Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Hai dự án nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM chờ thủ tục

Hai dự án nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM chờ thủ tục


Hai dự án nhà máy đốt rác phát điện của TP.HCM dù khởi công từ năm 2019, đến nay vẫn chưa tiến hành xây dựng vì chưa được cấp giấy phép.

Khởi công rồi nằm chờ thủ tục

Với lượng rác phát sinh gần 10.000 tấn mỗi ngày, TP.HCM rất cần các nhà máy đốt rác phát điện để xử lý số lượng rác “khổng lồ” này.

Vào tháng 8/2019, Công ty cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar) đã khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại huyện Củ Chi (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD. Nhà máy dự kiến vận hành giai đoạn I vào năm 2020, xử lý 2.000 tấn rác/ngày; đến năm 2021, công suất xử lý đạt 4.000 tấn/ngày.

Đến tháng 10/2019, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng khởi công nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi với công suất xử lý 2.000 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo có thể nâng công suất xử lý lên tới 5.000 tấn/ngày.

Sau 5 năm khởi công, đến nay, hai dự án này vẫn chưa thể tiến hành xây dựng. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, ban đầu hai dự án đốt rác phát điện này gặp vướng mắc do chưa đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn. Do chưa nằm trong quy hoạch, nên suốt thời gian dài, dự án phải nằm chờ để bổ sung vào quy hoạch.

Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, đến nay, cả hai dự án nhà máy đốt rác phát điện vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng để tiến hành thi công.

“Rừng” thủ tục chưa tháo gỡ xong

Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư liên tục gửi văn bản đến UBND TP.HCM và các sở, ngành đề nghị tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm đưa dự án vào khai thác. Ngày 25/6/2024, Công ty cổ phần Vietstar có Văn bản số 032/VST-DA gửi Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị hỗ trợ cấp phép xây dựng Dự án.

Phía Công ty Vietstar cho biết, các thủ tục liên quan phòng cháy chữa cháy, thủ tục về đánh giá tác động môi trường đã được doanh nghiệp nộp cho các cơ quan chức năng, song đến nay chưa được phê duyệt. Trong đó, hồ sơ thiết kế xây dựng công trình chưa được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP.HCM) thẩm duyệt.

Còn báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án do đã quá hạn 24 tháng dự án chưa triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn và cho ý kiến rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Vietstar vẫn còn hiệu lực sau ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực.

Với mục tiêu đưa nhà máy đốt rác phát điện Vietstar đi vào hoạt động trước ngày 31/12/2026 như đã cam kết với UBND TP.HCM, nhà đầu tư kiến nghị Sở Xây dựng hỗ trợ cấp giấy phép xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Tương tự dự án của Công ty Vietstar, dự án nhà máy đốt rác phát điện Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng đã nộp đầy đủ hồ sơ, như Báo cáo Nghiên cứu khả thi; hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy; báo cáo đánh giá tác động môi trường. Doanh nghiệp cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và sẵn sàng thi công ngay khi dự án được cấp phép xây dựng.

Ông Đặng Đình Quyết, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đề xuất, UBND TP.HCM và Sở Xây dựng hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, còn kết quả thẩm duyệt hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy sẽ nộp bổ sung sau khi cơ quan chức năng phê duyệt. Phía doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án để đưa vào vận hành cuối năm 2025, như cam kết với UBND TP.HCM

Liên quan vấn đề này, ngày 2/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 6401/STNMT-CTR gửi Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị hỗ trợ tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp giấy phép xây dựng của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc xem xét cấp giấy phép xây dựng là có cơ sở vì 2 dự án này đã được Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ triển khai thủ tục liên quan.

Hơn nữa, hai nhà đầu tư đã hoàn thiện các nội dung như hướng dẫn của Sở Xây dựng. Hiện tại, do việc triển khai công tác thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy của dự án kéo dài thời gian hơn dự kiến do đây là nội dung mới vừa được Bộ Công an ủy quyền cho Công an TP.HCM theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP.

Đơn vị quản lý về môi trường của TP.HCM cho rằng, việc hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, tiến hành cấp giấy phép xây dựng sẽ giúp nhà đầu tư có thể đầu tư xây dựng trong tháng 7/2024 để sớm đưa dự án vào vận hành như cam kết với UBND Thành phố.


                                                                                              ( nguồn : Báo Đầu tư )