Lưới điện truyền tải tại Bình Định đang vận hành an toàn, liên tục dưới thời tiết nắng nóng cao độ
Nhân viên Truyền tải điện Bình Định thi công sửa chữa trên đường dây 220kV Quy Nhơn - Tuy Hòa.
Tính đến tháng 5/2024 sản lượng điện thương phẩm khu vực tỉnh Bình Định đạt 494.330.704 kWh tăng 180.473.271 kWh (tương ứng 57,5%) so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến nguy cơ đầy tải, quá tải các đường dây và máy biến áp. Ngoài ra, thời tiết khô hạn kéo dài dễ xảy ra cháy rừng lan vào đường dây, gây sự cố lưới điện.
Ông Phạm Minh Đông, Phó Giám đốc Truyền tải điện Bình Định – thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), cho biết: đối diện với thực trạng trên, Truyền tải điện Bình Định đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp, tập trung nâng cao hiệu quả nhiệm vụ quản lý vận hành.
Trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành thiết bị, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải, nỗ lực đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định trong mùa nắng nóng.
Từ trước tháng 4/2024, đơn vị đã tiến hành vệ sinh các thiết bị nhiễm bẩn do ảnh hưởng môi trường, thời tiết bằng phương pháp vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao khi thiết bị vẫn đang mang điện (vệ sinh cách điện hotline) toàn bộ các ngăn lộ tại các Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn, Phù Mỹ và 08 vị trí đường dây 220kV Quy Nhơn - Nhà máy thủy điện (NMTĐ) An Khê, 05 vị trí đường dây 220kV NMTĐ An Khê – Nhà máy điện Sinh khối An Khê.
Nhân viên TBA 220kV Quy Nhơn đang kiểm tra nhiệt độ thiết bị bằng hình ảnh từ camera soi phát nhiệt.
Bên cạnh đó, nhân viên vận hành tăng cường công tác kiểm tra soi phát nhiệt mối nối các thiết bị tại các trạm biến áp và đường dây ở thời điểm mang tải cao nhằm phát hiện sớm nguy cơ sự cố. Đồng thời, đơn vị còn triển khai tăng cường hệ thống phun sương làm mát các máy biến áp, tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng máy điều hoà nhiệt độ các phòng thiết bị, thường xuyên kiểm tra hệ thống chữa cháy trong tình trạng sẵn sàng làm việc…
Đối với công tác quản lý vận hành đường dây truyền tải, ông Đông cho biết: Địa hình các tuyến đường dây do đơn vị quản lý chủ yếu đi qua khu vực rừng tự nhiên nghèo, nhiều thực bì, rừng trồng bạch đàn, keo lá tràm tại Đèo Phú Quí, đèo An Khê, đèo Cù Mông. Chính vì vậy, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống camera giám sát được triển khai lắp đặt từ trước, có kết hợp với phần mềm báo cháy tại các khu vực có nguy cơ cháy cao.
Tuyên truyền bảo vệ an toàn hàng lang lưới điện.
Bên cạnh đó, tăng cường các đợt tuần canh nhằm phát hiện sớm các nguy cơ cháy; hoàn thành khối lượng phát quang chống cháy, thu dọn thực bì khô và đốt có kiểm soát với diện tích 295.600 m2. Đặc biệt, đơn vị còn phối hợp với chính quyền, công an địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện đến các hộ dân sống gần hàng lang tuyến.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, đơn vị còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ như giám sát thiết bị từ xa bằng hình ảnh từ camera qua các thiết bị điện tử thông minh (điện thoại, máy tính bảng..); sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) có gắn hệ thống phun lửa để xử lý 02 trường hợp diều vướng trên các đường dây 220kV Quy Nhơn – Nhà máy thủy điện An Khê và đường dây 220kV Quy Nhơn – Phước An; hỗ trợ Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Bình Định – Công ty Điện lực Bình Định xử lý 01 trường hợp diều vướng trên đường dây 110kV Quy Nhơn 220 - Đống Đa, Đống Đa - Phương Mai 3 (không cần cắt điện các đường dây trong quá trình xử lý). Cùng một số các giải pháp chuyển đổi số khác.
UAV đốt diều vướng trên đường dây 220kV Quy Nhơn - Phước An.
Bằng các biện pháp đã triển khai cùng với sự quyết tâm của toàn thể CBCNV, Truyền tải điện Bình Định đã và đang tiếp tục đảm bảo hệ thống truyền tải điện Quốc gia cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Bình Định và khu vực lân cận trong thời gian tới.
Vệ sinh hotline tại TBA 220kV Phù Mỹ.
Vệ sinh hotline tại TBA 220kV Quy Nhơn.