IEA: Nguy cơ lớn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới
Sản xuất pin lithium cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác. Ảnh minh họa: AFP
Trong báo cáo đầu tiên về thị trường nguyên vật liệu trọng yếu, IEA lưu ý rằng giá khoáng sản quan trọng cho sản xuất xe điện, tua-bin gió và tấm pin Mặt Trời đã giảm xuống mức trước thời kỳ đại dịch COVID-19, do nguồn cung vượt quá cầu. Mặc dù giá giảm là tin tốt cho người tiêu dùng, song IEA lo ngại điều này sẽ ngăn cản các khoản đầu tư cần thiết để đáp ứng nhu cầu về khoáng sản thiết yếu, trong bối cảnh nhu cầu dự kiến sẽ tăng mạnh khi nhiều quốc gia đang nỗ lực cắt giảm dần việc sản xuất mới và bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong.
Theo tính toán của IEA, các dự án được công bố sẽ chỉ có thể đáp ứng 70% nhu cầu đồng và 50% nhu cầu lithium vào năm 2035, trong trường hợp các quốc gia trên toàn thế giới đạt được các mục tiêu quốc gia về chống biến đổi khí hậu. Cả hai kim loại trên đều là nguyên liệu quan trọng trong ngành sản xuất xe điện.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh: “Việc tiếp cận an toàn và bền vững các khoáng sản quan trọng có ý nghĩa thiết yếu để chuyển đổi sang năng lượng sạch một cách suôn sẻ với giá cả phải chăng”.
IEA dự báo quy mô thị trường cho các khoáng sản chuyển đổi năng lượng quan trọng sẽ tăng hơn gấp đôi lên 770 tỷ USD vào năm 2040, khi các quốc gia đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, IEA nhận thấy những tiến bộ trong việc đa dạng hóa nguồn cung vẫn còn hạn chế. Đây là một vấn đề đáng lo ngại dựa trên kinh nghiệm gần đây về chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch và khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị.
Trong khi đó, có một số ý kiến cho rằng việc đổ xô khai thác các nguồn khoáng sản quan trọng nói trên đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng người dân bản địa, cũng như vùng đất của họ.
Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock ước tính quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn thế giới sẽ cần tới 4.000 tỷ USD/năm đến giữa những năm 2030, đồng thời kêu gọi cần có thêm nhiều hình thức hợp tác công- tư, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dự báo này đến từ báo cáo "Kịch bản chuyển đổi Viện Đầu tư" mới nhất của BlackRock, phân tích cách thức diễn ra khả dĩ nhất của quá trình chuyển đổi sang năng lượng phát thải ít carbon và tác động tiềm ẩn của nó lên các danh mục đầu tư.
Theo ông Michael Dennis, Giám đốc Chiến lược và Thị trường Vốn Đầu tư Đặc biệt khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại BlackRock, con số 4.000 tỷ USD/năm gấp đôi so với dự đoán trước đó là 2.000 tỷ USD/năm, và sẽ đòi hỏi sự gia tăng vốn từ cả khu vực công và tư nhân.
Phát biểu tại Tuần lễ Ecosperity thường niên tại Singapore diễn ra gần đây, ông Dennis nói: “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực sự là trung tâm của cơ hội đầu tư năng lượng, và chúng tôi thấy điều này ở nhiều lĩnh vực, cả ở các thị trường phát triển và thị trường mới nổi”.
Theo số liệu tổng hợp của BlackRock, trong năm 2023, 1.800 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án liên quan đến chuyển đổi năng lượng, tăng so với mức tương ứng 33 tỷ USD ghi nhận vào năm 2004, với tổng số tiền đầu tư lên tới khoảng 19.000 tỷ USD cho đến nay. Ông Dennis- người chịu trách nhiệm mảng đầu tư đặc biệt của BlackRock trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, quỹ đầu cơ và vốn cổ phần tư nhân, nói thêm: “Tốc độ tăng trưởng và số tiền vốn được đầu tư đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, mặc dù đầu tư đã tăng lên, vẫn còn thiếu 18.000 tỷ USD để đạt được mục tiêu vào năm 2030”.
Khoảng trống về vốn đầu tư tồn tại trên các phân cấp rủi ro khác nhau: từ các khoản đầu tư rủi ro thấp vào cơ sở hạ tầng năng lượng cốt lõi đến các rủi ro cao hơn như vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn cuối và vốn cổ phần tư nhân. Theo ông Dennis, các nguồn tài chính để lấp đầy khoảng trống vốn này là có sẵn.
