với việc nhập khẩu các linh kiện năng lượng mặt trời và áp dụng các biện pháp khuyến khích sự phát triển nội địa của công nghệ xanh.

Trong khi đó, các quốc gia cung cấp nguyên liệu thô chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng cũng theo đuổi hình thức “bảo hộ xanh” của riêng mình. Canada đã buộc những công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án lithium phải rời khỏi nước này vào tháng 11.  Indonesia, sau khi thiết lập những hạn chế đối với việc xuất khẩu niken chưa qua chế biến, đã áp đặt các lệnh cấm tương tự đối với xuất khẩu coban, bauxite và thiếc thô.

Đồng thời, các diễn đàn quốc tế cũng tập trung vào các vấn đề an ninh truyền thống coi khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và khí hậu là vấn đề cốt lõi. NATO đã công bố “Kế hoạch hành động an ninh và biến đổi khí hậu” trong đó coi rủi ro biến đổi khí hậu là “hệ số đe dọa”. Các nước thuộc nhóm Quad, có nguồn gốc từ vấn đề an ninh hàng hải, đã thành lập “Nhóm công tác công nghệ quan trọng và mới nổi”. Đảm bảo chuỗi cung ứng cũng là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.

EU cũng có sáng kiến “Liên minh Nguyên liệu thô châu Âu” và “Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng” nhằm mục đích làm cho châu Âu trở nên linh hoạt hơn trước vấn đề đảm bảo các nguyên liệu thô then chốt của quá trình chuyển đổi xanh. Trong đó đáng chú ý là quy định rằng 40% quá trình chế biến khoáng sản quan trọng, 15% tái chế và 10% sản lượng khai thác phải diễn ra tại EU vào năm 2040.

Tất cả những sáng kiến này đều có một chủ đề chung: giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia liên quan. Và quá trình đó đang tạo ra những “người chiến thắng” mới, chẳng hạn như Úc và Canada với nguồn cung cấp nguyên liệu thô lớn, hay Mexico, Việt Nam và Ấn Độ với lợi thế là nguồn lao động chi phí thấp và năng lực công nghiệp ngày càng tăng.

Ngoài việc tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong nước, các quốc gia hướng tới triển khai nguồn lực ở nước ngoài. Chuyển giao công nghệ, tài trợ khí hậu và thiết lập tiêu chuẩn là những công cụ chính. Ngoài mục tiêu nhân văn là giải quyết các mối lo ngại về khí hậu, những nỗ lực này đang được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh địa chính trị nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường đồng thời từ chối chia sẻ thị trường cho đối thủ khác.

nang luong xanh  dong luc canh tranh dia chinh tri cua the ky 21 hinh 2

Những mối liên kết mới và đường đứt gãy mới

Bất chấp bầu không khí của chủ nghĩa bảo hộ mới, các động lực kinh tế dân tộc chủ nghĩa cũng thúc đẩy một loạt cuộc đàm phán thương mại tự do nhằm đảm bảo quyền tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng. Ví dụ, Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe) gần đây đã kết thúc với việc EU ký kết một loạt biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác năng lượng với Argentina và Uruguay cũng như thiết lập quan hệ đối tác về chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững với Chile.

Trong khi đó, “Đạo luật Giảm lạm phát” của Mỹ cũng cung cấp các khoản tín dụng thuế cho các loại xe điện mới có khoáng sản được khai thác, xử lý hoặc tái chế ở Mỹ hoặc một quốc gia mà nước này ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tương tự, sau khi Ấn Độ và Úc ký kết FTA vào năm 2022, cả hai nước đang tìm cách đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng với việc ký kết “Quan hệ đối tác đầu tư khoáng sản quan trọng” vào tháng 3 năm nay.

Ngoài ra, còn có những nỗ lực song song để hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng trong việc thành lập “các câu lạc bộ những người mua khoáng sản quan trọng”. Xu hướng này được thể hiện qua các sáng kiến như “Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản” do Mỹ lãnh đạo hay “Thỏa thuận toàn cầu xuyên Đại Tây Dương về phát triển bền vững thép và nhôm”.

Biên giới của các cuộc cạnh tranh cũng đang mở rộng hơn. Trong đó, thị trường mới nổi sẽ là địa bàn chiến lược do nguồn tài nguyên và quy mô thị trường của họ. Ví dụ, khu vực Mỹ Latinh nắm giữ hơn 1/5 trữ lượng toàn cầu của 5 loại khoáng sản quan trọng, trong đó có gần 60% lượng lithium của thế giới.

Tại châu Phi, cuộc cạnh tranh cũng đang nóng bỏng. Đây vốn là địa bàn ảnh hưởng truyền thống của Pháp, nhưng cả Mỹ, Đức, Nga và đặc biệt là Trung Quốc đều đang nỗ lực chen chân vào thông qua các hoạt động hợp tác về kinh tế, văn hóa lẫn quân sự. Hiện tại, hơn 40% lượng xuất khẩu khoáng sản, 1/3 quặng và kim loại của châu Phi là sang Trung Quốc trong khi Đức đã vượt Pháp trở thành đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của EU với lục địa đen, đạt 59,8 tỷ euro vào năm ngoái.

Việc khai thác khoáng sản cũng đã mở rộng tới tận đáy biển sâu, nơi có các nốt đa kim chứa những nguyên liệu thô quan trọng trị giá hàng nghìn tỷ USD. Và điều này cũng tạo ra những sân khấu cạnh tranh mới giữa các cường quốc.

Ví dụ, khu vực Clarion-Clipperton ở Nam Thái Bình Dương được ước tính có trữ lượng niken gấp ba lần trữ lượng niken trên đất liền của thế giới. Trong khi đó, giấy phép khai thác đáy biển sâu được nắm giữ bởi “các quốc gia tài trợ”, phần nhiều trong số đó là các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, dễ bị các cường quốc thao túng.  Sự lôi kéo từ nhiều phía nhiều khả năng sẽ khiến cục diện khu vực này xuất hiện những sự chia rẽ nhất định.

Một ví dụ khác: phát hiện mới đây về trữ lượng lithium trị giá khoảng 300 tỷ USD ở Kashmir - vùng lãnh thổ từng là tâm điểm của hơn 7 thập kỷ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, đang bồi thêm một lớp năng lượng bổ sung cho điểm nóng địa chính trị truyền thống này.

Bổ sung cho cuộc đua giữa các thị trường mới nổi là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc giành quyền kiểm soát các chuỗi cung ứng quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Không dễ để nhận định cán cân nghiêng về ai, nhưng có thể chắc chắn một điều, những xung lực từ cuộc đua này sẽ là nhân tố then chốt định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21.


                                                                     ( nguồn : Nhà Báo & Công Luận )