Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Loạt đề xuất mới phát triển điện gió ngoài khơi, xử lý 2.330MW điện mặt trời từ quy hoạch cũ

Loạt đề xuất mới phát triển điện gió ngoài khơi, xử lý 2.330MW điện mặt trời từ quy hoạch cũ


Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 để lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan.


Chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung tại Quy hoạch điện 8 - Ảnh: N.X.

Chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung tại Quy hoạch điện 8 - Ảnh: N.X.

Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 xác định tổng công suất các nguồn điện gồm: nhiệt điện LNG là 22.400MW; điện than là 30.127MW; điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700MW; nhiệt điện khí trong nước là 14.930MW; thủy điện là 29.346MW; thủy điện tích năng là 2.400MW; pin lưu trữ là 300MW.

Phát triển năng lượng tái tạo thành nhiều giai đoạn?

Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo được các bộ ngành đề xuất phương án phê duyệt kế hoạch thực hiện thành nhiều giai đoạn. Trong đó, tổng công suất điện gió trên bờ là 21.880MW; điện gió ngoài khơi là 6.000MW; nguồn điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600MW; điện sinh khối, điện sản xuất từ rác là 2.270MW; thủy điện là 29.346MW.

Để thực hiện hệ thống nguồn điện này, quy mô vốn đầu tư lên tới 119,8 tỉ USD. Trong đó, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước ước tính khoảng 28 tỉ USD, còn lại vốn xã hội hóa là 90,9 tỉ USD.

Vốn đầu tư công sẽ ưu tiên cho việc hoàn thiện chính sách, tăng cường năng lực của ngành điện là 50 tỉ đồng; vốn cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo là 29.779 tỉ đồng (hiện đã cân đối được 8.915 tỉ đồng).

Đối với việc phát triển điện gió ngoài khơi, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các bộ ngành liên quan. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng. Quy hoạch không gian biển quốc gia cũng chưa được phê duyệt, việc tiếp cận các thông tin liên quan còn hạn chế. 

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục giữ quan điểm chỉ tính toán quy mô công suất nguồn điện gió ngoài khơi theo vùng trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí về cơ cấu nguồn điện tối ưu, phát triển tại các vùng có tiềm năng gió tốt và khả năng đấu nối, giải tỏa công suất.

Chưa rõ xác định danh mục dự án điện mặt trời 

Với nguồn điện mặt trời tập trung đã được phê duyệt quy hoạch, đã giao cho chủ đầu tư triển khai dự án, có tổng công suất là 2.330,26MW, Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu các địa phương rà soát các dự án làm cơ sở đánh giá mức độ đáp ứng của dự án. 

Tuy nhiên các thông tin phản hồi đánh giá dự án chưa đầy đủ, nên bộ này chưa đủ cơ sở xem xét tiến độ cụ thể trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.

Thêm nữa, Quy hoạch điện 8 cũng phê duyệt tổng công suất nguồn điện mặt trời dự án tăng thêm 4.100MW, gồm điện mặt trời mái nhà là 2.600MW và điện mặt trời tập trung là 1.500MW. 

Trong khi đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ có đề cập tới việc bổ sung các dự án điện mặt trời là không có căn cứ, cơ sở pháp lý. 

Vì vậy kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 chưa xác định được danh mục dự án này, nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh tiếp tục rà soát theo yêu cầu để làm căn cứ tổng hợp, báo cáo.

Địa phương đề xuất danh mục dự án vượt quy hoạch

Bộ Công Thương cho biết đã nhận được phản hồi của 43/63 địa phương liên quan tới các danh mục dự án đề xuất. Qua rà soát cho thấy danh mục nguồn điện được đề xuất quá lớn so với Quy hoạch điện 8, hầu hết cũng không đáp ứng nhu cầu xây dựng danh mục dự án trước đó.

Thống kê riêng với bốn loại nguồn điện năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ cho thấy có 27 địa phương có tính toán điện gió trên bờ là 12.773MW, nhưng đề xuất danh mục với tổng công suất 47.416MW (gấp 3,7 lần); 23 địa phương có thủy điện nhỏ, công suất tính toán 2.411MW, nhưng đề xuất 4.025MW (gấp 1,7 lần); 27 địa phương tính toán điện sinh khối 406MW, nhưng đề xuất 1.805MW (gấp 4,4 lần); 29 địa phương có công suất tính toán điện rác 655MW, nhưng đề xuất 1.116MW (gấp 1,7 lần).

Theo bộ, lượng công suất nguồn điện được yêu cầu lập danh mục chỉ chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện tăng thêm của hệ thống. Do đó, với các thông tin số liệu do địa phương cung cấp, bộ này đề nghị kéo dài thêm thời gian để hoàn thiện danh mục dự án và phê duyệt làm hai giai đoạn.


                                                                                                 ( nguồn : Báo Tuổi Trẻ )