IEA: Các quốc gia đang đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sự gia tăng nhanh chóng trong việc triển khai năng lượng tái tạo vào năm 2023 đã đưa thế giới tiến gần đến mục tiêu tăng gấp ba công suất toàn cầu vào năm 2030, sau khi Trung Quốc thúc đẩy mức tăng 50%.
Tuy nhiên, mục tiêu được Liên hợp quốc nhất trí như một phần của gói biện pháp vẫn còn xa so với những gì cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong một báo cáo công bố tại COP28 ở Dubai, các nhà phân tích tính toán rằng thỏa thuận thượng đỉnh về khí hậu gần đây của Liên hợp quốc sẽ giảm khoảng cách phát thải liên quan đến năng lượng giữa quỹ đạo hiện tại và mức tăng 1,5 độ C chỉ khoảng 1/3 vào năm 2030.
Tháng trước, gần 200 quốc gia đã đồng ý tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo lên ít nhất 11.000GW vào năm 2030 và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trung bình hàng năm lên 4% cho đến năm 2030, cũng như giảm phát thải khí metan trong nỗ lực hạn chế hiện tượng nóng lên trên toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất trong tuần này, IEA nhận thấy rằng việc tăng 50% công suất năng lượng tái tạo lên gần 510GW vào năm 2023 - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hai thập kỷ - không còn xa nữa trong việc hoàn thành mục tiêu năm 2030 về năng lượng tái tạo.
Trong điều kiện thị trường hiện tại và các chính sách hiện hành, công suất sẽ đạt 7.300GW vào năm 2028. Tốc độ tăng trưởng đó sẽ khiến công suất toàn cầu tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030 so với mức hiện tại.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, tiến độ này rất đáng khích lệ. “Nhưng điều tôi muốn thấy là sự tăng trưởng từ các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, cũng như ở châu Mỹ Latinh và các nước châu Á khác”, ông cho biết.
Công suất năng lượng tái tạo tăng ở mức cao kỷ lục ở châu Âu, Mỹ và Brazil, nhưng động lực chính vẫn là sự tăng trưởng ở Trung Quốc - nơi lắp đặt nhiều quang điện mặt trời nhất vào năm 2022.
IEA ước tính Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi công suất năng lượng mặt trời vào năm 2023 và công suất năng lượng gió tăng 66% so với một năm trước đó.
Báo cáo cho thấy, sự phát triển năng lượng tái tạo đang tăng tốc trên toàn thế giới khi các quốc gia cố gắng thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng tiến độ không đồng đều khi nhiều nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các dự án năng lượng sạch.
“Cần có các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ các dự án năng lượng sạch ở các nước đang phát triển và mới nổi…và việc huy động nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi khí hậu ở các nước đang phát triển là một trong những phần còn thiếu quan trọng nhất của COP28”, ông Fatih Birol cho biết.
IEA cho biết, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch phải giảm 25% vào cuối thập kỷ này để thế giới có thể hạn chế thành công sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu lý tưởng của Thỏa thuận Paris 2015.
Cơ quan khoa học của Liên hợp quốc đã phát hiện ra rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất là 1,1 độ C và thế giới đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023.
Dave Jones, Giám đốc chương trình tại tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cho biết, mục tiêu “hoàn toàn có thể đạt được” là tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 cho thấy năng lượng xanh đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với ngành nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng ta đang ngày càng đi đúng hướng không chỉ để đạt được mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cao nhất trong thập kỷ này mà còn giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này trái ngược với khoản đầu tư khổng lồ mà ngành dầu khí lên kế hoạch và đang tạo ra một khoảng cách giữa triển vọng về cầu và triển vọng về cung”, ông cho biết.
( nguồn : Đầu tư Chứng Khoán )