Điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp cần được khuyến khích
Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi. Nghị định đưa ra 2 loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (ĐMTMNTSTT) gồm: Loại có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Với ĐMTMNTSTT không đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Với ĐMTMNTSTT có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, tổng công suất tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đặc biệt, với trường hợp này, sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia sẽ được đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
MTMNTSTT bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời kỳ cao điểm
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành cơ chế, chính sách để phát triển ĐMTMNTSTT là cần thiết, bởi thông qua loại hình này có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời kỳ cao điểm khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh. ĐMTMNTSTT còn góp phần giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội cũng như giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện, giúp hiện thực hóa mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Tuy vậy cũng có ý kiến lưu ý, chính sách khuyến khích ĐMTMNTSTT cần phải đáp ứng được 3 yếu tố, đó là đảm bảo được tính phổ quát, tính linh hoạt và công bằng. Như quan điểm của PGS.Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích việc phát triển ĐMTMNTSTT, giảm áp lực phải tăng nguồn phát để đảm bảo nhu cầu điện của xã hội đặc biệt trong mùa nắng nóng, cũng như huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thị trường điện.
“Tuy nhiên việc đấu nối ĐMTMNTSTT vào hệ thống điện quốc gia chỉ nên tạm thời dừng ở việc bổ sung lượng điện thiếu hụt, khi điện mặt trời không tự sản xuất ra điện, không nên mua - bán trong giai đoạn trước mắt (khoảng 5 năm) để các bên liên quan có thể có sự điều chỉnh”, PGS Nguyễn Việt Dũng bày tỏ.
Song PGS Nguyễn Việt Dũng cũng cho rằng, phát triển ĐMTMNTSTT trong các khu công nghiệp rất nên được khuyến khích theo quy định cụ thể của Nhà nước. Khi Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMNTSTT, cũng như Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, trong đó có quy định về thí điểm thị trường trao đổi, bù trừ Tín chỉ carbon từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028 và các văn bản pháp luật liên quan,… sẽ tạo cơ chế và chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà đúng hướng, bình đẳng về chính sách cho các bên liên quan.
Để Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMNTSTT bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách như Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo, PGS. Nguyễn Việt Dũng góp ý, nên bổ sung trong nội dung về sử dụng trao đổi điện mặt trời mái nhà không đấu nối vào lưới tại các khu công nghiệp và các cụm dịch vụ thương mại (nạp xe điện) trong Nghị định.
Đồng thời, nên có khuyến khích ở vùng sâu vùng xa và vùng cần phát triển điện tái tạo, để bù nhu cầu khi lưới điện quốc gia chưa tới hoặc khó đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải. Kèm với đó là có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà đi kèm hệ thống tích trữ năng lượng để tối đa giảm sự phụ thuộc điện lưới.
Song song với đó cũng cần có Quy hoạch về điện mặt trời mái nhà. Khuyến khích không giới hạn điện mặt trời mái nhà có thiết bị lưu trữ không bán điện dư lên lưới. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên đưa ra khung phát triển điện mặt trời mái nhà theo từng khu vực cùng yêu cầu cụ thể đảm bảo an toàn, môi trường của điện mặt trời mái nhà.
Khuyến khích không giới hạn điện mặt trời mái nhà có thiết bị lưu trữ không bán điện dư lên lưới
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong phát triển ĐMTMNTSTT, PGS. Nguyễn Việt Dũng cho biết, nhìn chung với các nước Bắc Á cũng như các nước trong khối ASEAN đều có chung xu hướng, khuyến khích hỗ trợ điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà, tuy nhiên tuân thủ theo quy hoạch điện tránh phát triển nóng.
Bên cạnh đó, một số quốc gia có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng dần điều chỉnh theo hướng giảm dần sự trợ giá khi mua lại điện mặt trời mái nhà dư thừa (Australia); Chuyển sang theo điều tiết của thị trường, hỗ trợ thông qua vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập để phát triển dự án điện mặt trời mái nhà (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc). Trong đó cơ chế hỗ trợ gián tiếp thông qua thị trường trao đổi Tín chỉ carbon, Chứng chỉ năng lượng tái tạo cũng là công cụ đáng chú ý.
“Tuy nhiên việc thúc đẩy điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam rất nên theo tình hình thực tế, tránh lặp lại việc đầu cơ trục lợi chính sách dẫn tới tăng trưởng nóng, làm mất cân đối nguồn điện tạo ra áp lực tăng giá điện”, PGS Nguyễn Việt Dũng khuyến nghị.
( nguồn : VOV )