Hà Nội: 66 cở sở, công trình đạt danh hiệu Năng Lượng Xanh năm 2023
Tối 8/12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ trao danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng Năng Lượng Xanh năm 2023 cho 66 cơ sở, công trình xây dựng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm, Thành phố đã triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 06/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các Sở, Ngành và UBND các quận, huyện, thị xã Thành phố thực hiện hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tập trung hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng cho 42 cơ sở, doanh nghiệp; Đánh giá hiệu quả năng lượng cho 11 cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 8 cơ sở; Phát triển, công nhận 66 mô hình sử dụng năng lượng xanh Thành phố, với trên 1.000 các giải pháp kỹ thuật tiêu biểu. Đến nay, theo đánh giá sơ bộ Thành phố đã tiết kiệm được 134,9 kTOE ( * ), đạt 1,67% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Các cơ sở đạt danh hiệu sử dụng Năng lượng Xanh 4 sao |
Phát biểu tại Lễ trao danh hiệu, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố cho biết: “Những năm vừa qua UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, phát triển năng lượng tái tạo, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả làm căn cứ để các cấp các ngành triển khai sâu rộng đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Thành phố, qua đó góp phần, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tổ chức thành công các sự kiện chính trị - ngoại giao, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho Thủ đô và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu”.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, nhiều giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, trụ sở làm việc, công sở, chiếu sáng công cộng, hộ gia đình; các hoạt động thúc đẩy mở rộng các đối tượng khách hàng tham gia về quản lý nhu cầu, sử dụng điện thông minh; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
“Năm 2023 thành phố Hà Nội đã tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Theo đánh giá sơ bộ, năm 2023 thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 134,9 kTOE, tương ứng 1,67% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu”, Quyền Giám đốc Sở Công thương cho hay.
Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng Thành phố đã thành lập Hội đồng đánh giá là các thành viên uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng theo tiêu chí được ban hành tại Hướng dẫn số 4571/HD-SCT ngày 18/9/2023.
Qua đó, Hội đồng đánh giá đã xác định có 66 hồ sơ đủ điều kiện để đánh giá, trong đó: 19 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 140 giải pháp, tiết kiệm được 9.530 TOE, tương đương tiết kiệm 106,7 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm; kế hoạch sử dụng năng hiệu quả trong 5 năm tới, 19 cơ sở này sẽ tiết kiệm 15.860 TOE, tương đương với 178,9 tỷ đồng; 22 cơ sở sử dụng nhiều năng lượng đã triển khai thực hiện 110 giải pháp, tiết kiệm được 700,3 TOE, tương đương tiết kiệm 7,6 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm; kế hoạch sử dụng năng hiệu quả trong 5 năm tới, 22 cơ sở này sẽ tiết kiệm 1.167,2 TOE, tương đương với 13,2 tỷ đồng.
Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình của các đơn vị tham gia năm nay như: Mô hình sử dụng dụng pin năng lượng mặt trời tại: Công ty TNHH Terumo Việt Nam, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines, Công ty TNHH MOLEX Việt Nam, Tòa nhà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dự án LOTTE MALL West Lake Hanoi,...; Sử dụng phần mềm BMS giám sát, điều khiển các trang thiết bị như: Hệ thống điện, điều hòa không khí, chiếu sáng, bơm, quạt, AHU,… tại: Cao ốc Vietcombank, Tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, TTTM Aeonmall Hà Đông, Khách sạn Metropole Hà Nội, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank),…; Lắp biến tần điều khiển cho các động cơ dây chuyền sản xuất, bơm, quạt, máy nén khí tại: Công ty Cổ phần sản xuất Havitech, Chi nhánh số 2 - Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH URC Hà Nội, Công ty TNHH Sakura Hongming Việt Nam, Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long,…
Hội đồng đánh giá, chấm điểm, xếp hạng từ cao xuống thấp và đã đề xuất công nhận 66 cơ sở có số điểm đánh giá cao nhất đạt danh hiệu Năng lương Xanh theo Tiêu chí Thành phố. Cụ thể, Danh hiệu Năng lương Xanh 5 sao có 16 đơn vị; Danh hiệu Năng lương Xanh 4 sao có 32 đơn vị; Danh hiệu Năng lương Xanh 3 sao có 18 đơn vị.
( * ) CÁCH QUY ĐỔI CÁC DẠNG NĂNG LƯỢNG SANG TOE NHƯ THẾ NÀO?
Theo chương 3, điều 6 của Nghị định 21/2011/NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên; các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.
Vậy TẤN DẦU TƯƠNG ĐƯƠNG (TOE) (hay còn gọi là Tấn dầu Quy đổi) LÀ GÌ và làm cách nào để doanh nghiệp/cở sở tự QUY ĐỔI từ các nguồn năng lượng khác như điện, than đá, dầu, … sang TOE?
