Trang chủ / TIN TỨC & CÔNG NGHỆ / Điều gì đang cản trở quá trình đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Châu Phi?

Điều gì đang cản trở quá trình đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Châu Phi?


Với 600 triệu người châu Phi vẫn chưa thể tiếp cận nguồn điện, năng lượng tái tạo mang đến cho lục địa này cơ hội giải quyết tình trạng “khát” năng lượng, đồng thời đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Điều gì đang cản trở quá trình đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Châu Phi?
Mặc dù có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời và gió dồi dào, nhưng Châu Phi chỉ thu hút được 3% khoản đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo. Ảnh AFP

Mặc dù có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời và gió dồi dào, Châu Phi chỉ thu hút được 3% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo, do chi phí cao liên quan đến mức lãi suất vay "cắt cổ" và tồn tại nhiều rủi ro, theo báo cáo của chuyên gia năng lượng Olivier de Souza được công bố vào ngày 3/6.

Với tiêu đề “Vì sao Châu Phi không thể thu hút các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo”, báo cáo nhắc lại rằng Châu Phi sở hữu một trong những tiềm năng lớn nhất trên thế giới về năng lượng tái tạo. Lục địa này được hưởng lợi từ lượng ánh nắng mặt trời cao. Theo Ngân hàng Thế giới, các quốc gia như Namibia, Ai Cập, Botswana, Maroc, Sudan và Niger nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ bức xạ mặt trời cao nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Năng lượng Gió Thế giới, Châu Phi cũng có tiềm năng gió ước tính khoảng 59.000 gigawatt (GW), gấp khoảng 90 lần công suất toàn cầu hiện nay. Tiềm năng này sẽ đáp ứng khoảng hơn 250 lần nhu cầu năng lượng của lục địa, nơi 600 triệu người vẫn chưa được sử dụng điện. Nhưng hiện chỉ có 0,01% công suất được phát triển vì lục địa này chỉ thu hút một phần rất nhỏ đầu tư vào năng lượng tái tạo, mặc dù nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong bối cảnh dân số tăng trưởng mạnh.

Đầu tư trung bình hàng năm vào năng lượng tái tạo ở Châu Phi đã tăng từ dưới 0,5 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2009 lên 5 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020, trước khi tăng lên 10 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2023. Tuy nhiên, tính trung bình, nhu cầu đầu tư hàng năm vào năng lượng tái tạo theo Viện Phân tích Khí hậu Đức, năng lượng trên lục địa này ước tính trị giá 100 tỷ USD từ năm 2024 đến năm 2030.

Thiếu năng lực kỹ thuật và tài chính

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều rào cản phụ thuộc vào chính các nước châu Phi, điều này giải thích cho sự yếu kém của quá trình đầu tư vào năng lượng xanh. Trước hết, điều này liên quan đến bối cảnh chính trị và pháp lý không mấy thuận lợi cho các khoản đầu tư xanh. Các nước châu Phi có truyền thống tập trung vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, và các chính sách về năng lượng tái tạo nhìn chung không hiệu quả. Ngay cả những nơi có ý chí chính trị, các công ty năng lượng quốc gia vẫn thiếu năng lực kỹ thuật, tài chính và thiếu động lực để phát triển các năng lực mới cho năng lượng sạch.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối điện đang phải chịu tổn thất tài chính đáng kể, do kết nối trái phép vào mạng lưới điện, hóa đơn tiêu dùng chưa thanh toán và tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Các quốc gia châu Phi cũng không đưa ra biện pháp khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng mới. Ví dụ, ở một số quốc gia, các công nghệ liên quan đến năng lượng tái tạo không được hưởng lợi từ việc miễn thuế hải quan.

Việc thiếu các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng thiết bị và thiếu lao động có trình độ để lắp đặt, và bảo trì thiết bị cũng có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ không muốn áp dụng công nghệ năng lượng sạch.

Việc thiếu dữ liệu thị trường chính xác cũng khiến các nhà đầu tư tư nhân nản lòng, đồng thời khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính khác coi kế hoạch đầu tư vào năng lượng xanh là một rủi ro lớn.

Ở một cấp độ khác, đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Châu Phi đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, như chi phí vốn cao do lãi suất "cắt cổ" khi vay từ bên ngoài, trong khi các quốc gia ở lục địa này đang phải gánh những khoản nợ lớn.

Lãi suất áp dụng cho các khoản vay ở Nam Phi, Kenya, Ghana và Nigeria dao động trong khoảng từ 7,75% đến 29,5%. Ở các nước OECD, lãi suất trung bình của các khoản vay tăng từ 1% vào năm 2021 lên 4% vào năm 2023.

Theo tổ chức tư vấn Energy For Development Hub, chi phí năng lượng mặt trời không được trợ cấp ở Ghana cao hơn 140% so với ở Mỹ, hoàn toàn là do sự khác biệt về chi phí vốn. Phát hiện này đã được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xác nhận và tiết lộ trong báo cáo "Tài trợ cho Năng lượng sạch ở Châu Phi" rằng, chi phí vốn cho các dự án năng lượng sạch quy mô lớn trên lục địa này cao hơn ít nhất hai đến ba lần so với các nền kinh tế phát triển.

PPP được coi là một giải pháp để kích thích đầu tư

IEA cũng cho rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Phi là đặc biệt rủi ro. Không giống các nhà máy năng lượng truyền thống chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và dựa vào mạng lưới phân phối khổng lồ, các dự án năng lượng tái tạo thường nhỏ hơn, được xây dựng tại địa phương và phục vụ người tiêu dùng có khả năng thanh toán hạn chế.

Hơn nữa, tiến bộ nhanh chóng đạt được trong những năm gần đây về công nghệ năng lượng tái tạo, có thể dẫn đến những bất ổn về tính bền vững và khả năng cạnh tranh lâu dài của một số dự án.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ rằng vẫn có các giải pháp nhằm khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo trên lục địa. Thiết lập một khuôn khổ chính sách và môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là biện pháp chủ chốt. Trước tiên, các chính phủ phải cấp nguồn tài trợ công cho R&D (Nghiên cứu và Phát triển), thông qua cơ chế ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính (trợ cấp, cho vay không lãi suất), để hỗ trợ đổi mới công nghệ năng lượng tái tạo.

Khi đó, các chính sách hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng tái tạo mới cần thiết. Các chính sách này được phân thành hai loại: dựa trên giá cả và dựa trên số lượng. Loại đầu tiên gồm, biểu giá điện hỗ trợ FIT (Feed In Tariff), và các chương trình khuyến khích các tác nhân kinh tế đầu tư vào năng lực sản xuất mới, bằng cách đảm bảo khả năng sinh lời của các khoản đầu tư trong khuôn khổ ổn định và có thể dự đoán được. Ở loại thứ hai, các chính sách dựa trên số lượng đặt ra mục tiêu tích hợp năng lượng tái tạo vào cơ cấu năng lượng, và dựa vào hệ thống đấu thầu hoặc các công cụ linh hoạt như chứng chỉ xanh.

Quan hệ đối tác công-tư (PPP) cũng mang lại tiềm năng đáng kể để kích thích đầu tư vào lĩnh vực này, nhờ khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính và khuyến khích sự hợp tác giữa các chủ thể nhà nước và tư nhân.


                                                                                         ( nguồn : Năng lượng Quốc tế )