Một cuộc khảo sát của BlackRock với 200 nhà đầu tư tổ chức vào năm ngoái cho thấy, 56% nhà đầu tư dự định tăng phân bổ đầu tư cho quá trình chuyển đổi trong 1-3 năm tới, với 46% số nhà đầu tư cho rằng việc điều hướng quá trình chuyển đổi năng lượng là ưu tiên đầu tư quan trọng nhất của họ trong cùng khoảng thời gian đó.
Tuy nhiên, ông Dennis nhấn mạnh rằng để các khoản đầu tư đi vào thực tế, đòi hỏi “sự đồng thuận giữa hành động của chính phủ, các công ty và quan hệ đối tác với cộng đồng”. Ngoài ra, ông Dennis cho rằng: "Chúng ta cần thấy sự thay đổi chính sách về giá năng lượng và phi quy định hóa thị trường năng lượng, đồng thời cho biết rằng ở các thị trường mới nổi, khoảng 60% vốn cần thiết dự kiến sẽ đến từ khu vực tư nhân".
BlackRock xác định tài chính hỗn hợp là một động lực đầu tư quan trọng khác, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tài chính hỗn hợp được định nghĩa là việc sử dụng chiến lược các quỹ phát triển để huy động thêm nguồn tài chính cho phát triển bền vững. Tài chính hỗn hợp thực sự quan trọng, không chỉ cho giai đoạn đầu của các dự án, mà còn để biến các tài sản xanh thành tài sản có thể đầu tư trong cấu trúc danh mục đầu tư hiện tại, điều này có thể giúp khai thác hàng nghìn tỷ USD từ các thị trường vốn rộng lớn hơn.
Theo BlackRock, những yếu tố cần thiết khác để đạt được mục tiêu tài chính xanh toàn cầu bao gồm phát triển nhân tài giỏi hơn trên những lĩnh vực khác nhau của hệ sinh thái và thay đổi khung rủi ro cho các khoản đầu tư vào dự án xanh.
Các chuyên gia cho rằng dù có những kỷ lục đã được thiết lập trong năm qua, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời không thể ngăn chặn sự gia tăng của nhiên liệu hóa thạch. Theo một nghiên cứu mới nhất, mức tiêu thụ than, dầu mỏ và khí đốt cũng như lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới tiếp tục tăng lên. Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu ngày càng gặp nhiều thách thức.
Các thông tin cho thấy về sự phát triển vượt bậc của năng lượng gió và Mặt Trời trên thế giới khiến các chính trị gia hết sức vui mừng. Tại hội nghị chuyển đổi năng lượng mới đây ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hân hoan cho biết, công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới năm 2024 tăng thêm 50% so với năm 2022.
Hồi tháng 2/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các mục tiêu khí hậu cho năm 2040 và lộ trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn tiếp theo. Động thái này diễn ra 4 tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và trong bối cảnh nhiều nước thành viên trong khối đang đối mặt với các cuộc biểu tình của nông dân nhằm phản đối các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp.
EU đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó mục tiêu trong giai đoạn chuyển tiếp diễn ra đến năm 2030 là cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990. Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu đến năm 2040 giảm 90% mức phát thải ròng carbon, tức là tốc độ giảm tương đương giai đoạn 2020-2030.
Một thông tin đáng chú ý là sản lượng điện của các trang trại điện Mặt Trời của Hà Lan vượt qua tất cả các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu trong năm 2023 và nước này là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu tăng tổng sản lượng điện lên gần mức đỉnh, dù vẫn có những lo ngại về kinh tế.
Các công ty Hà Lan cũng lần đầu tiên sản xuất hơn một nửa tổng sản lượng điện của nước này từ các nguồn năng lượng sạch trong năm 2023, nhờ sản lượng điện gió và Mặt Trời đạt kỷ lục và tổng sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch ở mức thấp nhất trong một thế kỷ.
Theo tổ chức tư vấn về năng lượng Ember, tổng sản lượng điện của Hà Lan năm 2023 đạt 121,43 TWh, so với mức đỉnh 121,96 TWh đạt được vào năm 2020.
Việc tổng sản lượng điện của Hà Lan đạt mức cao như vậy là trái ngược với xu hướng tại các nước khác ở châu Âu. Tổng sản lượng tại Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha năm 2023 đều giảm mạnh so với các mức đỉnh, do mức tiêu thu năng lượng của doanh nghiệp hạn chế trong bối cảnh lạm phát cao và nhu cầu tiêu dùng thấp.
( nguồn : Báo Tin tức - TTXVN )