Giảm bậc, hộ dùng điện nhiều vẫn trả giá cao
Giảm từ 6 bậc hiện tại xuống 5 bậc theo Dự thảo về cơ cấu giá điện bán lẻ mới, người tiêu dùng sẽ lợi gì là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Giá điện sinh hoạt vẫn phải bù chéo cho sản xuất, dịch vụ
Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế Quyết định 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, thay đổi lớn tại lần sửa đổi này là rút ngắn số bậc trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.
Cụ thể, người sử dụng điện ở bậc 1 (từ 0 - 100 kWh) có giá là 1.806,11 đồng/kWh; bậc 2 (101 - 200 kWh) có giá 2.167,33 đồng/kWh; bậc 3 (201 - 400 kWh) có giá 2.729,23 đồng/kWh; bậc 4 (401 - 700 kWh) có giá là 3.250,99 đồng/kWh và bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) có giá 3.612,22 đồng/kWh. Mức giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 1416 mới đây của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quy định là 2.006,79 đồng/kWh (chưa thuế GTGT). Như vậy, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới áp dụng với người dùng điện từ bậc 2 (101 kWh điện trở lên) đã cao hơn mức giá bình quân. Mức tăng lũy tiến dần đến bậc 4 bằng 162% và bậc 5 bằng 180% giá điện bình quân.
Theo Bộ Công thương, lần điều chỉnh bậc giá điện này được thiết kế theo nguyên tắc "hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện"; giữ nguyên giá điện thấp hơn mức giá bình quân cho người dùng dưới 100 kWh điện/tháng, nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Đổi lại, phần thu cao từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 KWh (cao hơn 62% và 80% so giá điện bình quân) để… bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Ngoài ra, Bộ Công thương nhấn mạnh ưu điểm của phương án điều chỉnh giảm bậc này là đơn giản, dễ hiểu. Việc ghép các bậc lại với nhau nhằm tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm.
Như vậy, biểu giá điện mới vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm xây dựng biểu giá điện đang áp dụng. Đó là lấy tiền điện từ hộ dùng nhiều bù cho hộ dùng ít. Đáng nói, giá điện bán cho sản xuất vào khung giờ thấp điểm lại chỉ bằng 52 - 56% giá điện bán lẻ bình quân. Như vậy, người dùng điện từ 101 kWh trở lên không chỉ bù cho người dùng điện sinh hoạt ít mà còn bù chéo cho cả giá điện sản xuất.
Trước đó, Hội Điện lực VN cũng góp ý cần thiết phải quy định rõ ràng, rành mạch việc ngân sách bù đắp phần chi phí chênh lệch do bán điện ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện. Tức là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, giải trình của Bộ Công thương sau đó đề nghị được giữ nguyên nội dung dự thảo và cho biết biểu giá bán lẻ điện sẽ cải tiến theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (lần ban hành cơ cấu giá bán lẻ điện kỳ này) chỉ sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận đặt ra; sang giai đoạn 2 (2 năm tới), Bộ sẽ tiếp tục phối hợp EVN xây dựng lộ trình phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, ủng hộ biểu giá bán lẻ điện 5 bậc này vì nguyên tắc xây dựng giá điện không thể lấy bằng mức giá bình quân của Chính phủ quy định, nên mới có biểu giá lũy tiến tăng dần. Do điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, than đá là có hạn, phải tiết kiệm, nên càng dùng nhiều điện thì tiền trả càng cao là nguyên lý trong sử dụng điện. Bên cạnh đó, điện là hàng hóa đặc biệt nhưng thiết yếu, Nhà nước phải điều tiết và chú trọng an sinh xã hội, hỗ trợ thành phần yếu kém, gia đình khó khăn phải có sự trợ cấp tiền điện.
"Quan trọng là những tính toán các mức tiêu thụ điện tại các bậc căn cứ vào đâu? Nhà nước giao cho mức giá bình quân, dữ liệu tính toán sử dụng từ nguồn dùng điện quá khứ, bên cạnh đó là tính dự báo của ngành để cho ra mức hộ gia đình dùng bao nhiêu là cần giới hạn lại… Tuy nhiên, để thuyết phục biểu giá bán lẻ theo 5 bậc này là hợp lý, cơ quan soạn thảo dự thảo phải có sự phân tích, lý giải xem mức giá điện theo 6 bậc hiện nay phi lý ở chỗ nào. Các lý giải có con số cụ thể và thuyết phục hơn, sản lượng tiêu thụ đúng với giá bình quân chưa. Những giải trình nếu không có số liệu cụ thể thì rất khó thuyết phục và mấu chốt là ở đấy", chuyên gia Ngô Trí Long chia sẻ.
