Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Đức: ''Giá điện âm'' do dư thừa điện năng lượng tái tạo, thiếu pin lưu trữ

Đức: ''Giá điện âm'' do dư thừa điện năng lượng tái tạo, thiếu pin lưu trữ


Ở Đức, việc phát triển điện năng lượng tái tạo diễn ra rất nhanh tuy nhiên các điều kiện đi kèm chưa theo kịp nên lượng điện sản xuất ra nhiều hơn mức tiêu thụ.

Ở Đức, tiến trình phát triển năng lượng tái tạo đang diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, các điều kiện đi kèm chưa theo kịp. Kết quả, nước Đức sản xuất ra nhiều điện năng lượng tái tạo hơn mức tiêu thụ và người dân phải gánh chịu chi phí cao từ thuế.

Điện gió và điện mặt trời cũng gây ra vấn đề

Thực tế, việc mở rộng năng lượng tái tạo đã thực sự tăng tốc và đây là một điều tốt. Trong quý đầu tiên của năm 2024, tỷ lệ điện năng lượng tái tạo trong tổng hỗn hợp điện của Đức đạt gần 60%, theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang. Các nguồn năng lượng truyền thống (chủ yếu là than đá và khí tự nhiên) giảm xuống còn 41%.

Tuy nhiên, theo báo Munchner Merkur (Đức), việc tăng cường các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời cũng gây ra những vấn đề cho thị trường điện. Các nhà máy sản xuất rất nhiều điện khi không cần thiết.

Đức: ''Giá điện âm'' do dư thừa điện năng lượng tái tạo, thiếu pin lưu trữ
Việc tăng cường các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời cũng gây ra những vấn đề cho thị trường điện ở Đức. Ảnh: Báo Munchner Merkur

Điều này đặc biệt đúng với các hệ thống năng lượng mặt trời. Theo phân tích của tác giả Amy Walker, điện mặt trời có thể sản xuất điện vào ban ngày, trong khi nhu cầu điện lại không cao vào thời điểm này.

“Vì công suất lưu trữ chưa đủ, các nhà khai thác buộc phải đưa lượng điện thừa vào lưới và bán ra thị trường với giá rẻ. Điều này gây tốn kém cho cả nhà khai thác và nhà nước”, tác giả phân tích.

Đức thiếu hụt cơ sở lưu trữ điện dẫn đến giá điện âm

Ở Đức, người tiêu dùng cũng được khuyến khích, nếu có hệ thống năng lượng mặt trời riêng, nên tận dụng các cơ sở lưu trữ điện. Có thể lưu trữ điện vào ô tô điện hoặc pin dự trữ và chỉ khi nào các thiết bị này đầy, mới đưa điện vào lưới.

Tuy nhiên, hiện tại, công suất lưu trữ điện ở Đức còn rất hạn chế. Theo Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Liên bang Đức, Đức hiện có công suất lưu trữ 12 GWh. Đến năm 2030, nước Đức cần 100 GWh và đến năm 2045 là 180 GWh.

Không chỉ thế, các cơ sở lưu trữ ở Đức hiện vẫn còn rất đắt. Vì vậy, lượng điện dư thừa hiện tại phải đưa vào lưới, dẫn đến tình trạng được gọi là "giá điện âm".

Việc có quá nhiều điện trên thị trường trong khi nhu cầu thấp, đến nỗi điện gần như được tặng miễn phí trên thị trường. Những người sử dụng điện có thể hưởng lợi từ điều này và giảm đáng kể chi phí điện cho hộ gia đình.

Tuy nhiên, điều tốt cho người tiêu dùng lại không nhất thiết tốt cho các nhà khai thác và nhà nước.

Theo tờ Munchner Merkur, trong thời kỳ giá điện âm, nhà khai thác mạng đặc biệt là các nhà máy nhỏ, như nhà máy điện mặt trời trên mái nhà và các nhà máy điện mặt trời tư nhân có công suất dưới 400 kilowatt, không thể tách khỏi thị trường. Họ phải chấp nhận lượng điện này và trong nhiều trường hợp phải trả một khoản phí cấp điện, nhưng không dựa trên giá thị trường hiện tại.

Tác giả Amy Walker cho rằng, cần phải điều chỉnh lại mức phí cấp điện để tạo ra các động lực tốt hơn. Bởi vì hiện tại, việc cấp điện đang làm cho các nhà khai thác mạng lưới không hấp dẫn việc tiếp tục đầu tư vào năng lượng chuyển đổi.

Wolfram Axthelm từ Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Liên bang Đức đã chỉ ra rằng: "Thời gian ngày càng tăng với giá điện âm trên thị trường điện đang đặt ra một vấn đề ngày càng lớn cho nền tảng kinh doanh của các nhà máy mới và hiện có. Điều này đe dọa đến việc mở rộng năng lượng tái tạo hơn nữa”.



                                                                                                      ( nguồn : Báo Công thương )