Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời

Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời


Theo các chuyên gia, công nghệ pin lưu trữ năng lượng sẽ là giải pháp tối ưu để lưu trữ năng lượng mặt trời dư thừa.

Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời trong ngắn hạn và dài hạn. Ảnh: EVN

Nhưng trong ngắn hạn, khi chi phí để đầu tư pin tích năng vẫn còn là rào cản thì Bộ Công Thương có thể cho phép người dân, doanh nghiệp bán nguồn điện mặt trời vào lưới điện quốc gia để tránh lãng phí.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ nay đến năm 2030, ước tính sản lượng pin cần tăng 6 lần so với hiện tại để có thể đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng các mục tiêu về môi trường vào năm 2030.

Theo đó, cơ quan này đánh giá công nghệ pin tích năng sẽ là giải pháp giúp lưu trữ điện năng dư thừa, đảm bảo tiết kiệm và nâng cao hiệu quả cho các dự án điện năng lượng tái tạo, đồng thời là công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác điều độ và ổn định hệ thống điện quốc gia.

Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất pin lưu trữ năng lượng, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo IEA, điện và giao thông vận tải là hai lĩnh vực chính, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề phát thải và mục tiêu trung hòa các-bon. Việc ứng dụng pin lưu trữ năng lượng trong lĩnh vực này có thể là giải pháp khả thi và hữu ích cho các nước hoàn thành mục tiêu phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường.

Giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho khu vực phía Bắc. Bảng thống kê: TS Nguyễn Huy Hoạch

Tại Việt Nam, mới đây VinFast và ON Energy (Tập đoàn KTG) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, qua đó cung cấp và triển khai giải pháp tích hợp pin lưu trữ năng lượng của VinFast dưới thương hiệu VinFast Energy cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà dành cho khu công nghiệp, văn phòng doanh nghiệp và nhà ở dân dụng trên toàn quốc. Giải pháp tích hợp đồng bộ này sẽ giúp tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, tránh lãng phí điện năng dư thừa vào ban ngày và đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định vào ban đêm hoặc khi bị mất điện.

Theo các chuyên gia, giải pháp này được đánh giá cao về chất lượng, độ ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp cao và có chi phí hợp lý. Hợp tác giữa VinFast và ON Energy là hoạt động thiết thực nhằm góp phần hiện thực hóa một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch Điện VIII, đó là đến năm 2030, 50% tòa nhà văn phòng và 50% nhà dân sẽ sử dụng điện mặt trời mái nhà để tự sản xuất và tự tiêu thụ điện năng.

Tại tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Quy chế nào phù hợp?” vừa qua, ông Phạm Đặng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong chia sẻ, việc phát triển các giải pháp lưu trữ điện mặt trời mái nhà sẽ trở nên cần thiết hơn từ việc phát triển giao thông xanh, chứ không chỉ đơn thuần là từ việc cung cấp điện cho các khu công nghiệp.

Theo ông An, hệ thống điện mặt trời mái nhà, kết hợp với các giải pháp lưu trữ, và việc sử dụng nguồn điện lưu trữ đó cho giao thông xanh sẽ là một giải pháp hữu ích và hiệu quả. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành xe điện, nền công nghiệp của Việt Nam sẽ sớm đạt được mức độ kỹ thuật và giá cả lưu trữ phù hợp hơn.



                                                                                                          ( nguồn : Báo Lao Động )