Để thuyết phục biểu giá bán lẻ theo 5 bậc này là hợp lý, cơ quan soạn thảo dự thảo phải có sự phân tích, lý giải xem mức giá điện theo 6 bậc hiện nay phi lý ở chỗ nào. Các lý giải có con số cụ thể và thuyết phục hơn, sản lượng tiêu thụ đúng với giá bình quân chưa. Những giải trình nếu không có số liệu cụ thể thì rất khó thuyết phục và mấu chốt là ở đấy.
Tính theo hộ là chưa công bằng
Cùng quan điểm về giá điện tính theo bậc thang, GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, nêu quan điểm: Xây dựng chính sách giá bán lẻ điện theo bậc thang, mục đích của Nhà nước muốn có sự điều tiết trong giá bán điện cho người dân thuộc các thành phần khác nhau, hộ nghèo, hộ chính sách thì trả tiền thấp, và người có điều kiện dùng điện nhiều phải trả tiền cao hơn để bù lại cho số hộ dùng thấp kia. Giá bình quân do Thủ tướng quy định trên nguyên tắc tổng doanh thu của người bán điện không thay đổi. Như vậy, số tiền điện của EVN thu về không phụ thuộc vào số bậc thang.
Tuy nhiên, GS Trần Đình Long cho rằng, về nguyên tắc, số bậc thang càng ít thì càng tốt cho người tiêu dùng, bởi giúp người sử dụng điện tiến gần hơn việc trả tiền đúng nhu cầu sử dụng của mình. Theo lộ trình được đưa ra trước đây, đến năm 2024, chúng ta bắt đầu thực hiện giá bán lẻ điện cạnh tranh và tiến dần đến 1 giá duy nhất, nên việc giảm bậc phải được áp dụng sớm hơn.
"Biểu giá bán lẻ điện hiện nay được xây dựng từ năm 2014, tức là rất lâu rồi. Nhu cầu tiêu thụ điện của người dân chắc chắn đã khác. Tuy vậy, gần 10 năm qua, chúng ta mới giảm được 1 bậc và duy trì mức người sử dụng điện cao - trong thực tế là không cao, thậm chí thấp - phải trả tiền cao hơn mức bình quân của Chính phủ quy định là đã khiến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh còn lâu mới hiện thực được", GS Trần Đình Long nhận xét.
Theo dự thảo, hộ gia đình dùng từ 201 kW điện trở lên phải trả cao hơn giá bán lẻ điện bình quân đến 36%, từ 401 kWh trở lên giá cao hơn 62%, và từ 701 kWh thì cao hơn 80%. Trong khi đó, với cách tính giá bán điện theo hộ, chính sách giá điện trong thực tế chưa bảo đảm tính công bằng.
GS Trần Đình Long nhấn mạnh: "Việc áp dụng giá điện theo 3 bậc, 5 bậc hay 7 bậc thì tổng doanh thu của EVN vẫn không thay đổi. Nhưng trong xây dựng cơ cấu biểu giá điện, đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Việc rút ngắn thêm 1 bậc theo Bộ Công thương là cho người dân dễ hiểu, dễ áp dụng, chẳng hạn chỉ tăng số dùng 300 kWh trở lên. Nhưng việc áp bậc trong cơ cấu giá điện theo hộ gia đình khiến người sử dụng điện thiệt thòi. Thậm chí ngay chính sách ưu tiên giá điện cho hộ nghèo cũng không đến được tay người nghèo nếu hộ đó có hơn 10 người, dùng hơn 400 kWh/tháng… Tính không công bằng trong biểu giá điện là ở đây".
Tôi từng có ý kiến nhiều lần là giá bán lẻ điện sinh hoạt nên tính theo đầu người, nhân khẩu chứ không nên theo hộ; cách tính như giá nước thôi, theo nhân khẩu. Về nguyên tắc, những gì liên quan đến phúc lợi của người dân nên có sự công bằng.
GS Trần Đình Long (Viện trưởng Viện Điện lực VN)
( nguồn : Báo Thanh Niên )