Trong thực tế, các doanh nghiệp/cơ sở phải sử dụng một hay nhiều nguồn năng lượng (như điện, than đá, củi, dầu, khí đốt, …) khác nhau để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Mỗi loại năng lượng sử dụng lại có các thông số kỹ thuật khác nhau (đơn vị tính, nhiệt trị, độ phát thải khí nhà kính, …) khiến cho việc đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề trên, đơn vị “Tấn dầu Tương đương – TOE (Tấn dầu Quy đổi)” được tạo ra như một chuẩn so sánh chung cho đa dạng các loại năng lượng sử dụng khác nhau.
1. BẢNG QUY ĐỔI THÔNG SỐ CÁC DẠNG NĂNG LƯỢNG THƯỜNG GẶP SANG TOE
STT | Loại | Đơn vị | TOE/đơn vị * | MJ/đơn vị ** | Hệ số phát thải CO2 | |
Kg CO2/MJ *** | tấn CO2/đơn vị | |||||
1. | Điện năng | 1000 kWh | 0,1543 | – | – | 0,7221**** |
2. | Than cốc | Tấn | 0,7 – 0,75 | 29.309 – 31.402,5 | 0,0946 | 2,77 – 2,97 |
3. | Than cám loại 1,2 | Tấn | 0,7 | 29.309 | 0,0983 | 2,88 |
4. | Than cám loại 3,4 | Tấn | 0,6 | 25.122 | 0,0983 | 2,47 |
5. | Than cám loại 5,6 | Tấn | 0,5 | 20.935 | 0,0983 | 2,06 |
6. | DO (Dầu DO) | Tấn | 1,02 | 42.707,4 | 0,0741 | 3,165 |
1000 lít | 0,88 | 36.845,6 | 2,730 | |||
7. | FO (Dầu FO) | Tấn | 0,99 | 41.451,3 | 0,0774 | 3,208 |
1000 lít | 0,94 | 39.357,8 | 3,046 | |||
8. | LPG | Tấn | 1,09 | 45.638,3 | 0,0631 | 2,880 |
9. | Khí tự nhiên (NG) | 1000 m3 | 0,9 | 37.683,0 | 0,0561 | 2,114 |
10. | Xăng ôtô-xe máy (Gasoline)
| Tấn | 1,05 | 43.963,5 | 0,0693
| 3,047 |
1000 lít | 0,83 | 34.752,1 | 2,408 | |||
11. | Nhiên liệu phản lực (Jet fuel) | Tấn | 1,05 | 43.963,5 | 0,0715 | 3,143 |
12. | Trấu/Sinh khối rắn khác | Tấn | – | 16.100 | 0,100 | – |
13. | Gỗ/Gỗ phế phẩm | Tấn | – | 16.200 | 0,112 | – |
Lưu ý:
* Các hệ số TOE được tham khảo bởi công văn số 3505/BCT-KHCN, 19/04/2011.
** Hệ số chuyển đổi năng lượng được tính toán dựa trên giá trị chuyển đổi của 1TOE = 41.870 MJ bởi IPCC.
Hệ số nhiệt trị (MJ/đơn vị) cho các loại năng lượng chỉ mang tính chất tham khảo.
(https://www.ipcc.ch/site/assets/uploads/2018/03/emissions_scenarios-1.pdf)
*** Tham khảo tài liệu “”2006 IPCC Guidelines for National Greenhouse Gas Inventories”, Chapter 2 Stationary Combustion.
**** http://dcc.gov.vn/van-ban-phap-luat/1101/He-so-phat-thai-luoi-dien-Viet-Nam-2021.html
Ngoài cung cấp hệ số quy đổi các dạng năng lượng như điện năng, than các loại, dầu DO, dầu FO, LPG, CNG, … sang TOE (cột TOE/đơn vị), bảng trên còn cung cấp một số thông số cơ bản như nhiệt trị (cột MJ/đơn vị), hệ số phát thải khí nhà kính (cột kg CO₂/MJ và cột tấn CO₂/đơn vị) trong trường hợp doanh nghiệp/cơ sở có nhu cầu tham khảo, chuyển đổi thông số.
2. VÍ DỤ MINH HOẠ CÁCH SỬ DỤNG BẢNG CHUYỂN ĐỔI
Doanh nghiệp/cơ sở A trong năm 2019 sử dụng 4.500.000 kWh điện và 1.500 tấn than cám loại 3.
Như vậy, cách quy đổi 2 dạng năng lượng điện và than sang TOE như sau:
- Quy đổi điện sang TOE: 4.500.000 (kWh)/1000*0,1543=694,35 (TOE)
- Quy đổi than sang TOE: 1.500 (tấn than)*0,6=900 (TOE)
- Tổng quy đổi điện và than của doanh nghiệp/cơ sở sang TOE: 694,35+900=1.594,35 (TOE)
( nguồn : Báo Công Thương )